Khu Di tích K9 là địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, nơi gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời (1957-1969); nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh (1969-1975); hiện nay là nơi các tập thể, cá nhân đến tham quan, tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống...
Di tích lịch sử K9 còn là khu rừng có nhiều nét đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, trong rừng có những phiến đá mọc lên như mũi chông nên còn có tên gọi là khu Đá Chông. Với diện tích 234 ha, Khu Di tích K9 bao gồm một số hệ sinh thái đặc trưng của hồ nước ngọt, sông và rừng trồng trên cạn. Đây là kho tài nguyên vô giá chứa đựng nguồn gen của nhiều loài và hệ sinh thái, có vai trò và ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Rừng K9 được các nhà khoa học đánh giá là có đa dạng sinh học rất cao. Về thực vật: Đã ghi nhận được 711 loài thuộc 159 họ 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; có tới 24 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 17 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 13 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới (IUCN, 2007). Về động vật: Có 131 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 20 bộ (21 loài thú, 73 loài chim, 37 loài bò sát và ếch nhái). Trong đó có 18 loài động vật quý hiếm (11 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 13 loài nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chủ trì Hội thảo
Trong những năm qua, Ban Quản lý Lăng đã cố gắng chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, làm cho Khu Di tích có môi trường, cảnh quan xanh đẹp. Song, hiện nay, rừng thông già đã nhiều tuổi, thân rỗng, bị gãy đổ nhiều trong mùa mưa bão, rừng keo, bạch đàn trồng đã quá tuổi nhưng chưa được thu hoạch và thay thế; một số loài cây trồng mới sinh trưởng kém do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực. Để thực hiện Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” theo Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 328-TB/TM ngày 19/4/2010 và Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xác lập khu rừng K9 là Khu rừng Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh để có điều kiện duy trì, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ và phát triển bền vững các giá trị của khu rừng K9, xứng tầm với Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất nhiệm vụ mở rộng tham quan, học tập cho đồng bào trong nước và khách quốc tế (dự kiến thực hiện vào năm 2014) là rất cấp thiết.
TS. Trần Ngọc Hải - Trưởng bộ môn Thực vật rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp báo cáo tham luận
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Lăng đã có sự hợp tác, trao đổi thông tin, chuẩn bị cho dự thảo đề án ”Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9” để trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 11/7/2012, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Quản lý Lăng; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và các cơ quan thuộc Ban Quản lý Lăng. Đại biểu tham dự có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Điều tra Quy hoạch rừng.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như sau: Đánh giá đặc điểm, hiện trạng của rừng K9; tính cấp thiết cần phải xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9; hoàn chỉnh dự thảo Đề án “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9” trình Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Đề án đã đề xuất thiết lập 4 phân khu chức năng phù hợp với tiêu chí của khu rừng bảo vệ cảnh quan. Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra 7 chương trình hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển khu rừng K9 theo hướng bền vững: Chương trình bảo vệ; chương trình phát triển rừng và cây xanh; chương trình bảo tồn và phát triển động vật khu rừng K9; chương trình tuyên truyền giáo dục; chương trình nghiên cứu khoa học và đào tạo; chương trình tham quan học tập và du lịch sinh thái và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.
Về tiến độ thực hiện: Trong giai đoạn đầu, 2013 - 2015, sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung: Xây dựng vườn ươm, thực hiện các chương trình phát triển rừng và cây xanh; bước đầu thực hiện các chương trình tuyên truyền giáo dục, nghiên cứu và đào tạo; phục hồi thử nghiệm một số loài động vật. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình còn lại.
Kết luận Hội thảo, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chân thành cảm ơn các báo cáo, tham luận và những ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học đối với dự thảo Đề án. Đồng chí đánh giá cao sự đồng thuận của các đại biểu, các nhà khoa học về tính cấp thiết phải xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch rừng tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, để Đề án có thể sơm được triển khai từ năm 2013./.
Thu Hiền