Hòa trong không khí 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh có một thanh niên mang trong mình chất độc da cam không thể tự đi lại được mà phải nằm di chuyển trên xe lăn, đó là chàng thanh niên Đỗ Hà Cừ, người con của mảnh đất Thái Bình. Đi cùng em còn có bố là Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Châu, và mẹ em, cô Nguyễn Thị Kim Sơn. Đỗ Hà Cừ năm nay 31 tuổi, mặc dù không thể đi lại được nhưng em vẫn cảm nhận và nhận thức được thế giới xung quanh mình.
Bố em, chú Đỗ Ngọc Châu tâm sự: Chú nhập ngũ năm 1972-1976, trong 2 năm chú tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam. Năm 1983 chú kết hôn và năm 1984 sinh ra Đỗ Hà Cừ, năm 1988 sinh thêm người em của Cừ, rất may mắn là em của Cừ phát triển bình thường. Hiện nay, Cừ đang được hưởng chế độ chính sách cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Chàng trai “đặc biệt” Đỗ Hà Cừ được chiến sỹ Đoàn 275,
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng phục vụ chu đáo vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Còn mẹ em, cô Nguyễn Thị Kim Sơn (nguyên là kỹ sư Thủy lợi) xúc động: Khi sinh ra, Cừ chỉ nặng có 2kg, lại bị vàng da, đẻ thiếu tháng. Lúc 4 tháng tuổi nhận thấy vận động của Cừ có điều gì đó không bình thường gia đình đã đưa em đi khám khắp nơi và đó cũng bắt đầu cuộc hành trình chạy chữa cho em nhưng không khỏi, các bác sỹ kết luận em bị nhiễm chất độc da cam. Là một người mẹ, từ sâu thẳm trái tim cô rất đau buồn bởi cánh cửa tương lai của em đã khép lại, nhưng rồi dần dần cô buộc phải chấp nhận sự thật đó và cố gắng giúp đỡ con từ sinh hoạt cá nhân đến việc học tập. Lúc còn bé, Cừ rất muốn được đi học như bạn bè cùng trang lứa nhưng vì em không thể ngồi mà chỉ nằm được nên ước mơ đến lớp không thành hiện thực. Và mẹ đã trở thành cô giáo đặc biệt của em. Hàng ngày, cô đọc thơ, Cừ thuộc từng câu, kiên trì dạy chữ, dạy dùng máy vi tính sau đó em tự mày mò học thêm và đến bây giời dù chỉ di chuyến được một ngón tay nhưng em đã tự học chữ, làm được thơ và tự lướt web, có khi còn giỏi hơn bố mẹ - cô nở nụ cười hiền. Đến nay Cừ tự sáng tác được rất nhiều bài thơ, trong đó có bài thơ tặng mẹ mà cô rất xúc động và tự hào về cậu con trai yêu quí của mình. Bài thơ tặng mẹ có đoạn: “Mồ hôi ướt đẫm tóc mai/Vai mẹ nhỏ bé hao gầy xác xơ/ Con xin làm mấy vần thơ/ Tặng người nuôi dưỡng giấc mơ tháng ngày”.
Anh Đỗ Hà Cừ xúc động khi được cùng bố, mẹ về Lăng viếng Bác
Có một điều đặc biệt là Đỗ Hà Cừ sinh ra đúng vào ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1984, đó là điều rất ý nghĩa với em, bởi vậy đã từ lâu em ấp ủ mong muốn được vào Lăng viếng Bác. Em đã tâm sự với bố mẹ về nguyện vọng của mình. Em đã tự tìm hiểu vào Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và còn dặn bố mẹ về những quy định viếng Lăng như: Lăng mấy giờ mở của, đóng cửa, mở cửa những ngày nào trong tuần, khi vào Lăng viếng Bác ăn mặc ra sao… và em thao thức, thức dậy từ lúc 2 giờ sáng với tâm trạng háo hức. Đến hôm nay nguyện vọng của em đã được thực hiện cùng với sự giúp đỡ của Công ty Toyota Việt Nam. Cùng với niềm vui của em còn có cả niềm hạnh phúc của tấm lòng người làm cha làm mẹ. Đó cũng là niềm vui của cán bộ, chiễn sĩ Ban Quản lý Lăng khi được đón tiếp một con người “đặc biệt” như thế. Sau khi vào Lăng viếng Bác xong, em rất xúc động, em chia sẻ với giọng nói ngọng ngịu, khó khăn: Em đã được cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng đón tiếp nhiệt tình chu đáo, được các chiến sỹ khênh trên xe lăn lên các bậc thang để em được vào Lăng viếng Bác, em rất biết ơn và xúc động khi tâm nguyện của em đã được thực hiện.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, 40 năm qua đất nước đã và đang ngày càng phát triển, nhưng vẫn còn đó những gia đình, những con người vẫn đang mang trên mình nỗi đau chiến tranh, mang nỗi đau chất độc da cam. Nhiều người đã phải ra đi, nhiều người vẫn còn ở lại chống chọi với bệnh tật và bao nhiêu con người nữa sẽ sinh ra trong nỗi đau da cam?. Nhưng vượt lên trên tất cả là sự cố gắng khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn của riêng mình, là nghị lực sống và bản lĩnh vượt lên số phận như Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Châu, đó chính là tấm gương sáng bản lĩnh của “anh bộ đội Cụ Hồ”, là tấm lòng của người làm mẹ như cô Nguyến Thị Kim Sơn và chàng trai Đỗ Hà Cừ với niềm khao khát được sống và cống hiến.
Với Đỗ Hà Cừ, nạn nhân chất độc da cam, bên em không đơn độc trong cuộc sống bề bộn lo toan này, ngoài tình thương yêu của bố mẹ và em trai, bên em còn có những người bạn, những tấm lòng ở bốn phương sẽ luôn sẻ chia, thông cảm, tâm tình để cùng em làm dịu nỗi đau bệnh tật, để em tiếp tục lạc quan vươn lên trong cuộc sống, là tấm gương sáng vươn lên trong hoàn cảnh đặc biệt để em tiếp tục viết lên cho cuộc đời này những bài thơ từ trong trái tim của một con người không đầu hàng số phận.
Vân Phương