tinh-huu-nghi-viet-nga-1

Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Quyết định của Bộ Chính trị vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc từ lâu đời đã có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đáp ứng với nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là đáp ứng tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.

Công việc thiêng liêng này được Đảng, Nhà nước và các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ Việt Nam thực hiện một cách vô tư, trong sáng với tình cảm đặc biệt của tình đồng chí trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Trong những năm đầu tiên khi tiến hành giữ gìn thi hài Bác, chúng ta phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là đất nước vẫn nằm trong hoàn cảnh chiến tranh, đế quốc Mỹ có thể ném bom trở lại miền Bắc bất cứ lúc nào nên việc giữ gìn thi hài Bác tại Hà Nội là khó bảo đảm an toàn. Sau khi cân nhắc và xem xét kỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Khu căn cứ K9 tại Ba Vì, Hà Nội là nơi giữ gìn thi hài Bác trong hầu hết thời gian 6 năm chiến tranh. Trong 6 năm chiến tranh đó, các chuyên gia Liên Xô và các cán bộ Việt Nam luôn xác định trách nhiệm lớn lao của mình, quyết tâm dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng nhưng cũng hết sức đặc biệt này. Và ngày mà mọi người chúng ta mong đợi, đó là ngày đón Bác từ Khu căn cứ K9 về an nghỉ vĩnh hằng tại Lăng của Người.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí Lễ đài ở Quảng trường Ba Đình, nơi Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Từ Quảng trường Ba Đình nhìn lên, Lăng Bác uy nghi mà giản dị, toàn bộ khối Lăng mang hình dáng cách điệu của một đài sen, được chia thành 3 phần: Mái, cột và nền, nổi bật với dòng chữ: “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”. Mái và các cột bằng đá hoa cương màu xám bạc, chịu được nắng, mưa và khí hậu khắc nghiệt của miền nhiệt đới. Nền Lăng cấu trúc tam cấp được ốp bằng đá hoa cương màu xám đen. Sự khác nhau giữa hai màu đá tôn dáng của Lăng thêm vững chắc. Phía trong hàng cột là thân Lăng, đó là phòng đặt thi hài Bác, toàn bộ mặt ngoài được ốp đá hoa cương màu đỏ sẫm. Mái Lăng được xếp tam cấp, bốn góc chếch đầu đao, có dáng dấp như mái chùa cổ kính tôn nghiêm mà quen thuộc. Riêng tường chính tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ, làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ ký của Bác, dòng chữ và chữ ký được mạ vàng sáng nổi lên rực rỡ ­ đây cũng chính là ước nguyện, là khát vọng và là tư tưởng xuyên suốt của Bác từ khi rời Bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước đến khi là vị Chủ tịch Nước, cả một đời đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.  

Kết thúc giai đoạn đầu đầy khó khăn, thử thách, sau khi khánh thành Lăng chúng ta giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện rất thuận lợi. Đây là thời gian tập trung chủ yếu vào việc thực hiện giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài; tổ chức thăm viếng; xây dựng và thực hiện những nguyên tắc duy trì các thông số kỹ thuật để giữ gìn an toàn thi hài Bác trong điều kiện mới. Suốt cả quá trình từ năm 1969 tới năm 1990, Chính phủ Liên Xô thường xuyên cử hai nhóm chuyên gia thường trực tại Lăng Bác để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác và vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật trong Công trình Lăng. Nhóm chuyên gia y tế thường xuyên có 3 người, nhóm chuyên gia kỹ thuật có từ 2 đến 3 người. Và cứ 5 năm 1 lần Bạn lại cử những viện sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao sang Việt Nam tham gia Hội đồng Khoa học để đánh giá trạng thái thi hài Bác và đóng góp các ý kiến về chuyên môn. Trong thời gian, tu bổ Lăng Bác Hồ từ 1975 tới 1990 ở Hà Nội, luôn có sự tham gia nhiệt tình của hàng chục chuyên gia Liên Xô. Tất cả các trang thiết bị, máy móc hiện đại, hoá chất và các dụng cụ y tế khác đều do các Bạn mang sang giúp ta. Khi ấy đất nước Việt Nam ta còn khó khăn gian khổ, thiếu thốn, các Bạn Liên Xô, các bạn Nga đã nhiệt tình giúp đỡ để chúng ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài của Người. Từ năm 1992 đến nay, hàng năm, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát­xcơ­va vẫn tiếp tục sang Việt Nam giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học. Phía Việt Nam cũng cử cán bộ sang Liên bang Nga học tập và nghiên cứu khoa học để phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là tâm nguyện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là đơn vị có vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho thực hiện nhiệm vụ này.

tinh-huu-nghi-viet-nga-2
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng làm việc
 với các chuyên gia Liên bangNga tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va.

Qua hơn 45 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây, của Chính phủ, nhân dân LB Nga ngày nay. Mà trực tiếp là các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác; đó là các viện sĩ, các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia...đã làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, tỉ mỉ, thận trọng với tấm lòng kính trọng sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đó là những người thầy, người bạn thân thiết cùng chia sẻ những gian khổ, khó khăn với chúng ta trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thấm đượm nghĩa tình. Sự giúp đỡ đó là nền tảng, là cơ sở vững chắc cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tinh-huu-nghi-viet-nga-3
Hội nghị tổng kết 20 năm Hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va Liên bang Nga.

Một trong những gương mặt tiêu biểu là Viện sĩ Iu.M. Lô-pu-khin, ông nguyên là Hiệu trường Đại học Y khoa Mat-xcơ-va và sau này ông là Giám đốc Viện nghiên cứu Hoá Lý thuộc Bộ y tế Liên bang Nga. Ông là một trong 5 chuyên gia đầu tiên sang Hà Nội vào ngày 28 tháng 8 năm 1969 và là phẫu thuật viên chính ướp bảo quản thi hài Bác. Ông là nhà phẫu thuật tạo hình hàng đầu của Liên Xô vào những năm cuối của thế kỷ XX. Ông đã trực tiếp chỉnh hình thi hài Bác tại Khu căn cứ K9. Nhờ trực tiếp nghiên cứu và nắm được các nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác, nên đã giúp ông và tổ chỉnh hình đạt được kết quả tốt. Chúng ta vẫn nói: "Những nét đặc trưng lúc sinh thời của Bác vẫn được giữ gìn nguyên vẹn". Những đóng góp về trí tuệ cũng như đôi bàn tay vàng của nhà phẫu thuật tạo hình nổi tiếng Iu.M. Lô-pu-khin trong nhiệm vụ trọng đại này. Một chi tiết hiếm thấy ở người nước ngoài là tại nhà riêng của mình, Viện sỹ Iu.M. Lô-pu-khin đã lập bàn thờ Bác Hồ.

tinh-huu-nghi-viet-nga-4
Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ khi mở cửa Lăng đến nay, số người vào Lăng viếng Bác đã gần 48 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế hơn 7 triệu lượt người. Ngoài khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, Lăng Bác còn đón tiếp các đoàn Nguyên thủ quốc gia, các đoàn Ngoại giao, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam...Số lượng này cũng tăng lên theo sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Trung bình mỗi ngày có khoảng  hơn một vạn người vào Lăng viếng Bác, vào những ngày lễ, ngày Tết, ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh mùng 2-9 số người vào Lăng viếng Bác lên đến gần 3 vạn người. Đối với nhân dân Việt Nam, “Về Lăng viếng Bác” như một nhu cầu tinh thần, một phong tục tập quán mới. Công trình Lăng không những đã phát huy ý nghĩa giáo dục chính trị cho các thế hệ người Việt Nam, mà thực sự đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của cả nước, là nơi hội tụ niềm tin, nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

tinh-huu-nghi-viet-nga-5
Thủ tướng Chính phủ Dmitry Medvedev cùng các đại biểu trong Đoànvào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, cả nước đang tưng bừng tổ chức các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng ngày, dòng người tưởng như vô tận nối nhau vào Lăng viếng Bác. Ngắm nhìn những khuôn mặt rưng rưng xúc động, đầy mãn nguyện của các Mẹ Việt Nam anh hùng, của các cựu chiến binh, các cháu thanh thiếu niên, của đồng bào các dân tộc ít người, và của cả bạn bè quốc tế nữa sau khi được vào Lăng chiêm ngưỡng Người, tôi cảm nhận đầy đủ hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa lớn lao về tình hữu nghị thủy chung Việt Nam ­- Liên bang Nga.

tinh-huu-nghi-viet-nga-6
Đồng bào và khách nước ngoài vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4

Phạm Quang Lân

Bài viết khác: