Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966) đã được Việt Nam ký và thông qua năm 1982, từng bước được thực hiện đầy đủ, toàn diện trên thực tế. Các quyền của công dân: Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm; quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do ngôn luận và thông tin, tự do hội họp... được ghi nhận trong Hiến pháp và cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế, đã mang lại kết quả to lớn cho sự phát triển toàn diện đất nước trong những năm qua.
Ngày 12/11/2013, Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Đây là sự kiện khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền dân sự và chính trị của nhân dân. Những thành tựu đó được thể hiện rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Sáng 12.11 (giờ New York), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh Internet
Những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới hình thức, nội dung các kỳ họp theo hướng chất lượng, thực chất, dân chủ. Đặc biệt là việc công khai các phiên chất vấn thành viên của Chính phủ, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn,... đã góp phần xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền dân sự và chính trị của nhân dân. Đồng thời, để bảo đảm quyền dân sự và chính trị của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, sửa đổi Hiến pháp và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với mục tiêu: Mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà nước tích cực tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật, cũng chính là góp phần bảo vệ và phát huy quyền con người, xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho mỗi công dân.
Quyền dân sự, chính trị theo “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948” của Liên hợp quốc, được xem là những giá trị của tất cả mọi người mà các nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ. Theo đó, Quyền dân sự là những quyền gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác, như: Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; Quyền không bị bắt làm nô lệ; Quyền không bị tra tấn, quyền được đối xử nhân đạo; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền có quốc tịch; Quyền kết hôn và xây dựng gia đình; Quyền sở hữu tài sản riêng… Quyền chính trị là những quyền liên quan đến những giá trị mà mỗi người được hưởng, như: Quyền tự do cơ bản của cá nhân; Quyền bình đẳng về phẩm giá; Quyền tham gia vào quản lý đất nước; Quyền tự do tư tưởng; Quyền tự do ngôn luận; Quyền lập hội và hội họp hòa bình… Những quyền này đã được đưa vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp 2013. Kế thừa Hiến pháp năm 1946 và tinh hoa tư tưởng nhân loại, trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 1, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số quyền mới, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, đã làm rõ hơn nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm của nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự và chính trị của công dân. Điều 24 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Hiến pháp 2013 đã bổ sung một số điều mới, như Điều 19: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Điều 42: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Điều 43: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”... Đồng thời Hiến pháp 2013 cũng bổ sung nhiều vấn đề mới về quyền con người, như: Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, về chỗ ở; Quyền sở hữu tư nhân; Quyền đầu tư sản xuất, kinh doanh…, thể hiện rõ hơn các quyền dân sự và chính trị của công dân.
Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người là bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người của người dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ lực lượng chính trị nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Đảng và Nhà nước ta không chỉ coi việc tôn trọng và bảo đảm các quyền dân sự, chính trị của người dân là trách nhiệm của mình, mà còn coi đó là một động lực của cách mạng.
Thực hiện Quyết định số 487/QĐ-BTP ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Quyết định số 452/QĐ-BTP ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”; Công văn số 1106/BTP-PBGDPL ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị.
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 457/KH-BQLL ngày 05/6/2015 triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 60 - 70% tuyên truyền viên pháp luật, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được phổ biến, bồi dưỡng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để lồng ghép trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị; 70 - 80% cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ được phổ biến, nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ.
Định kỳ hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị được thực hiện thông qua hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú như: Tổ chức các Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng; Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến; tăng số lượng tin, bài viết tuyên truyền về quyền dân sự, chính trị trên Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng và hệ thống truyền thanh nội bộ; thông qua triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” tại cơ quan, đơn vị; lồng ghép, kết hợp nội dung tuyên truyền, phổ biến thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua, hoạt động kỷ niệm lớn trong năm; các cuộc họp, gặp mặt, hội nghị giao lưu; thông báo chính trị - thời sự, sinh hoạt thường xuyên, định kỳ hàng tháng, hàng quý theo chủ đề của cơ quan, đơn vị, các tổ chức quần chúng.
Các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về các quyền dân sự, chính trịcủa cơ quan, đơn vị mình, đồng thời chú trọng công tác sơ kết, tổng kết để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện chế độ báo cáovề tình hình triển khai và kết quả hoạt động về Ban Quản lý Lăngđể tổng hợp trước ngày 10/11 hàng năm./.
Huyền Trang