Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta; hình ảnh thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam và bạn bè quốc tế; đồng thời, là nơi hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam. Là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng) nhận rõ trọng trách của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc học tập, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
Sau khi Bác qua đời (2/9/1969), thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị đã quyết định: “... Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội, trực tiếp là Đoàn 69 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng).
Ngày 28/12/1975, Thường vụ Quân uỷ Trung ương ra Quyết định số 279/VP-QU thông qua việc thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969 và ngày 14/5/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, với nhiệm vụ trọng tâm là “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong 6 năm chiến tranh (1969 - 1975), cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô vượt qua thử thách, lập lên những chiến công thầm lặng, giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 18/7/1975, Bác về yên nghỉ tại ngôi nhà nghỉ vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử. Ngày 29/8/1975, ngày khánh thành Lăng Bác, cũng là ngày tổ chức buổi lễ viếng Bác đầu tiên và trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn thể hiện lập trường kiên định vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, nỗ lực vươn lên hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, trong đó nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ, SSCĐ và nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền hoàn thành xuất sắc. Với những kết quả và thành tích đạt được, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới.
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật (TBKT) Công trình Lăng và các công trình có liên quan. Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng luôn xác định, để quản lý và vận hành tốt hệ thống TBKT Công trình Lăng thì trước hết phải thực hiện tốt các nội dung công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT). Nội dung chính của công tác BĐKT đối với hệ thống TBKT Công trình Lăng là tạo ra và duy trì môi trường không khí tinh khiết trong Công trình Lăng, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để giữ gìn lâu dài, an toàn thi hài Người; phục vụ Lễ viếng Bác, các sinh hoạt chính trị, văn hóa ở khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu đòi hỏi các TBKT Công trình Lăng phải hoạt động thường xuyên, liên tục, nhằm duy trì ổn định thông số kỹ thuật, môi trường không khí, môi trường ánh sáng trong giới hạn hẹp và đòi hỏi các thiết bị thiết yếu đều phải có hệ số dự phòng từ 2 đến 3 lần.
Trong quá trình vận hành, khai thác sử dụng, hệ thống TBKT Công trình Lăng và các công trình liên quan dần xuống cấp, cần phải thay thế, đã đặt ra cho đơn vị những khó khăn và yêu cầu rất cao trong công tác BĐKT. Phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ tư lệnh đã không ngừng đổi mới và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác BĐKT, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật bảo đảm đủ trình độ, năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống TBKT hiện có và từng bước đổi mới, nâng cấp hệ thống TBKT công nghệ mới; duy trì và thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống TBKT Công trình Lăng với phương châm “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”. Đồng thời, các đơn vị đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội nghiên cứu khoa học, thử nghiệm nhằm thay thế dần các thiết bị thế hệ cũ bằng những thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, từng bước tự động hoá trong quản lý, vận hành; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ. Chính nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc quản lý, vận hành có hiệu quả hệ thống TBKT Công trình Lăng. Điển hình là những đề tài: “Nghiên cứu hợp lý hóa chế độ nhiệt ẩm trong Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn; “Nghiên cứu khả năng sử dụng thay thế hợp lý một số hệ thống thiết bị chủ yếu” của Thiếu tướng Đào Hữu Nghĩa; “Thiết lập vùng tham số điều chỉnh và xây dựng phương án của hệ thống tự động bảo đảm thông số tối ưu các vùng vi khí hậu” của Đại tá Nguyễn Văn Vinh; “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ điều hòa không khí với lưu lượng thay đổi” của Đại tá Bùi Hải Sơn; “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các công trình thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương... Và những giải pháp kỹ thuật chống thấm cho mái khối chính Công trình Lăng; nghiên cứu sử dụng dung môi để rửa các khối góp bộ lọc tĩnh điện; cải tạo khu pha chế dung dịch đặc biệt; lắp đặt bổ sung hệ thống điều hoà cục bộ K5, điều hoà trung tâm K1, K2, K3, K4; thay thế tổ hợp máy lạnh Daikin, máy lạnh Carrier; lắp đặt hệ thống cấp nước tuần hoàn giải nhiệt cho các bình ngưng của máy lạnh... Đây là những công trình, đề tài khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đánh dấu sự trưởng thành, vươn lên làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại cũng như ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Đồng thời, qua đó khẳng định trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã được nâng lên, không chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật nảy sinh mà còn có khả năng nghiên cứu cơ bản, đề xuất giải pháp kỹ thuật nền tảng để cải tạo, nâng cấp kiến trúc công trình cũng như các hệ thống TBKT khác.
Trong suốt 40 năm qua, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong quản lý, vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả hệ thống TBKT Công trình Lăng và các công trình có liên quan, bảo đảm thông số về nhiệt độ, độ ẩm và môi trường ổn định, có độ dự phòng cao phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng và Quảng trường Ba Đình. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng, Khu Di tích K9 thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng theo hướng bền, đẹp và ngày càng khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu phục vụ chu đáo đồng bào và khách quốc tế về Lăng viếng Bác.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi vậy, việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới càng có ý nghĩa thiết thực. Để quản lý, vận hành hệ thống TBKT Công trình Lăng, bảo đảm thông số phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo đổi mới công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động về việc phát huy vai trò, ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của những người đang công tác bên Lăng Bác. Trên cơ sở đó, làm cho mọi người thấy rõ hơn vinh dự, trách nhiệm của mình trong bảo quản, giữ gìn thi hài Bác và hướng dẫn các đoàn khách tham quan. Coi đây là thời cơ thuận lợi để xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó. Đồng thời, đó cũng là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm chính trị, việc làm hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng, trong đó có cán bộ, nhân viên kỹ thuật đối với Bác kính yêu để nâng cao tinh thần trách nhiệm, trong công tác quản lý, vận hành hệ thống TBKT Công trình Lăng.
Hai là, tập trung triển khai thực hiện tốt Đề án 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 122-NQ/QƯTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; mẫu mực về tư thế, tác phong, xử lý có văn hóa các mối quan hệ; trọng thị, thân tình trong đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách tham quan.
Ba là, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của các cấp về công tác BĐKT, đặc biệt là các chương trình thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTƯ. Tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu đề xuất, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác BĐKT, nhằm bảo đảm phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi người thấy rõ được ý nghĩa của công tác kỹ thuật đối với nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị, phát huy nội lực, tự giác vươn lên, tích cực tự giác trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực làm chủ và khai thác có hiệu quả hệ thống TBKT Công trình Lăng, thực hiện tốt vai trò là vũ khí phục vụ nhiệm vụ chính trị trung tâm và chuyên môn kỹ thuật.
Bốn là, cấp ủy, chỉ huy các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác BĐKT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật nói chung và quản lý, vận hành hệ thống TBKT Công trình Lăng nói riêng; tiếp cận, làm chủ công nghệ mới trong khai thác sử dụng TBKT, vũ khí hiện đại, công nghệ cao. Từng bước đổi mới nâng cấp hệ thống TBKT Công trình Lăng và các công trình liên quan. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, khai thác TBKT Công trình Lăng theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tích cực, chủ động hợp tác với các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nâng cao chất lượng nghiên cứu, làm chủ vững chắc hệ thống TBKT phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong mọi tình huống.
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác kiểm tra, đôn đốc, nhất là sự quản lý, điều hành của chủ nhiệm ngành, hướng dẫn của cơ quan xây dựng nền nếp chính quy cơ quan, đơn vị. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ, nguyên tắc, quy trình vận hành, kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa TBKT, vũ khí, nhằm kéo dài thời gian sử dụng của các hệ thống TBKT Công trình Lăng và các công trình có liên quan. Chú trọng việc lồng ghép thực hiện các nội dung, mục tiêu của Cuộc vận động 50 với các cuộc vận động, phong trào thi đua, với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tổ chức tốt các hội thi, hội thao kỹ thuật ở các cấp và tổ chức bồi dưỡng thi nâng bậc thợ kỹ thuật hằng năm cho các đối tượng.
Trong 46 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm quản lý, vận hành hệ thống TBKT Công trình Lăng và tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa tại Công trình Lăng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở, là nền tảng và là động lực to lớn để Đảng bộ và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh