Trong tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vấn đề quyền con người đã chiếm vị trí quan trọng đặc biệt. Trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam về quyền con người, Bác Hồ là người đã tiếp cận một cách khoa học nhất, đầy đủ nhất và nhân văn nhất. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới quyền con người rất sớm, Người đã đặt nền móng lý luận và thực tiễn bằng việc khẳng định quyền con người gắn liền với quyền dân tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Người đã chỉ ra rằng quyền con người chỉ có thể có được bằng con đường đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có như vậy thì các quyền cá nhân và quyền dân tộc mới được bảo đảm bền vững.
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là mốc son chói lọi đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ViệtNam. Đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do. Đưa nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ chân chính của nước nhà. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khởi đầu kỷ nguyên mới của dân tộc ViệtNam- kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước qua nhiều quốc gia trên thế giới của Người.Ngày 28 tháng 8 năm 1945, trong căn buồng nhỏ trên gác hai tại số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, Bác Hồ bắt đầu viết dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.Hàng ngày Bác dậy sớm tập thể dục sau đó ngồi vào bàn và đánh máy luôn bản thảo. Ban đêm, Bác cũng thức rất khuya, trầm ngâm suy nghĩ về những nội dung trong bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sáng 29 tháng 8, Bác chuyển đến Bắc Bộ phủ làm việc, ở đây Bác tiếp tục hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau mấy ngày sốt, tuy sức khoẻ giảm sút trông thấy, nhưng sức làm việc của Bác thì vẫn phi thường. Đêm 29 tháng 8, Bác thức khuya hơn bình thường vì ngày 2 tháng 9 đã sắp đến gần. Bác viết rồi lại sửa. Những lúc suy nghĩ căng thẳng nhất Bác thường đặt tay lên trán và đôi mắt sáng khi thì nhìn những dòng chữ như có hồn vừa được viết ra, khi thì nhìn vào đêm tối như tìm một điều gì đó mà chỉ riêng Bác mới hiểu. Cho đến ngày 30 tháng 8, bản Tuyên ngôn Độc lập được dự thảo xong, Bác đưa ra tranh thủ ý kiến các đồng chí Trung ương.
Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời trong hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, một thời điểm trọng đại và phức tạp của lịch sử. Trọng đại ở chỗ nó đã kết thúc 80 năm nhân dân ta phải chịu đau khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 5 năm bị phát xít Nhật đô hộ và hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế. Phức tạp ở chỗ các lực lượng thù địch vẫn không từ bỏ tái chiếm nước ViệtNammột lần nữa. Ở miềnNam, thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Anh (thay lấy danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật ở Đông Dương). Ở miền Bắc là quân đội Tưởng Giới Thạch ồ ạt kéo vào nước ta. Hoàn cảnh nước ta lúc đó được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Việt Nam cần phải tự vươn lên giành độc lập, đồng thời khẳng định độc lập chủ quyền của mình trước nguy cơ bị xâm lược lần nữa. Và rồi Bản Tuyên ngôn đã ra đời trong sự hân hoan chào đón của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã đem lại những giá trị quý báu cho dân tộc Việt Nam. Đó là giá trị về mặt lịch sử, lẫn giá trị giá trị nhân văn sâu sắc. Giá trị về mặt lịch sử, Bản Tuyên ngôn tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta và mở ra một kỷ nguyên mới độc lập tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giá trị về mặt nhân văn, đó chính là quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của con người. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người luôn hòa quyện với nhau và luôn nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Người. Con đường cách mạng mà Người đã chọn, cuộc cách mạng mà Người lãnh đạo, những chủ trương, chính sách mà Người đề ra và cả những việc làm rất cụ thể của Người, tất thảy đều nhằm bảo vệ con người. Đây cũng là mối bận tâm lớn nhất trong cuộc đời của Bác: “Ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã trích Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Bản Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp.
“Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời nói bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do về bình đẳng và quyền lợi”.
Cách dẫn chứng như trên vừa thể hiện sự khéo léo vừa kiên quyết. Bởi vì, con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến đã bị tước đoạt và chỉ khi dưới chế độ ta ba quyền ấy được đảm bảo ngày một tốt hơn. Điều đó mang một ý nghĩa thời đại, là mục tiêu không thể xa rời của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Bác đã khẳng định nước ta được độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ mật thiết với nhau và cũng là nét độc đáo trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không phải ngẫu nhiên mở đầu bản Tuyên ngôn Người trích dẫn hai Bản Tuyên ngôn trên, mà vì một lý do vô cùng quan trọng. Bởi vì, đây là hai Bản Tuyên ngôn được thế giới công nhận. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ba Bản tuyên ngôn: Việt Nam, Pháp, Mỹ ngang hàng nhau với lòng tự hào dân tộc. Với hàm ý chỉ sự công bằng ngang nhau giữa ba nước: Việt Nam, Pháp, Mỹ. Từ đây, ba nước đứng ngang hàng nhau với tư cách là những quốc gia độc lập, có quan hệ bình đẳng chứ không còn là quan hệ giữa mẫu quốc và thuộc địa nữa. Không còn quan hệ giữa nước đi xâm lược và nước bị xâm lược mà là quan hệ của những quốc gia độc lập được cả thế giới công nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ quyền bình đẳng của con người đến quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới, trong đó phải có quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đây là điều không thể nào chối cãi được. Người đã lấy lý luận của kẻ thù để chống lại chính kẻ thù thông qua lý lẽ sắc bén và cơ sở pháp lý vững chắc của Bản tuyên ngôn để chặn đứng âm mưu xâm lược của kẻ thù.
Từ những lập luận trên, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hai bản Tuyên ngôn bất hủ ấy có cùng vị trí ngang nhau trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng từ quyền con người lên thành quyền dân tộc, từ quyền của cá nhân lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đây được xem là cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm huyết lớn của Người dành cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới. Khẳng định tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình. Đây cũng là một trong những tư tưởng nổi tiếng, mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là đã nêu lên một luận điểm hoàn toàn mới về quyền con người: Quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc thiêng liêng. Đồng thời, đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với dân tộc Việt Nam, nhất là khi độc lập dân tộc vừa mới giành lại được và đang bị các lực lượng thù địch bao vây tứ phía.
Cần phải hiểu thêm rằng: Bản Tuyên ngôn của nước Mỹ ra đời năm 1776, nhưng mãi đến năm 1870, những người đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu. Với phụ nữ, sự thừa nhận về sự bình đẳng chính trị còn muộn hơn nữa. Đó là năm 1923. Như vậy, đàn ông da đen có quyền được đi bầu sau 95 năm và phải mất thêm 50 năm sau nữa, phụ nữ Mỹ mới được đi bỏ phiếu. Còn tại Việt Nam, trước năm 1945, nước ta vẫn là xã hội nặng về ý thức Nho giáo “trọng nam, khinh nữ”. Vì vậy, với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Nhà nước mới đã tuyên bố độc lập tự do và bình đẳng cho toàn thể mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo… Đây là điều thể hiện sự tiến bộ vượt trội của Tuyên ngôn Độc lập, so với hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.
Trên cơ sở pháp lý chặt chẽ và sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đi đến một lập luận đối lập đanh thép tố cáo và vạch trần bản chất cướp nước, giả nhân đạo, lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng, bác ái đối với nhân dân ta để che đậy hành vi bất nhân, bất nghĩa từ chính sách ngu dân, rượu cồn, thuốc phiện, thuế khóa,…Người không chỉ tố cáo, vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trước nhân dân thế giới mà còn giúp họ phòng, chống chủ nghĩa thực dân. Như vậy, quyền con người sẽ không thực hiện được khi còn chủ nghĩa thực dân.
Tội ác của thực dân Pháp rành rành không thể nào chối cãi được. Một nước lớn tự xưng là văn minh, là hiện đại, luôn hô hào “Tự do, bình đẳng, bác ái” muốn đem nền văn minh đến cho người dân nơi “may mắn được chúng bảo hộ”. Nhưng lại làm ngược lại với những gì mình nói. Không những thế, bọn Pháp hèn hạ hai lần dâng nước ta cho Nhật. Công cuộc khai hóa của bọn thực dân xâm lược đã làm cho dân ta hơn hai triệu người chết đói, đời sống vật chất thiếu thốn, tinh thần bị đầu độc ma mị. Dân tộc Việt Nam bị “dìm đắm dưới gót sắt đẫm máu của dị tộc”.
Dưới sự áp bức bóc lột tàn độc đó, người Việt Nam không thể sống nghèo khổ như trước được nữa, không thể cam chịu bị xâm lược nữa, họ phải vùng lên giành độc lập. Và thời cơ thuận lợi đã đến. Tuyên ngôn đã chỉ rõ: “Sự thật là từ mùa Thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải của Pháp nữa. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là nhân dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hình thức phủ định: “Sự thật là nước ta… chứ không phải. Sự thật là dân ta…chứ không phải.” Để khẳng định nội dung là phủ định hoàn toàn quyền lực và sự tồn tại của Pháp ở Việt Nam. Dựa trên cơ sở thực tế và cơ sở pháp lý chặt chẽ, sắc bén Bản Tuyên ngôn đã phủ định một cách dứt khoát để khẳng định quyền độc lập tự do chính đáng của dân tộc ta.
Có thể khẳng định, giá trị nhân văn không chỉ thể hiện ở nội dung Bản Tuyên ngôn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một điều mà không có lãnh tụ nào trên thế giới từng làm, đó là tình cảm, tấm lòng của Bác với dân tộc, với nhân dânthể hiện ở chỗ, đến đoạn tố cáo tội ác của phát xít Nhật, cả biển người im phăng phắc. Nghĩ đồng bào nghe mình nói không rõ và quên cả mình là Chủ tịch Nước đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác ngừng đọc cất tiếng hỏi rất thân mật:
Đồng bào nghe rõ tôi nói không?
Tiếng trả lời: “Có” như sấm dậy. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, người ta lại thấy tình cảm giữa lãnh đạo cao nhất và dân chúng gần gũi và thân thương đến thế! Hai tiếng “đồng bào” được Bác nhắc đến với tất cả tình cảm thiêng liêng cao quý.Đó là biểu hiện sinh động tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta, đặt dấu chấm hết cho thể chế cũ mở ra thời đại mới - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ một câu“Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Và để biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc, kích thích tinh thần tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu để nhân dân ta quyết tâm chống lại âm mưu của thực dân Pháp, Bác đã khẳng định thắng lợi của cách mạng nước ta “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Thắng lợi đó đã mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa khác giành độc lập trên thế giới nhất là các nước Châu Á và Châu Phi. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không còn chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà đó còn là sự cổ vũ, lời khẳng định thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Nhân dân Hà Nội mít tinh mừng độc lập.
Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới, đồng thời, cũng khẳng định quyền dân tộc, quyền được hưởng tự do độc lập còn được tăng lên một bậc nữa“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập”.Tuyên ngôn đã khẳng định ý chí của người Việt Nam quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy bằng mọi giá “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Từ đó đi đến khẳng định mạnh mẽ về độc lập, chủ quyền của nước ta. “Chúng tôi tin rằng”, tỏ vẻ tôn trọng hàm ý bắt buộc kẻ thù phải công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sự khẳng định trong lời kết luận được hiểu: Hưởng tự do, độc lập không chỉ là cái quyền phải có, không phải chỉ là một tư cách cần có mà đó là một sự thật, là lời thề thiêng liêng đanh thép của dân tộc Việt Nam.
Với Tuyên ngôn Độc lập, lần đầu tiên Việt Nam hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do, độc lập. Thế giới cũng thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, quyền dân tộc cơ bản bao gồm: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và ngày nay Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong cách mạng trong phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Việt Nam từ chỗ là một mảnh đất được biết đến với tư cách là thuộc địa của Pháp, Nhật. Nhưng qua cuộc Cách mạng Tháng Tám, qua lời tuyên bố đanh thép của bản Tuyên ngôn Độc lập, Việt Nam đã được bạn bè toàn thế giới biết đến với tư cách là một quốc gia độc lập có tên trên bản đồ thế giới, có chính phủ mới, quốc kỳ mới, quốc ca mới, tiến đến một chế độ xã hội mới - chế độ chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015), sự kiện ra đời bảnTuyên ngôn Độc lậpbất hủ, đất nước Việt Nam đã có nhiều đổi thay lớn lao trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Ở Việt Nam, quyền con người lần đầu tiên được đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011. Đồng thời, quyền con người cũng đã được quy định tại Điều 50, Hiến pháp 1992. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn xây dựng và động viên khối đại đoàn kết toàn dân, gồm cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới 30 năm qua, mặc dù luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, chính trị - xã hội được đảm bảo ổn định.Lời bất hủ trong bản hùng văn lập quốc vĩ đại là lời hiệu triệu với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kể cả những đồng bào Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, công tác và học tập ở nước ngoài, hãy luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, cùng nhau đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đóng góp được nhiều nhất sức lực, trí tuệ và tài năng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Ngày nay giá trị của Tuyên ngôn Độc lập còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đất nước. Sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc là nền tảng soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới. Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không thể phủ nhận rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về quyền con người như: Phân hóa giàu nghèo, tình trạng quan liêu, tham nhũng, một số nơi quyền làm chủ của nhân dân bị xâm phạm, người dân không thụ hưởng các hàng hóa dịch vụ giá cả tương xứng với chất lượng,…Tuy nhiên với việc nhận thức đúng đắn về quyền con người thì các quyền cơ bản về con người trên đất nước ta nhất định sẽ được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã đổi tên Chương là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”, so với tên gọi cũ của Chương này trong Hiến pháp năm 1992 là “quyền và nghĩa vụ công dân”, đồng thời xác định nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước là phải bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện./.
Nguyễn Minh Đức