Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình của “lòng Dân, ý Đảng” có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; cùng với sự nghiệp giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác thì hình ảnh Lăng Bác rất thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa vào bậc nhất của cả nước.
Ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng thể hiện ở chỗ, hàng ngày từng dòng người nối dài như vô tận, trật tự, nghiêm trang vào Lăng viếng Bác như thầm hứa với Người quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác lựa chọn…; ý nghĩa văn hóa thể hiện ở sự hài hòa về kiến trúc và cảnh quan, ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại, khối chính của Công trình Lăng như ngôi nhà 5 gian ở các vùng quê, mái vát như mái cong của những ngôi đình cổ kính, các ô cỏ trước Lăng như những chiếc chiếu hoa trải giữa sân đình mùa lễ hội, hai vườn tre tại Khu vực Lăng Bác xanh mượt mà, thẳng tắp mang bóng dáng thân quen của các làng quê Việt Nam thanh tao mà gần gũi, thể hiện ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời xưa cho đến ngày nay. Công trình Lăng Bác có sự gắn kết với không gian kiến trúc trong quần thể Khu Trung tâm chính trị Ba Đình như: Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Trụ sở Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phủ Thủ tướng, Khu hoàng thành Thăng Long, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ với hệ thống cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ… tạo lên nét đẹp, nét văn hóa riêng có của Thủ đô Hà Nội, hình ảnh nơi đây đã in đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế khi về Lăng viếng Bác và tham quan các Di tích trong Cụm văn hóa lịch sử Ba Đình.
Là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt do Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân tin tưởng giao phó là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ niềm vinh dự tự hào và trọng trách của mình. Trong suốt 40 năm qua kể từ khi khánh thành Công trình Lăng (29/8/1975), cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để Lăng Bác thực sự trở thành nơi hội tụ niềm tin của cả nước, là điểm đến không thể thiếu khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh xác định: Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh thân thế, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong xu thế hiện nay, công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước diễn ra trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng, luôn biến đổi không ngừng, đem lại nhiều ứng dụng tiến bộ cho sự phát triển của đất nước. Đối với Bộ Tư lệnh, quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của đơn vị cũng không nằm ngoài xu thế đó. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Hội thảo giới thiệu công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo
Những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của đơn vị trong những năm qua, đó là: Đơn vị đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, năm 2013 đã ban hành Quy chế hoạt động khoa học công nghệ và môi trường, tổ chức các hoạt động này một cách bài bản, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN, quản lý tốt kết quả thực hiện; từng bước kiện toàn cơ quan quản lý KHCN&MT và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KHCN &MT, đưa các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường vào giải quyết những nội dung cấp bách trong nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Phát huy tốt chức năng của Hội đồng khoa học cấp nhà nước về giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số vấn đề cơ bản trong chuyên ngành ướp bảo quản thi thể đã được các cán bộ ngành y, dược của Viện 69 thực hiện nghiên cứu và giải quyết thành công. Công tác ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến đã thực hiện trên nhiều lĩnh vực trong thực hiện nhiệm vụ như: Công nghệ tự động, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, chiếu sáng, truyền thanh, truyền hình, duy trì và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; giám sát và cảnh báo chất lượng môi trường trong và ngoài công trình Lăng và Quảng trường Ba Đình.
Ứng dụng công nghệ mới trong quan trắc chất lượng môi trường không khí Khu vực Lăng
Trong thời gian tới, những vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng là nội dung quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, thực hiện âm mưu phi chính trị hóa quân đội. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đoàn 969 nhiệm kỳ 2015 - 2020 (Khóa IX) đã xác định: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, môi trường và công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, hiệu quả thiết thực…, phát huy hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động hợp tác với các cơ sở khoa học trong và ngoài quân đội, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị”. Để đạt được điều đó, cần giải quyết tốt các nội dung sau:
Xác định rõ vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ. Việc thống nhất nhận thức về vai trò của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại đơn vị, đặc biệt là đối với các cấp ủy và người chỉ huy là vấn đề cần được quan tâm, từ đó sẽ bố trí, sử dụng con người và các nguồn lực cho khoa học công nghệ một cách phù hợp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chỉ có thể triển khai có hiệu quả khi được các cấp ủy lãnh đạo và người chỉ huy xác định rõ trong nội dung kế hoạch công tác.
Động viên và phát huy tiềm lực khoa học công nghệ về con người và trang bị hiện có của đơn vị trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là một đơn vị có số lượng cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ chiếm tỷ lệ cao trong biên chế, ngoài đội ngũ nghiên cứu viên ngành y, dược thuộc Viện 69 thì ở các cơ quan và đơn vị còn nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn đại học và sau đại học, có số lượng nhân viên lành nghề thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là lực lượng ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trên từng vị trí công tác thì chính họ là lực lượng nòng cốt cần được khuyến khích, động viên, giao nhiệm vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó cần phải tăng cường phát huy các trang thiết bị phục vụ cho nghiên ứng ứng dụng khoa học công nghệ của các Phòng thí nghiệm, Phòng hiệu chuẩn đo lường chất lượng tại Viện 69, Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu UDKHCN&MT. Thống nhất những hoạt động kết nối, phối hợp giữa các phòng thí nghiệm với nhau để tận dụng trang bị hiện có, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm đầu tư, bổ trợ nâng cao trình độ tay nghề của các kỹ thuật viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tăng cường hoạt động hợp tác với các cơ sở khoa học trong và ngoài quân đội, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cần thiết thành lập các nhóm nghiên cứu ứng dụng theo từng lĩnh vực như: Y tế, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường… để có kế hoạch hợp tác cụ thể với các Viện nghiên cứu, các Trường đại học. Phát huy tốt chức năng chỉ đạo nghiệp vụ, tư vấn của Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hướng các thành viên trong Hội đồng trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực khoa học cần giải quyết trong nhiệm vụ của đơn vị theo chuyên ngành của các thành viên trong Hội đồng.
Sử dụng công nghệ tẩy rửa bề mặt đá ốp không dùng hóa chất
Trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, các vấn đề cụ thể cần được quan tâm thực hiện như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác tổ chức, đón tiếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ đồng bào trong nước, khách quốc tế khi về Lăng viếng Bác và tham quan các địa điểm trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình ngày càng đông hơn, làm cho Lăng Bác và hình tượng Hồ Chí Minh mãi trường tồn cùng dân tộc.
Các công nghệ mới có thể áp dụng trong công tác đón tiếp, tuyên truyền như: Lựa chọn các thiết bị kiểm tra an ninh thế hệ mới bảo đảm kiểm tra chính xác, nhanh gọn, không làm gián đoạn dòng người. Bố trí mái che đường viếng bảo đảm che mưa, nắng cho đồng bào bằng vật liệu nhẹ, thiết kế cơ động, không làm ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của Công trình Lăng.
Có thể sử dụng công nghệ thuyết minh tự động (Audio Guides) để phục vụ khách tham quan đặc biệt là khách nước ngoài, thiết bị có thể thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng theo nội dung đã được biên soạn và tự động thay đổi nội dung thuyết minh khi du khách di chuyển khu vực tham quan.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát tin và phát hình tuyên truyền trên các phương tiện nghe nhìn trong khu vực Lăng, thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung thông tin, bảo đảm công tác tuyên truyền về Đảng, về Bác đạt hiệu quả thiết thực.
Hai là, ứng dụng công nghệ sinh học, lựa chọn được các loài cây, loài hoa phù hợp để trang trí tại khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình theo các mùa trong năm và các ngày lễ lớn của dân tộc, bảo đảm tiêu chí bền, đẹp, dễ chăm sóc. Nghiên cứu sử dụng hợp lý các sản phẩm sinh học: Phân bón, thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường để duy trì, chăm sóc cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ trong Khu vực tránh gây ô nhiễm môi trường. Sử dụng công nghệ mới trong tưới phun, bón phân thay thế công nghệ truyền thống.
Ba là, để cho Công trình Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình thường xuyên khang trang, sạch đẹp thì công tác vệ sinh môi trường trong khu vực, bảo quản kiến trúc, chiếu sáng Công trình Lăng… rất cần thiết áp dụng các công nghệ mới, sử dụng các thiết bị chuyên dụng theo hướng tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, các thiết bị tẩy rửa không dùng hóa chất, thiết bị quét hút độ ồn thấp, độ bền cao, đội ngũ công nhân làm việc chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, văn minh lịch sự.
Bốn là, chủ động, mạnh dạn đề xuất với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc tổ chức hợp lý tuyến phố đi bộ trong khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình và các khu vực lân cận, tạo thành quần thể liên thông trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, chỉnh trang kiến trúc các công trình kiến trúc liên quan để ngày càng phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới và mãi mãi về sau./.
ThS. Nguyễn Mạnh Tuyến -
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu UDKHCN&MT