Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2015 là “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững” (Seven Billion Dreams. One Planet. Consume with Care) nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau.

Bắt đầu từ năm 1972, ngày 5/6 được Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc chọn làm Ngày Môi trường thế giới (World Environment Day - viết tắt: WED) và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên hiệp Quốc có trụ sở tại Nairobi, Kenya tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hàng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới. Mục đích của Ngày Môi trường thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

ngay moi truong a
Poster của Ngày Môi trường thế giới năm 2015 tại Việt Nam.

Ảnh: http://cetac.gov.vn

ngay moi truong b
Logo của Ngày Môi trường thế giới năm 2015 tại Việt Nam.

Ảnh: http://cetac.gov.vn

Ngày Môi trường thế giới 5/6 là sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng liên tục từ năm 1982 vàđược coi là sự kiện truyền thông quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của UNEP, hệ sinh thái trên trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Dự kiến đến năm 2050, với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay và cộng với sự gia tăng dân số thế giới chạm ngưỡng 9,6 tỉ người sẽ phải cần tới 3 Trái đất mới đáp ứng được thói quen sinh hoạt và mức tiêu dùng như hiện tại.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Sản xuất công nghiệp với mô hình công nghệ lạc hậu làm mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng lớn, tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao.

Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển nóng các nền kinh tế và thói quen tiêu dùng đang là nguyên nhân trực tiếp khiến các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái.

Vì vậy, với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững”, Ngày Môi trường thế giới năm 2015 đã hướng đến nội dung thiết thực với chính mỗi con người, với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Thay vì nghĩ đến việc tìm kiếm một hành tinh khác để sinh sống, UNEP mong muốn và kêu gọi hãy cùng nhau bảo vệ trái đất này ngay từ bây giờ. Sống bền vững nghĩa là làm nhiều hơn và tốt hơn nhưng với sự tốn kém ít hơn. Điều đó nghĩa là phát triển kinh tế không thể khiến tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm một cách nhanh chóng.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động cấp quốc gia tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 3 - 5/6, với các hoạt động chính là Lễ mít tinh quốc gia; Gala trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Hội chợ, triển lãm các thành tựu về bảo vệ môi trường; Hội thảo: Tăng cường vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thông mới và các hoạt động truyền thông khác.

Để tổ chức thành công sự kiện trên tại các địa phương khác trên cả nước, ngày 24/4/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1508/BTNMT-TCMT đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2015 và giới thiệu tới các tổ chức, cá nhân Tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2015.

ngay moi truong c
Hạn chế sử dụng túi ni lông: Thay đổi nhỏ, ích lợi lớn. Ảnh: Internet

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Vì vậy, tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm 2015 không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Bản thân mỗi người dân phải tích cực thay đổi những thói quen sống không tốt khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái (như lãng phí điện, nước, xả rác bừa bãi, sử dụng nhiều túi nilon, chặt phá rừng…) và có những hành động cùng cộng đồng bảo vệ môi trường sống như trồng cây xanh, làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước./.

Thu Hiền 

Bài viết khác: