Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2015), sáng 5/8/2015, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm: “Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Dự Tọa đàm có các đồng chí: Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, nguyên Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh; các đồng chí phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm PT - TH Quân đội nhân dân, Cổng Thông tin Bộ Quốc phòng, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Thi đua - Khen thưởng (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), Tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận.
Đã có 28 bài viết gửi tham gia tọa đàm. Các bài viết đã nêu bật cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người; ý nghĩa chính trị, văn hóa và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Biểu diễn các ca khúc mới sáng tác về đơn vị nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mở đầu buổi Tọa đàm là chương trình văn nghệ, biểu diễn các ca khúc mới sáng tác về đơn vị nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh đã nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Sự nghiệp cách mạng, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản quý báu vô giá đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Trải qua 46 năm kể từ ngày Bác đi xa, 40 năm kể từ Ngày khánh thành Lăng, đón đồng bào và khách quốc tế viếng Bác, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, thi hài Bác được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nơi hội tụ những tình cảm thiêng liêng, biết ơn cội nguồn, niềm kính yêu Bác vô hạn của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn quốc tế.
Đồng chí Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.
Đề cập đến giá trị hiện thực của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trong giai đoạn hiện nay, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo các quan điểm về đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó còn là sự tiếp thu có chọn lọc và phát triển những tinh hoa đạo đức của nhân loại, cả phương Đông và phương Tây trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian lao thử thách và vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm tư tưởng đạo đức - một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức về vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới, yêu cầu rèn luyện đạo đức đối với mỗi cán bộ cách mạng và tấm gương thực hành đạo đức của Người kết tinh thành hệ giá trị phổ quát, có tính bền vững.
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa tổng hợp cả về chính trị và văn hóa. Giá trị đạo đức Hồ Chí Minh trước hết phải được lan tỏa trong những con người hiện thực đang làm việc tại đây. Mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ làm việc tại Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là những tấm gương phản chiếu giá trị đạo đức Hồ Chí Minh. Người dân đến thăm Lăng có cảm nhận và niềm tin, từ đó họ tự soi vào mình xây dựng lòng thành kính, biết ơn và cố gắng thực hành đạo đức Hồ Chí Minh. Đây chính là ý nghĩa, giá trị giáo dục to lớn, sâu xa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay.
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm.
Tham luận “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình của lòng Dân, ý Đảng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Tư lệnh, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng khẳng định: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Công trình “lòng Dân - ý Đảng” mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, thể hiện nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã giành trọn cuộc đời “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác đến thăm viếng, chiêm ngưỡng, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa Công trình Công trình Lăng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân ta; là vinh dự trách nhiệm đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã tin tưởng giao cho các lực lượng trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, nguyên Tư lệnh, Trưởng ban
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm
Các tham luận của Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, nguyên Tư lệnh, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh; Đại tá Phạm Tuấn, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh; Đại tá Trần Vũ Trang, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh ... tập trung làm rõ những chiến công thầm lặng của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô vượt qua thử thách, vươn lên từng bước làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác; quá trình xây dựng Lăng của Người; ý nghĩa chính trị, văn hóa và việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Trong tham luận “Ý nghĩa chính trị, văn hóa và yêu cầu phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trinh Lăng trong giai đoạn mới” đồng chí Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị khẳng định: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng hội tụ những tinh hoa về đạo đức, văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta với bạn bè quốc tế.
Đồng chí Thiếu tướng Hồ Bá Vinh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị
phát biểu tại Tọa đàm.
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, biểu tượng đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam: Văn hóa Hồ Chí Minh. Hiện nay, văn hóa Hồ Chí Minh đang định hướng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân ta tu dưỡng về đạo đức cần, kiệm, liêm chính, về đạo làm người, làm cán bộ để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Với ý nghĩa đó, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Bác kính yêu mà còn thể hiện sự kiên định con đường Bác Hồ đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là vinh dự, trách nhiệm cao cả nhưng rất vẻ vang của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu dự Tọa đàm trao đổi trong giờ nghỉ.
Sau khi phân tích thực trạng những ưu điểm và hạn chế trong việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa những năm qua các đại biểu đã đề xuất một số nội dung và giải pháp về phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới trong đó phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của các cơ quan, đơn vị địa phương và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với mọi hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình. Tăng cường giáo dục bồi dưỡng nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực hoạt động của các lực lượng trong đơn vị, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghi lễ, nghi thức trang nghiêm, mẫu mực, chu đáo và tuyệt đối an toàn. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa, trong đó tập trung cải tiến, đổi mới nội dung hình thức công tác đón tiếp, tuyên truyền bảo đảm tính toàn toàn diện, thể hiện rõ tính định hướng tư tưởng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ hiện nay; tăng cường phối hợp các hoạt động với các công trình, di tích trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và các di tích trong cả nước; nghiên cứu xuất bản các ấn phẩm văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình quảng bá và tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin tương xứng với ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Lập đã khái quát lại những chủ đề đã được các tham luận tập trung đề cập và khẳng định: Thông qua Tọa đàm hôm nay, mỗi chúng ta lại càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi với non sông đất nước. Người đã đi xa nhưng Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau sự nghiệp cách mạng vẻ vang, một thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh, một giá trị bền vững đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư tưởng đạo đức cách mạng và nhân cách trong sáng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tấm gương hy sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân; tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người luôn cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo vệ tuyệt đối an toàn Công trình Lăng của Người là góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo vệ thành quả của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt; cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyện đem hết sức mình cống hiến tài năng, viết tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt đó để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một địa chỉ thiêng liêng, với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và muôn đời sau./.
Vũ Tùng, Ngọc Hà