Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ của chúng ta chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Còn ngày nào đất nước chưa giành được độc lập thì ngày đó Bác còn ăn chưa ngon, ngủ chưa yên. Ý chí giành độc lập tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho nhân dân đã trở thành phương châm chỉ đạo toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.

hoc-chi-minh-hoi-tu-suc-manh-1
Bác Hồ với các Anh hùng và dũng sĩ miền Nam

Quá trình tìm đường giải phóng dân tộc cho đến khi gặp được chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã hướng cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản. Nhờ có đường lối cứu nước đúng đắn của Người nên cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Thay mặt cho toàn thể quốc dân đồng bào, ngày 02-9-1945 Bác Hồ đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á. Tuy nhiên, nền độc lập vừa mới giành được thì thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược nước ta một lần nữa. Trước sự xâm lược của kẻ thù, nhân dân Nam Bộ đã vùng lên kháng chiến và sau đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra trên toàn quốc. Trong suốt cuộc trường chinh 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Người luôn luôn bên cạnh mấy chục triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nửa nước sạch bóng quân thù, song cả dân tộc ta vẫn chịu nỗi đau chia cắt do âm mưu và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ.

Hai miền Nam – Bắc bị kẻ thù chia cắt và Người luôn trăn trở khôn nguôi về miền Nam ruột thịt đang bị quân thù dày xéo. Trong lòng Bác “không một giờ phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ - Diệm để cứu nước, cứu nhà”(2). Từ đây, sự nghiệp giải phóng miền Nam đã trở thành mục tiêu hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của mọi người Việt Nam yêu nước: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”, Người đã khẳng định như vậy và trong tư tưởng của Người, độc lập dân tộc luôn gắn liền với thống nhất đất nước.

Nhớ về miền Nam ruột thịt “đi trước về sau”, Người đã dồn hết tâm sức để cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng mau chóng thống nhất nước nhà.Vì vậy, Người chỉ đạo tập trung củng cố miền Bắc về mọi mặt cho cuộc đấu tranh lâu dài, thống nhất đất nước. Sau tháng 7 năm 1954, Người đã khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”, “Phải nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”(3). Người vững tin vào sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam – Bắc: miền Bắc đánh Mỹ bằng sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, của độc lập dân tộc và ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; miền Nam đánh Mỹ bằng sức mạnh của độc lập dân tộc, của chủ nghĩa xã hội và niềm tin Bắc – Nam sum họp một nhà.

hoc-chi-minh-hoi-tu-suc-manh-2
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở công nhân, cán bộ phát huy
truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức xây dựng miền Bắc, ủng hộ miền Nam

Trực tiếp chiến đấu với kẻ thù có tiềm lực mạnh về vật chất, vũ khí trang bị và đạn dược nhưng nhân dân ta mà trực tiếp là nhân dân miền Nam không chùn bước trước lưỡi lê và máy chém của kẻ thù. Phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã báo hiệu sự vùng lên không gì ngăn nổi của đồng bào miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Mỗi bước phát triển của cách mạng miền Nam là mỗi lần Bác như gần hơn với đồng bào Nam bộ, gần đến ngày thống nhất đất nước. Người đã thấy được “...Cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào ta ở miền Nam đang tiếp tục sâu rộng và mạnh mẽ. Miền Nam rất xứng đáng với danh hiệu vẻ vang là “Thành đồng Tổ quốc”(4).

Từ năm 1961 đến năm 1965 là thời kỳ Mỹ áp dụng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đánh phá ác liệt vùng nông thôn cùng với chính sách “dồn dân lập ấp” đã làm cho cách mạng gặp nhiều khó khăn. Để đối phó với chiến lược mới của Mỹ và thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất, Người đã cùng với Trung ương Đảng quyết định chuyển cách mạng miền Nam lên một giai đoạn mới, đó là phát triển các cuộc khởi nghĩa từng phần thành cuộc chiến tranh cách mạng quy mô toàn miền Nam, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị. Sự chỉ đạo sáng suốt của Bác cùng với Trung ương Đảng đã từng bước làm phá sản kế hoạch Xtalây- Taylơ, kế hoạch giônxơn – Mác namara và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ...Những thắng lợi đó là minh chứng sinh động của tinh thần đồng bào miền Nam ta kiên quyết đứng dậy kháng chiến đến cùng. Đồng bào miền Bắc ta vì máu chảy ruột mềm mà không một phút nào không nhớ đến miền Nam anh dũng và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà- Bác đã khẳng định như vậy tại Hội nghị chính trị đặc biệt (3-1964).

Hòng cứu vãn cho sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã thụ động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ và quân chư hầu trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam và tăng cường phá hoại miền Bắc. Trước điều kiện và hoàn cảnh mới, Người luôn tin tưởng vào ý chí kiên cường của đồng bào miền Nam “ Quân dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào mấy chục vạn quân nữa ”(5).Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của đồng bào và chiến sỹ cả nước được nhân lên gấp bội lần khi Hồ chí Minh khẳng định: “Hết lòng hết sức ủng hộ đồng bào miền Nam ruột thịt, quyết cùng đồng bào đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(6).

hoc-chi-minh-hoi-tu-suc-manh-3
Bác Hồ với các Anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam.
(Đồng chí Tạ Thị Kiều thứ hai từ trái sang)

Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đã lập nên chiến công vang dội trong Tết Mậu Thân 1968, làm cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ tiếp tục thất bại. Thắng lợi này, Người càng tin tưởng hơn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(7). Niềm tin và khát vọng của Người đã thể hiện một tình cảm sâu nặng đối với miền Nam ruột thịt đồng thời cũng là một động lực mạnh mẽ để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Giữa lúc nhân dân ta đang đẩy mạnh cuộc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (02-9-1969). Mặc dù Bác không còn chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trong những năm tiếp theo, nhưng tư tưởng và quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Người đã trở thành sức mạnh nội lực, cổ vũ, động viên quân, dân cả nước quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thắng lợi của cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và trận Điện Biên Phủ  trên không cuối năm 1972 cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi tất yếu của tư tưởng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” của Hồ Chí Minh để đất nước đến ngày thống nhất hoàn toàn.

Bốn mươi năm đã qua, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ mãi là những bài học sâu sắc về nguồn sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Sức mạnh đó được hội tụ và phát huy trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG,H,1995, tr.161.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11,Sđd, tr.159.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12,Sđd, tr.407.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10,Sđd, tr.196.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11,Sđd, tr.562

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12,Sđd, tr.319.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12,Sđd, tr.506.

                                                            Vũ Bình Tuyển - Trần Hải Nam

Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự

Bài viết khác: