Tham gia cách mạng từ khá sớm với bí danh Mười Huệ, bà Lê Hồng Ánh (nguyên Ủy viên Phái đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hà Nội) là người kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh cánh mạng, nhưng cũng rất đỗi chung thủy trong tình yêu. Trong quá trình hoạt động đó, bà đã may mắn có cơ hội được gặp Bác. Kỷ niệm về những lần được gặp Bác vẫn luôn vẹn nguyên, đi theo suốt cuộc đời của bà.

ba-le-hong-anh-2015-1
Bà Lê Hồng Ánh

          Vinh dự gặp Bác Hồ

Bà Lê Hồng Ánh giác ngộ cách mạng năm 1945, được kết nạp vào Đảng năm 1948. Bà Ánh tích cực tham gia phong trào cách mạng tại Sài Gòn nhưng bị địch bắt vào tù. Sau khi được thả, bà tiếp tục hoạt động chống chính quyền Mỹ Ngụy nhưng vì đã bị lộ nên đến giữa năm 1965, để bảo đảm an toàn cho bà, Ban Tổ chức Trung ương đưa bà ra công tác tại Hà Nội trong Phái đoàn đại diện đặc biệt của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Bà chia sẻ: Khi ấy, nghe tin sẽ ra miền Bắc công tác, tôi đã rất lo lắng vì không biết ở miền Bắc công việc sẽ như thế nào.

  Giữa năm 1965, bà cùng với 7 đồng chí trong Phái đoàn đặc biệt ra Bắc. Bà và bà Nguyễn Khánh Phương được vinh dự là người đại diện cho Sài Gòn trong Phái đoàn đại diện đặc biệt của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam tại Hà Nội. Sau vài ngày ra Bắc, bà cùng với 7 anh chị em trong Phái đoàn đã được Bác Hồ, Bác Tôn và Bộ Chính trị tiếp tại Phủ Chủ tịch. Bà bảo: Khi đó, cuộc đấu tranh chống Mỹ - Ngụy của đồng bào miền Nam đang rất gian khổ, gay go và ác liệt. Bác Hồ luôn quan tâm đến tình hình chiến sự ở miền Nam. Tuy rằng ngày nào Bác cũng được nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo về tình hình miền Nam, nhưng khi có người ở miền Nam mới ra thì Bác rất nóng lòng được nghe những thông tin mới nhất về tình hình đấu tranh ở miền Nam do người từ Sài Gòn ra Hà Nội kể.

Trong buổi gặp gỡ ấy, tôi nhớ Bác nói: “Ưu tiên cho phụ nữ báo cáo tình hình miền Nam cho Bác nghe trước”. Bà Lê Hồng Ánh vinh dự  đứng lên báo cáo với Bác về tình hình hoạt động phụ nữ công khai, tình hình hoạt động chính trị, đảo chính ở Sài Gòn và tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác, đồng bào miền Nam ai cũng tha thiết được gặp Bác, mong Bác vào thăm.

Bác Hồ nghe bà Lê Hồng Ánh báo cáo xong thì khen: “Hay quá! Các cháu hoạt động trong lòng địch giỏi!”.

Bà bảo lần gặp Bác Hồ năm ấy là kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời của mình. Sau này, bà còn được gặp Bác Hồ thêm vài lần nữa. Đặc biệt trong lần gặp đó, Bác Hồ còn quan tâm đến chuyện tình cảm gia đình của bà. Vì vậy, khi biết chuyện của bà Ánh có người yêu 18 năm mà vẫn chưa có điều kiện làm đám cưới bởi bà Ánh hoạt động cách mạng trong Sài Gòn, còn người yêu thì công tác tại miền Bắc và hai ông bà vẫn chờ đợi nhau. Bác bảo: Bác khen cho hai cháu chung thủy và nói sau này có con nên đặt tên là Chung Thủy.

Câu chuyện tình như cổ tích

Do tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ nên bà và người yêu bà là ông Cổ Dư Trân ít có cơ hội gặp nhau cũng như về thăm gia đình hai bên. Thấy hoàn cảnh như vậy, hai bên gia đình đã làm lễ hỏi mà không có mặt hai ông bà, lúc đó bà 20 tuổi, còn ông 22 tuổi. Đến năm 1954, trước khi ông Cổ Dư Trân tập kết ra Bắc, bà đi bộ từ Long Hải  lên chiến khu thăm ông ở Lagi, Xuyên Mộc (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay). Tại đây, ông bà được các anh em trong chiến khu tổ chức cho một lễ tuyên bố để hai người có sự ràng buộc như vợ chồng. Buổi lễ diễn ra lúc 06 giờ sáng tại bãi biển, chỉ với trà và bánh kẹo. Sau đó 2 tiếng đồng hồ, ông Trân lên tàu ra Bắc, theo học khóa 2 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi học xong đại học, ông được cử lên công tác ở Khu Gang thép Thái Nguyên. Vậy là, lại kẻ Bắc người Nam, xa nhau dằng dặc 11 năm trời.

Ông Cổ Dư Trân công tác ngoài Bắc còn bà Lê Hồng Ánh thì hoạt động cách mạng tại Sài Gòn, nên lúc nào ông bà cũng nhớ đến nhau. Mặc dù xa cách nhau nhiều năm như vậy nhưng ông vẫn luôn chung thủy với bà. Bà bảo: Khi ấy, ông dán bức hình chụp chân dung bà ở đầu giường của mình để có cảm giác lúc nào bà cũng ở bên ông và cũng như để thông báo cho mọi người biết là mình đã có vợ rồi. Đến năm 1965, ông xin được trở vào miền Nam công tác và chiến đấu nhưng chưa được Ban Thống nhất Trung ương Đảng đồng ý.

 Đến giữa năm 1965 thì bà Ánh ra Bắc công tác. Trong thời gian bà công tác tại Hà Nội, bà đã được Ban Tổ chức Trung ương quan tâm giúp đỡ tìm người yêu. Sau quá trình tìm kiếm, ông Trân và bà Ánh được gặp lại nhau tại Nhà khách của phái đoàn nơi bà Ánh công tác. Cuộc gặp gỡ khiến ông Trân quá bất ngờ, ông còn trách bà Ánh: “Tại sao ra? Người ta sắp về ra làm chi…”. Sau đó, ông Trân được Ban Thống nhất chuyển về công tác tại Bộ Cơ khí luyện kim ở Hà Nội.

Vậy là mối tình xa cách 18 năm của hai ông bà đã có một kết thúc có hậu. Đám cưới của hai ông bà chỉ là bữa cơm thân mật tại nhà đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là Trưởng ban Thống nhất Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau bữa cơm thân mật đó, hai ông bà chính thức là vợ chồng và được cơ quan cấp cho một căn nhà tại phố Đặng Tất. Năm 1966, bà sinh được một cô con gái hiền lành dễ thương, đặt tên là Chung Thủy như lời Bác Hồ dặn. Những tưởng được gần nhau nhưng sau đó ông Trân lại tiếp tục được cử đi học 2 năm tại Rumani.

Đến năm 1969, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Phái đoàn đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng lên thành Phái đoàn đại diện đặc biệt Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bà Ánh vẫn tiếp tục làm việc tại đây.

Những kỷ niệm thiêng liêng

Sau lần đầu tiên ra Bắc được gặp Bác, những năm sau công tác tại Phái đoàn, hàng năm bà được gặp Bác Hồ 2 lần vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và vào ngày kỷ niệm thành lập Phái đoàn. Bà rất nhớ những tình cảm Bác dành cho Phái đoàn, Bác thường gửi dừa và cá ở vườn của Bác cho anh chị em công tác ở Phái đoàn. Mỗi lần Bác Hồ đến thăm, lần nào Bác cũng hỏi thăm con gái bà: “Chung Thủy có khỏe không?”, Bà lại kể về tình hình Chung Thủy cho Bác nghe rất thân thiết như kể cho một người ông. Rồi trong lúc chia kẹo cho mọi người, Bác Hồ không quên gửi một gói kẹo cho Chung Thủy.

Trong thời gian bà Ánh đi học tại Trường đảng Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ có đến thăm Phái đoàn nhân kỷ niệm Ngày thành lập nên bà không được gặp Bác mà chỉ nghe anh chị em kể lại là không thấy bà Ánh nên Bác đã hỏi thăm bà và con gái. Và bà đã không được gặp lại Bác kể từ lần đó cho đến khi Bác mất. Khi được tin Bác đã đi xa, bà đã rất buồn vì ngày cuối cùng của Bác mà bà không có cơ hội được gặp Bác. Với bà, Bác Hồ mặc dù là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam nhưng lại là người gần gũi, thân thiết như người thân trong gia đình. Khi đó, bà chỉ biết ôm chị Chung Thủy khóc vì thương Bác quá. Bà nhớ về những lần Bà được gặp Bác Hồ, một con người giản dị và thân thương với tất cả mọi người. Mỗi lần được gặp Bác, bà được ngồi nói chuyện với Bác, được nghe những câu chuyện rất đỗi giản dị nhưng chứa chan tình cảm. Bởi vậy mà đối với bà, tình cảm với Bác Hồ thật sâu đậm không bao giờ có thể phai mờ.  

Những kỷ niệm về Bác Hồ luôn được bà Ánh lưu giữ như những gì thiêng liêng nhất. Khi Bác Tôn đến thăm gia đình bà, Bác Tôn có nói: “Các cháu ngày nay được sum họp, có một gia đình hạnh phúc, có con cái phải nhớ công ơn của Bác Hồ”. Bà nói với Bác Tôn rằng: “Tụi con luôn luôn ghi nhớ công của hai Bác, khi nào giải phóng miền Nam, hai Bác vào thăm miền Nam chúng con ...”.

 ba-le-hong-anh-2015-2
Bà Lê Hồng Ánh và con gái Cổ Chung Thủy

Từ khi Bác mất đến nay, đây là lần thứ ba, bà Ánh có dịp được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Và lần này đi cùng với bà là chị Cổ Lê Chung Thủy, con gái duy nhất của ông bà.

Chị Cổ Lê Chung Thủy hiện nay đã có gia đình riêng và đang công tác tại Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh. Chị kể rằng, mặc dù chỉ có 9 năm tuổi thơ ở Hà Nội nhưng chị vẫn nhớ như in những kỷ niệm của tuổi thơ Hà Nội với mái trường Chu Văn An, những buổi chiều ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe đạp đi về nhà trên con đường ở phố Đặng Tất. Chị không có được bức ảnh nào chụp chung với Bác Hồ vì khi đó chị còn quá nhỏ. Chị chỉ được ăn kẹo của Bác Hồ gửi cho. Sau này khi Bác Hồ đã đi xa, thỉnh thoảng chị được vào chơi trong chỗ Nhà sàn của Bác và được bác Vũ Kỳ chia kẹo. Bức ảnh được chụp hình chung với Bác Tôn đến nay vẫn là một kỷ niệm vô cùng quý giá với chị.

Đến ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam Bắc sum họp một nhà, bà cùng chồng và con gái trở lại Sài Gòn. Khi có nhà riêng, hai vợ chồng bà lập hai bàn thờ trong nhà, một bàn thờ Bác Hồ và một bàn thờ tổ tiên. Mọi người thấy ông bà có hai bàn thờ trong nhà thì nói trong nhà không ai để hai bàn thờ. Nhưng ai nói gì mặc kệ, từ khi lập bàn thờ Bác trong nhà cho đến nay, ngày nào bà cũng thắp nhang tưởng nhớ Bác.

ba-le-hong-anh-2015-3
Bà Lê Hồng Ánh (ngoài cùng, bên phải) tại buổi  đón tiếp Đoàn của Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lần này ra Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác, sức khỏe của Bà không còn được như những lần trước, đôi mắt đã kém, từng bước đi đã trở nên khó khăn. Bà bảo bà rất buồn vì không tự đi vào Lăng viếng Bác mà phải nhờ đến các đồng chí bộ đội giúp đỡ khiêng xe lăn. Trước anh linh Bác, những kỷ niệm ngày xưa lại ùa về khiến bà trào dâng một tình cảm xúc động. Mắt đã mờ vì tuổi già lại thêm nước mắt, bà nhìn Bác không được rõ. Bà lại không được đứng lâu nhìn Bác cho thỏa nỗi nhớ thương bao lâu nay mới được gặp Bác. Bà tiếc vì phải đi cùng Đoàn cho bảo đảm thời gian, nếu không bà và chị Chung Thủy đã quay trở lại để được vào viếng Bác lần nữa, để được nhìn thấy Bác được rõ hơn. Khi tâm sự với tôi, bà nói rằng, bà sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe để năm sau sẽ cố gắng ra Hà Nội và vào Lăng viếng Bác để được nhìn Bác kỹ hơn.

Là một người làm công tác đón tiếp, phục vụ nhân dân vào Lăng viếng Bác, tôi thật sự xúc động về tình cảm của bà Lê Hồng Ánh, một cán bộ lão thành cách mạng đã có 67 năm tuổi Đảng và cô con gái Chung Thủy, người đã vinh dự được Bác Hồ đặt tên. Tình cảm của bà Lê Hồng Ánh dành cho Bác Hồ là tình cảm của người chiến sỹ cách mạng son sắc, thủy chung với con đường cách mạng, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ đã chọn, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ./.                                                                                  

                                                                        Hải Yến

 

Bài viết khác: