Tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, vào Đảng lúc mới hơn 16 tuổi, đến nay ông Nguyễn ngọc Ẩn đã có 67 năm tuổi Đảng. Ông là một người chiến sĩ kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu. Ông đã gắn bó cả thời trai trẻ của mình với Đoàn tàu không số anh hùng. Trong quá trình công tác tại Đoàn tàu không số, ông may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong cuộc đời ông.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn
Một thiếu niên giàu lòng yêu nước từ khi còn nhỏ tuổi
Nguyễn Ngọc Ẩn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông là một võ sư và là Phó Chỉ huy Tự vệ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ông kể: Khi đó, tôi mới 14 tuổi, hàng ngày, cứ tối đến thấy cha tôi dạy võ cho hàng trăm thanh niên tại nhà. Thấy cha dạy võ, tôi chạy ra sân học theo nhưng bị cha mắng: “Mày trẻ con ở nhà cố gắng mà đi học” rồi bắt tôi vào nhà đóng cửa phòng học bài. Nhưng cậu không chịu học mà hé cửa ra ở trong phòng múa võ theo ngoài sân. Tôi học lỏm võ từ cha buổi tối, sáng hôm sau tôi gọi đám trẻ con cùng lứa trong xóm đến và bảo: “Cha tao dạy võ cho tao rồi giờ tao dạy lại cho tụi bay”. Cứ như vậy, trong suốt 3 tháng, đến ngày 19/8/1945, cha tôi dẫn hàng trăm thanh niên mà ông đã dạy võ cùng bà con Bến Tre đi cướp chính quyền thì tôi cũng dẫn đám thiếu niên trong làng đi theo.
Khi quân Pháp chiếm lại Bến Tre, ông được đưa lên Sài Gòn ở với bà nội và học nghề tại Ba Son - một xưởng sửa chữa tàu thuyền lớn nhất của Hải quân Pháp ở Nam bộ. Để được vào học nghề ở Ba Son, ông phải thi với 72 người trong khi chỉ tuyển có 2 người. Thế mà ông đậu thứ nhất. Ở Sài Gòn học, hàng ngày thấy lính Pháp bắt nạt, cướp bóc, đánh đập bà con buôn bán, ông thấy phẫn uất quá nên đã rủ 32 trẻ mồ côi gần đó đi đánh lại mấy tên lính Pháp bắt nạt dân. Được một thời gian, ông bỏ học về quê, nhưng khi về quê lại bị mật thám theo dõi nên phải bỏ quê hương Bến Tre đi về Long An. Ở Long An, ông xin vào du kích địa phương và giúp bộ đội đánh giặc. Rồi ông thuyết phục 3 thanh niên địa phương nữa cùng với mình xin đi bộ đội. Năm 1948, mới chưa đầy 16 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng.
Năm 1954, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 23 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Ngọc Ẩn theo đoàn quân tập kết ra Bắc. Một thời gian ngắn, Nguyễn Ngọc Ẩn đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Sau khi tốt nghiệp, ông được phong quân hàm Trung úy và tình nguyện lên Tây Bắc. Thấy ông đã từng học nghề sửa chữa tàu nên cấp trên lại cho ông về Hải Phòng học thuyền trưởng. Tại Trường Đào tạo Hải Quân, lúc nào Nguyễn Ngọc Ẩn cũng chăm chỉ học tập và luôn đạt điểm cao được tuyên dương trước Trường. Sau khi học xong, ông về Hà Nội công tác ở Đoàn tàu không số. Tại đây, ông đã lập nhiều thành tích với 10 chuyến tàu đi biển chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Chính trong thời gian công tác ở Đoàn tàu không số, ông đã có 03 lần may mắn được gặp Bác Hồ.
Người chiến sĩ mưu trí và dũng cảm
Nhiệm vụ mà Trung ương Đảng giao cho Đoàn tàu không số là đi đến nơi về đến chốn, bảo đảm an toàn đầy đủ khí tài, tránh không đánh địch mà bắt buộc phải đánh là hi sinh không để tàu và khí tài rơi vào tay giặc. Sau sự kiện Vũng Rô (02/1965), quân Mỹ phát hiện Đoàn tàu không số đưa vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền Nam, bởi vậy mà địch theo dõi cả ngày lẫn đêm, cả trên không lẫn trên biển. Những chuyến tàu hàng chi viện đi theo tuyến đường cũ đều phải quay về nên gây cho ta nhiều tổn thất. Con đường mới xuất phát từ cảng Hải Phòng đi qua một số nước Đông Nam Á đã được Đoàn tàu không số vận dụng và tiếp tục chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhiệm vụ của những chiến sĩ trên những con tàu không số ngày càng trở nên khó khăn nguy hiểm vậy mà 10 chuyến tàu của ông đều đi về an toàn. Với những thành tích xuất sắc, ông đã nhận được rất nhiều Huân, Huy chương, Giấy khen, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông kể: Có một lần chuyến tàu đầu tiên của ông đi từ Bắc vào Nam khi vào đến Vịnh Thái Lan bắt đầu chuyển hướng đi vào Bến Tre thì bị máy bay Mỹ phát hiện rọi đèn pha, thả pháo sáng, 4 tàu của Ngụy đuổi theo tàu và dùng loa chiêu dụ đầu hàng nhưng ông cùng các anh em vẫn bình tĩnh điều khiển tàu, đánh lừa địch là tàu của Đông Nam Á để địch không dám nổ súng. Trong lúc đó, ông biết rằng tàu mình gần đến Hòn Khoai nên ông cố tránh tàu địch, tính toán thời gian, mở hết tốc lực cho tàu cập bến ở Hòn Khoai an toàn. Sau chuyến đi ấy, ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ông bảo: Tôi đã đi hàng chục chuyến tàu từ Bắc vào Nam, khi có anh em nào không nhận tàu là tôi lại xung phong nhận. Lúc nào tôi cũng tranh thủ để đi được thật nhiều.
Ông còn kể lại chuyến đi dài nhất của mình và các đồng đội. Đó là chuyến hành trình dài xuất phát từ cảng Hải Phòng đi qua vùng biển một số nước Đông Nam Á như: Malaixia, Inđônêxia, Singapo, Thái Lan. Bị địch nghi ngờ, khi trở về vùng biển Việt Nam gần đảo Phú Quốc, biết đây là nơi mà có rada theo dõi của địch hoạt động mạnh. Với trách nhiệm là Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn, lại được anh em tin tưởng giao cho quyền quyết định hướng đi, ông đã hướng được cho tàu ra khỏi khu vực nguy hiểm, tàu lại về bến an toàn, trao đủ 100% vũ khí đạn dược khi về bến. Sau chuyến đi đó, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Kỷ niệm sâu sắc về những lần gặp Bác Hồ
Trong suốt quãng thời gian hoạt động cách mạng, ba lần gặp Bác Hồ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là vào tháng 5 năm 1961 - khi đó ông cùng các anh em đưa tàu ra bảo vệ đảo Cô Tô đúng vào dịp Bác Hồ ra thăm đảo. Ông kể lại: Bác ngồi trên ghế còn anh em chúng tôi ngồi cả bên dưới, tôi may mắn được ngồi gần Bác nên lúc Bác nói chuyện hỏi thăm anh em tôi ôm luôn chân Bác. Cái cảm giác lần đầu tiên được gặp Bác Hồ rồi lại ôm chân Bác đến nay ông vẫn không bao giờ quên bởi không phải ai cũng có may mắn đó.
Lần thứ hai ông được gặp Bác Hồ là khi Bác đến thăm căn cứ Hải quân nhân dân đóng tại đảo Vạn Hoa tháng 11năm 1962. Khi đó, ông đang Chính trị viên Đại đội làm huấn luyện về vũ khí cho anh em hải quân. Nghe tin có Bác Hồ về thăm, ông cùng các anh em đã chạy đến nơi trực thăng trở Bác tới. Đến thật sớm chờ đón Bác, rồi khi Bác ngồi nói chuyện, Nguyễn Ngọc Ẩn lại có may mắn được ngồi dưới chân Bác. Ông kể: Lần này tôi cũng tranh thủ ôm lấy chân Bác, Bác lấy tay xoa đầu tôi một cái khiến tôi sung sướng quá. Bác thật đẹp trong bộ quần áo lụa Hà Đông và thật gần gũi như một người cha hỏi thăm anh em tụi tôi.
Lần thứ ba ông được gặp Bác là ở Hà Nội khi Đoàn tàu không số được nhận danh hiệu Anh hùng. Bác Hồ cùng các đồng chí Trung ương đã đến thăm và chúc mừng đơn vị. Bác đến hỏi thăm các anh em, nhất là anh em miền Nam ăn uống thế nào? Lúc nào Bác cũng dành tình cảm đặc biệt cho anh em miền Nam.
Từ khi về Nam đến nay, đây là đầu tiên ông mới có dịp được đi cùng Đoàn đại biểu Người có công huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Ông đã rất vui mừng khi được biết thông tin rằng các thế hệ người Việt Nam sau này sẽ luôn được nhìn thấy Bác Hồ.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn (thứ 6 từ trái vào) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn
tại Nhà khách số 8 Hùng Vương
Ông chia sẻ: Cách đây 20 năm, tôi có cơ hội được ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác nhưng vì sức khỏe không tốt nên không đi được. Lần này đã 84 tuổi rồi, chân đau đi tập tễnh nên phải ngồi xe lăn vào viếng Bác. Tôi được các đồng chí bộ đội khiêng lên cao nhìn thấy Bác rõ quá. Những hình ảnh về Bác trong ông vẫn như xưa không hề thay đổi khiến ông sung sướng và hạnh phúc tột độ bởi sau ngần ấy năm bây giờ ông mới được nhìn thấy Bác.
Khi tôi hỏi ông: “Ông lấy vợ khi nào?”. Ông nói: “Lấy Đoàn tàu không số”. Lúc đó tôi tưởng ông nghe không rõ câu hỏi của tôi nhưng khi tôi hỏi lại ông nói: “ Vợ ở ngoài Bắc” thì tôi đã hiểu. Khi đất nước thống nhất, năm 1976, ông về Sài Gòn, tình yêu với những con tàu không lúc nào nguôi ngoai. Làm Bí thư xã 5 năm, ông thấy nhớ những con tàu và xin về Quân khu 9 tiếp tục làm thuyền trưởng và truyền lại những kinh nghiệm đi biển cho thế hệ trẻ. Ông đã dành hết thời trai trẻ trên biển với những con tàu mà không nghĩ gì đến việc có một gia đình riêng cho mình. Mãi đến sau này lúc nghỉ hưu tham gia Hội Cựu chiến binh, anh em trong Hội thấy ông cô đơn nên mới mai mối cho ông một người để làm bạn và chăm ông lúc về già.
Thời gian trôi đi, những kỷ niệm về Bác, về đồng đội trên con tàu không số vẫn luôn vẹn nguyên trong trái tim người lính Nguyễn Ngọc Ẩn. Ông là một con người đã cống hiến cả tuổi xuân của mình cho đất nước, là một tấm gương sáng cho thế trẻ chúng ta noi theo và học tập./.
Hải Yến