Sáng ngày 08-8-2015, đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Hậu Giang đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 36 đại biểu, trong đó có 21 Mẹ Việt Nam Anh hùng và thương binh nặng; do đồng chí Lâm Quang Tố, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang làm Trưởng đoàn.

1-hau-giang-2015
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước khi vào Lăng viếng Bác, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, Đoàn đã được nghe giới thiệu về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch hồ Chí Minh và quá trình xây dựng Công trình Lăng của Người, xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” và từng thành viên trong Đoàn được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

Nằm ở hạ lưu sông Hậu, tỉnh Hậu Giang mới được tái lập hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Song thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Hậu Giang luôn chú trọng công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, đặc biệt là công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất... Vì vậy, đời sống Người có công và gia đình chính sách trên địa bàn luôn được cải thiện.

 Hiện nay, Hậu Giang có trên 10.000 đối tượng chính sách đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, có 1.438 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 3.000 thương binh, bệnh binh, gần 4.800 thân nhân liệt sĩ, gần 1.600 người dân có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến. Trong nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn đối với Người có công với cách mạng, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong Tỉnh luôn làm hết sức mình để các thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công với cách mạng có cuộc sống ổn định về vật chất và thoải mái về tinh thần. Toàn Tỉnh đã có trên 5.000 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng mới, hỗ trợ sửa chữa hơn 500 căn. Nghĩa trang liệt sĩ của Tỉnh được xây dựng khang trang với kinh phí gần 50 tỉ đồng. Tỉnh cũng đã thí điểm cho vay vốn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện để Người có công được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các mô hình làm ăn có hiệu quả thông qua các chương trình kinh tế, xã hội của địa phương để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng nơi cư trú.

Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ở Hậu Giang với các chương trình cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh; xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và Người có công với cách mạng… đã phát triển sâu rộng đến từng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các doanh nghiệp, đơn vị và người dân. Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Các thân nhân liệt sĩ già yếu neo đơn, thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng được các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền, quà./.

Vân Phương

Bài viết khác: