Đạo đức công vụ là một phạm trù rộng lớn. Ở Việt Nam hiện có nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức công vụ, tuy nhiên, điểm chung của các quan niệm thể hiện ở nội dung coi đạo đức công vụ là đạo đức trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật. Đạo đức công vụ có thể được gọi đầy đủ hơn là đạo đức hoạt động công vụ. Nâng cao đạo đức công vụ là nội dung cốt lõi, quyết định đến cải cách công vụ - một nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Ở Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ban Quản lý Lăng), công tác đón tiếp, tuyên truyền (ĐTTT) luôn được coi trọng vì đây là hiệu quả cuối cùng, hiệu quả quan trọng nhất của mọi hoạt động ở Lăng. Để nâng cao chất lượng công tác ĐTTT trước hết phải nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT.

Bài viết này phân tích những điểm chính trong đạo đức công vụ và một số kinh nghiệm nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT ở Ban Quản lý Lăng.

1. Đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT ở Ban Quản lý Lăng.

Ban Quản lý Lăng là cơ quan có cơ cấu tổ chức đặc thù, gồm đơn vị trực thuộc và đơn vị phối thuộc. Ba đơn vị trực thuộc là Văn phòng Ban Quản lý Lăng; Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng khoa học, công nghệ và môi trường. Hai đơn vị phối thuộc là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Bộ Quốc phòng và Trung đoàn 375 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an.

Các đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác ĐTTT là Văn phòng Ban Quản lý Lăng, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung đoàn 375. Là một cơ quan thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cùng với sự đa dạng trong tổ chức bộ máy, do đó đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT ở Ban Quản lý Lăng có những đặc điểm chính đó là:

          Thứ nhất: Trung thành tuyệt đối với Đảng, chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Tổ quốc, Nhân dân và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng.

Lòng trung thành là yêu cầu bắt buộc đầu tiên đối với tất cả cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT ở Ban Quản lý Lăng, đó cũng là đạo đức “gốc” mà bất kỳ cán bộ, chiến sỹ và nhân viên nào làm việc trong Ban Quản lý Lăng cũng phải có. Sự trung thành là kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ.

Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Việc hoàn thành nhiệm vụ này không chỉ để thỏa lòng mong ước được “gặp” Bác, bày tỏ lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của các thế hệ người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là giữ vững giá trị niềm tin của dân tộc, thể hiện quyết tâm giữ vững nền tảng tư tưởng và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Vì vậy, yêu cầu đạo đức hàng đầu của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm việc ở Ban Quản lý Lăng là phải “trung với Đảng, hiếu với Dân”, phải thấy vinh dự, tự hào, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.

Kể từ ngày khánh thành Công trình Lăng cho đến nay, trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, đề xuất những chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả làm cơ sở cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ ĐTTT; nêu cao lòng trung thành, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân trước những luận điệu xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù.

Ở mọi vị trí công tác, các cán bộ, nhân viên, chiến sỹ luôn thể hiện ý chí, trách nhiệm chính trị, sự tận tụy, gắn bó, tâm huyết với nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị; luôn xác định đơn vị là môi trường gắn bó lâu dài của bản thân. Kết quả khảo sát của đề tài cấp Bộ“Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong giai đoạn mới” (Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2010) có 96,9% cán bộ được khảo sát xác định rất vinh dự, tự hào được làm nhiệm vụ tại Lăng Bác.

Trung thành được xem là một trong những giá trị cốt lõi và truyền thống của Ban Quản lý Lăng. Sự trung thành của các cán bộ, nhân viên, chiến sỹ được thể hiện rõ bằng chất lượng công việc, tham mưu đề xuất kịp thời, chính xác, giúp cấp ủy, thủ trưởng cơ quan có chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, đạt hiệu quả cao; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; lập trường tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác lâu dài tại đơn vị.

Thứ hai: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được xem như là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong tinh thần lời dạy của Bác: “Cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, “chí công vô tư”. Đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT trong Ban Quản lý Lăng cũng không nằm ngoài những chuẩn mực đó.

“Cần”: Mỗi ngày, Ban Quản lý Lăng đón tiếp hàng trăm lượt đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực Lăng. Dù trong hoàn cảnh nào, ngày nắng hay mưa, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ cũng cần cù, siêng năng, chăm chỉ thực hiện nhiệm vụ, đón tiếp đồng bào và khách quốc tế tận tình, chu đáo.

Hoạt động ĐTTT là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi phải có kế hoạch thực hiện, kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, trong thực hiện nhiệm vụ ĐTTT, công tác lập kế hoạch luôn được chú trọng, bảo đảm thích ứng với từng nhóm đối tượng, đoàn tham quan và giữ hiệu quả hoạt động thông suốt của tất cả các bộ phận.

dao duc bqllang1
Chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần phục vụ thương binh,
người tàn tật vào Lăng viếng Bác. Ảnh:
http://www.bqllang.gov.vn

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho Nhân dân, không lãng phí. Đồng bào, du khách đến viếng Bác từ mọi miền của Tổ quốc và cả khách quốc tế, vì vậy đã phải trải qua khoảng thời gian đi lại không ít. Do đó, nêu cao tinh thần “kiệm”, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng luôn miệt mài, chăm chỉ làm việc không để công việc ngưng trệ với mục đích giúp đồng bào và du khách rút ngắn khoảng thời gian chờ đợi xếp hàng vào viếng Bác càng nhiều càng tốt.

Giải quyết nhanh gọn các công việc được giao, giữ thái độ hòa nhã, đúng mực khi tiếp xúc với đồng bào cũng là phương pháp nhằm rèn luyện tính chuyên cần, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân. Các cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tham mưu đề xuất với các cấp lãnh đạo cải tiến quy trình, hoạt động ĐTTT để phục vụ đồng bào được thuận tiện, chu đáo hơn, rút ngắn thời gian làm các thủ tục đăng ký và vào viếng Bác.

Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình.

Giữ vững và thường xuyên tu dưỡng đạo đức trong sáng, liêm khiết, kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là phẩm chất đạo đức quý báu của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ. Rèn luyện chữ “Liêm”, những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng luôn đặt công việc và mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ lên trên lợi ích cá nhân.

Những năm qua, trong cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về giữ đạo đức liêm khiết trong thực thi nhiệm vụ, đó là nhặt được tiền, tài sản của khách tham quan đánh rơi đã không tham lam mà chủ động tìm cách trả lại đúng người đánh rơi. Đó là những tấm gương sáng góp phần làm sáng ngời phẩm chất người cán bộ, nhân viên, chiến sỹ “bên Lăng Bác Hồ”.

Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái. Nêu cao tinh thần phê và tự phê, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng thường xuyên đấu tranh để ngăn chặn, loại trừ những tư tưởng sai lệch, những hành động trái với lẽ phải. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, do phải thường xuyên đón tiếp một lượng khách tham quan lớn cùng một lúc nên cán bộ, nhân viên, chiến sỹ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ an toàn cho du khách trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi của kẻ xấu.

Trong ĐTTT, nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sỹ đã trở thành tấm gương sáng, khiến mọi người phải nể phục, noi theo khi họ có những hành động đẹp như anh dũng truy bắt kẻ gian cướp giật đồ của du khách hay không quản ngại nguy hiểm giúp người dân địa phương thoát khỏi hỏa hoạn…

Chí công vô tư là mình vì mọi người; luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của Nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Khách đến với Lăng đều được cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đón tiếp chu đáo, công bằng, công tâm, không phân biệt đối xử vì địa vị, tuổi tác, tôn giáo, giới tính, quốc tịch… Vượt lên trên những khó khăn, vất vả trong thực thi nhiệm vụ ĐTTT là niềm vui, hạnh phúc được phục vụ đồng bào và bạn bè quốc tế.

Thứ ba: Tận tụy với công việc.

Trong những năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đã thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục khó khăn, không kể thời gian, giờ giấc, thời tiết nắng mưa, luôn tận tụy, hăng say với công việc, không lợi dụng vị trí, chức vụ để gây phiền hà, tiêu cực, luôn tìm mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng thời gian, tiến độ theo yêu cầu nhiệm vụ.

dao duc bqllang2
Ân cần, tận tình đón tiếp, phục vụ khách tham quan Khu Di tích K9.
Ảnh:
http://www.bqllang.gov.vn

Từ năm 2007 đến nay, Ban Quản lý Lăng đã triển khai có hiệu quả việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đã gắn nâng cao đạo đức công vụ với việc thực hiện Cuộc vận động trên và với các phong trào của các tổ chức quần chúng như: “Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20”, “Phụ nữ hai giỏi”, “5 nhất, 3 không” và các đợt sinh hoạt chính trị lớn giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống của đơn vị. Qua đó từng bước làm chuyển biến cơ bản về nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trong đó nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiệm vụ ĐTTT luôn hoàn thành xuất sắc.

Thứ tư: Kỷ luật nghiêm minh.

Trong tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Lăng có hai lực lượng vũ trang là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ Quốc phòng và Trung đoàn 375 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an nên cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trong đơn vị chịu sự tác động, ảnh hưởng lớn của tác phong kỷ luật quân sự; cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt đòi hỏi sự chuẩn xác, cẩn trọng, không được phép sai sót. Điều này đã góp phần hình thành văn hóa kỷ luật cao trong cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và tạo nên một giá trị riêng trong đạo đức công vụ của những người làm việc bên Lăng Bác.

Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm việc tại Lăng Bác luôn phải nêu cao tinh thần kỷ luật cao, tính tự giác, tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Tính kỷ luật cao được thể hiện thống nhất ở mục tiêu, lý tưởng, tác phong làm việc, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, xưng hô, chào hỏi, mang mặc... Đó là nét đẹp của người làm việc trong một đơn vị làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Thứ năm: Đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ.

Đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn đơn vị là cơ sở, tiền đề để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

dao duc bqllang3
Giao ban công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh, an toàn Công trình Lăng, khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Công binh. Ảnh: http://www.bqllang.gov.vn

Các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình (gồm Ban Quản lý Lăng, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) và các cơ quan, đơn vị có liên quan luôn hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn khu vực Lăng, đón tiếp, phục vụ đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và các sinh hoạt chính trị diễn ra trên khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình.

Thứ sáu: Tôn trọng, giúp đỡ tận tình, chu đáo Nhân dân.

Nhờ được sự phân công nhiệm vụ rõ ràng nên cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng đã phát huy năng lực, làm việc đúng thẩm quyền, không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân. 

Khách đến viếng Bác dù ở độ tuổi nào, là đồng bào trong nước hay khách quốc tế, có tôn giáo, dân tộc, giới tính… khác nhau đều được cán bộ, nhân viên, chiến sỹ tôn trọng, tận tình phục vụ.

Nêu cao quan điểm liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân, thời gian qua, Ban Quản lý Lăng đã thiết lập những đường dây nóng, những địa điểm tiếp nhận thông tin phản hồi và giải đáp vướng mắc của nhân dân.

Đạo đức này đã được nâng lên thành phương châm ĐTTT của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và được quán triệt tuân thủ trong toàn đơn vị, đó là: “Tận tụy, chu đáo, văn minh, lịch sự”.

2. Một số kinh nghiệm nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm công tác ĐTTT ở Ban Quản lý Lăng.

Một là: Coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, đặc biệt là tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm trong phát huy đạo đức công vụ. Vì thế, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị cơ sở đã thường xuyên quán triệt cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ nắm vững các quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Đảng ủy các cấp, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đạo đức công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ là kết quả quá trình giáo dục của nhiều tổ chức, nhiều lực lượng. Để nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ ĐTTT, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong ĐTTT, phục vụ nhiệm vụ chính trị đặc biệt của đơn vị. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, chiến sỹ nâng cao ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng tự hào khi thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; ý thức kỷ luật, mẫu mực về tư thế, tác phong, cảnh giác trong bảo đảm an toàn tuyệt đối Công trình Lăng; tinh thần phục vụ chu đáo đồng bào và bè bạn quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích K9.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta; là hình ảnh thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế. Mỗi người đến đây mang tâm nguyện hướng về cội nguồn cách mạng, bày tỏ tấm lòng kính yêu và nhớ ơn Người vô hạn. Ðiều đó vừa là động lực, vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng phải ý thức sâu sắc nhiệm vụ ĐTTT.

Là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, đặc biệt là đảng viên cần nhận rõ trọng trách của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt mà Đảng, Quân đội và Nhân dân giao phó, luôn chú ý việc học tập, rèn luyện đạo đức công vụ sao cho xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, tô thắm thêm truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn; đoàn kết hiệp đồng; tự lực tự cường; chủ động sáng tạo” của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là: Giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác ĐTTT.

Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, nhất là với đội ngũ cán bộ chủ trì; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng. Cán bộ chủ trì từ cấp ban, đội trở lên, ngoài chuẩn mực đạo đức chung, đã chú trọng xây dựng và thực hiện các tiêu chí cụ thể về vai trò, trách nhiệm, phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải là hạt nhân đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy, đơn vị; tiêu biểu về đạo đức, lối sống trung thực, trong sáng; gương mẫu tự phê bình và phê bình; có phương pháp, tác phong công tác khoa học, dân chủ, kỷ cương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khiêm tốn, gần gũi, tôn trọng cấp dưới, tận tụy với Nhân dân.

Nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu khi thực thi công vụ và nâng cao đạo đức công vụ trong thực hiện nhiệm vụ đón tiếp Nhân dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng.

Ba là: Chú trọng công tác quản lý, sử dụng cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, góp phần nâng cao đạo đức công vụ.

Trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng, đánh giá cán bộ, nhân viên, chiến sỹ; đưa các yếu tố về đạo đức công vụ vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra công vụ, nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ; theo dõi, quan tâm đến tâm tư tình cảm, đời sống của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ. Nhờ đó đã kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, những hành vi tiêu cực, tham nhũng, trái pháp luật.

Chú trọng công tác khen thưởng và xử lý vi phạm, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao tính công bằng, dân chủ trong công tác thi đua, khen thưởng; đưa đạo đức công vụ thành một tiêu chí trong phát động các phong trào thi đua và bình xét khen thưởng. Khen thưởng, động viên kịp thời gương cán bộ, nhân viên, chiến sỹ mẫn cán với công vụ; nêu gương “người tốt, việc tốt”; xây dựng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Các tập thể, cá nhân có hành động dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, những gương “người tốt, việc tốt” được tuyên dương kịp thời trên Trang tin điện tử của Ban Quản lý Lăng, Báo Quân đội nhân dân và hệ thống truyền thanh nội bộ. Đồng thời, lãnh đạo các cấp còn tổ chức gặp mặt, động viên, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Qua đó, tạo thành phong trào rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị; đề cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, nhân viên, chiến sỹ.

Bốn là: Không ngừng tăng cường cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ĐTTT, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, Ban Quản lý Lăng đã thường xuyên tiến hành nghiên cứu cải tiến, đổi mới về nội dung, hình thức công tác ĐTTT, nhất là các sinh hoạt chính trị, văn hoá ở khu vực Lăng và Khu Di tích K9, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả, phục vụ chu đáo Nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương, làm tốt công tác ĐTTT, phục vụ tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực Lăng, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác ĐTTT đạt hiệu quả; tích cực, chủ động hoàn thiện phương án mở rộng phạm vi tham quan Khu Di tích K9; phục vụ chu đáo Nhân dân đến tham quan và tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá tại Khu Di tích K9. Công khai, minh bạch các quy định về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến công tác ĐTTT để Nhân dân có thể theo dõi và dễ áp dụng trong quá trình về Lăng viếng Bác, tham quan Khu vực Lăng và Khu Di tích K9.

Nâng cao đạo đức công vụ trong thực hiện cải cách hành chính là một đòi hỏi tất yếu và để thực hiện được cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và vừa ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức công vụ trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ; đồng thời, là kết quả từ nỗ lực chung của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị và các tổ chức đoàn thể.

Trong 5 năm (2010-2015), Ban Quản lý Lăng đã phục vụ tận tình, chu đáo các buổi lễ viếng Bác, trong đó có 120 buổi lễ viếng cấp Nhà nước và các đoàn nguyên thủ quốc gia; đón tiếp hơn 12 triệu lượt đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tham quan khu vực Lăng và Khu Di tích K9; tổ chức trang trọng 927 buổi Lễ báo công dâng Bác của các cơ quan, đơn vị, Lễ khai giảng, bế giảng của các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội.

Con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cùng với việc Ban Quản lý Lăng đang chuẩn bị mọi mặt để mở cửa đón khách rộng rãi về tham quan Khu Di tích K9 trong thời gian tới. Vì vậy, đạo đức công vụ đặt ra đối với những cán bộ, nhân viên, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ĐTTT cao hơn so với yêu cầu nhiệm vụ. Từ nề nếp đến phong cách làm việc và thái độ tiếp cận của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ đều ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, bộ mặt và vị thế của Ban Quản lý Lăng trong trái tim đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế.

Để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn mới, làm cho Lăng Bác mãi mãi là nơi hội tụ niềm tin của cả nước, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng phải không ngừng nêu cao đạo đức công vụ trong ĐTTT, phục vụ tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân./.

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

Bài viết khác: