Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm Ngày khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2015), Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin giới thiệu bài viết “Thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Tấn, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ yếu Tọa đàm: “Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.

toa-dam-40-nam-2015-2
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh
 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm

Năm nay đơn vị long trọng kỷ niệm 46 năm ngày Bác Hồ đi xa. 40 năm khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 – 29/8/2015) và cũng là 40 năm Ngày truyền thống của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân những sự kiện trọng đại này, tôi xin lược ghi để cùng nhớ lại những dấu ấn, trong chuỗi sự kiện của 46 năm. Đơn vị từ tổ chức tiền thân “Tổ y tế đặc biệt”, Đoàn 69, Viện 69, thuộc Bộ Tư lệnh trong thực hiện nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, trọng đại giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, khi Người qua đời, Đảng, Nhà nước ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ Người.

Tháng 5 năm 1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì quyết định sẽ giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người, khi Người qua đời và cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô đàm phán, đề nghị bạn giúp đỡ, Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương.

Để công việc được triển khai sớm, đồng chí Lê Thanh Nghị đã rời Hà Nội lên đường sang Mátxcơva đàm phán với Chính phủ Liên Xô. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng, Chính phủ Liên Xô khẳng định sẽ ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng mộ của Người.

Ngay sau chuyến đi làm việc của đồng chí Lê Thanh Nghị có kết quả, ba đồng chí Thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Lê Điều đã được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Ngày 2/9/1967 đoàn gồm ba đồng chí bác sĩ đã bí mật lên đường - ngày 14/9 đến Mátxcơva, Đoàn được đưa ngay đến Viện khoa học giữ gìn thi hài Lênin. Đồng chí X.X. Đề bốp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Y học Liên Xô – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện trưởng đã tiếp Đoàn và thảo luận ngay chương trình, thời gian học tập của ba đồng chí.

Sau 7 tháng miệt mài học tập, Đoàn đã nắm được những kiến thức chuyên môn thiết yếu. Kết quả học tập của Đoàn, được bạn kiểm tra chặt chẽ và đánh giá cao, tháng 4 năm 1968, Đoàn lên đường về nước.

Tháng 6 năm 1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập “Tổ Y tế đặc biệt” gồm 6 đồng chí: Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Đại úy, Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Thượng úy, Bác sĩ Lê Điều, Thiếu úy, Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Y sĩ Đỗ Trung Hát, Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am - Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm Tổ trưởng. Tổ Y tế đặc biệt thuộc biên chế Quân y Viện 108. Để giữ bí mật, Tổ được sử dụng địa điểm và trang thiết bị của Khoa Giải phẫu bệnh lý, Viện 108. Đây là tổ chức tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

Cùng với việc thành lập, Tổ Y tế đặc biệt phải khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị về y tế, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức lực lượng, xây dựng một công trình để phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Sau khi xem xét cân nhắc các đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phùng Thế Tài, Vũ Văn Cẩn đã đề nghị Quân ủy Trung ương chọn phần phía sau của Nhà tang lễ Quân y Viện 108 cải tạo thành công trình theo yêu cầu thiết kế - Đề nghị trên đã được Quân ủy Trung ương phê chuẩn.

Sau một thời gian thi công hết sức khẩn trương, cuối năm 1968 công trình đã được xây dựng xong, mang mật danh Công trình 75A và được bàn giao cho Tổ Y tế đặc biệt quản lý.

Cùng với việc xây dựng Công trình 75A, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Quốc hội (Hội trường Ba Đình) sẽ là nơi đặt thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày Lễ tang.

Bộ Tư lệnh Công binh lại được giao nhiệm vụ chuẩn bị những công việc cần thiết tại Hội trường Ba Đình để đáp ứng yêu cầu giữ gìn thi hài Bác phục vụ Lễ viếng tại đây, công trình được mang mật danh là Công trình 75B.

toa-dam-40-nam-5
Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trung tuần tháng 8 năm 1969, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác trực thuộc Quân ủy Trung ương - Ban chỉ đạo gồm các đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo; Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y; Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội. Thường trực Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Lê Quang Đạo (Trưởng ban), Phùng Thế Tài (Phó ban), Trần Kinh Chi (Ủy viên) chịu trách nhiệm điều hành mọi công việc cụ thể. Cuối tháng 8 năm 1969, Ban Chỉ đạo sau khi kiểm tra trực tiếp toàn bộ các công việc đã báo cáo Bộ Chính trị mọi công tác chuẩn bị cho ngày Bác đi xa đã hoàn tất.

Ngày 23 tháng 8 năm 1969, thấy tình hình sức khỏe của Bác diễn biến xấu hơn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã điện thông báo cho Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô yêu cầu cử Đoàn chuyên gia y tế làm công tác giữ gìn thi hài sang Việt Nam. Ngày 28/8/1969 Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô gồm 5 đồng chí do Viện sĩ X X Đề bốp làm trưởng Đoàn đã đến Hà Nội. Đoàn đã bắt tay ngay vào kiểm tra công tác chuẩn bị của ta. Đoàn rất hài lòng về kết quả những việc ta đã làm.

Và cái ngày không ai mong đợi ấy đã đến. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969 ngày mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bầu bạn trên khắp thế giới từ giã Bác Hồ, con người vĩ đại nhất, con người của tất cả mọi người; ngày này đúng 24 năm trước (02/9/1945) Người đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo đúng kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, công tác y tế giữ gìn thi hài Bác lâu dài, được các chuyên gia y tế Liên Xô có sự phối hợp trợ thủ của các cán bộ y tế Việt Nam trong Tổ Y tế đặc biệt được tiến hành. Sau gần 3 giờ làm việc liên tục, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã hoàn thành công việc. Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô cho biết sở dĩ thời gian làm việc nhanh và có kết quả rất tốt như vậy là do công tác khoa học giữ gìn thi hài được tiến hành ngay sau khi Bác qua đời. Và điều lạ lùng hiếm thấy là hệ thống mạch máu của Bác tuy là tuổi cao nhưng rất mềm mại, lưu thông tốt, điều này là một tiền đề thuận lợi giúp cho công việc giữ gìn thi hài Bác lâu dài sẽ được tiến hành tốt.

Cũng từ trưa hôm đó, cho đến hết ngày 5 tháng 9 các chuyên gia y tế Liên Xô và Tổ Y tế đặc biệt thay phiên nhau liên tục làm việc và đã đạt được kết quả bước đầu xuất sắc, bảo đảm có thể đưa thi hài Bác ra để tổ chức Lễ viếng.

Chuẩn bị cho những ngày Lễ viếng, đúng 20 giờ ngày 5 tháng 9, thi hài Bác được đưa về Hội trường Ba Đình (Công trình 75B). Người được nằm trên chiếc giường gỗ trải nệm trắng trong chiếc hòm kính trong suốt trên bục Lễ đài giữa hội trường, phía trên là bàn thờ, khói hương trầm nghi ngút. Các đồng chí lãnh đạo thay nhau túc trực bên thi hài Người.

3 giờ sáng ngày 6 tháng 9, Ban Tổ chức Lễ tang và Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài cùng các chuyên gia y tế Liên Xô và Việt Nam tiến hành tổng kiểm tra các mặt chuẩn bị cho  ngày viếng Bác đầu tiên.

Đúng 6 giờ sáng, các đồng chí trong Bộ Chính trị cùng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đều có mặt đông đủ quanh linh cữu Bác. Mắt người nào cũng đẫm lệ. Sau Lễ viếng Bác của Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Thành phố Hà Nội, Tỉnh Nghệ An... đến lượt Nhân dân vào viếng Bác. Dòng người nối nhau nhích dần từng bước, tưởng chừng như vô tận trên Quảng trường và khu vực Câu lạc bộ Ba Đình. Trong mưa tầm tã, mọi người đổ vào Hội trường lặng lẽ cúi đầu, từ từ đi xung quanh hòm kính đặt thi hài Bác rồi trở ra phía cửa đối diện của Hội trường, ai cũng đầm đìa nước mắt, đau nỗi đau mất Bác, thầm cầu mong cho giấc ngủ của Người được thanh thản trong cõi vĩnh hằng.

Ngày 9 tháng 9 năm 1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước cử hành rất trọng thể tại Quảng trường Ba Đình.

Sau Lễ truy điệu, đúng 21 giờ ngày 9 tháng 9 năm 1969 thi hài Bác được đưa về Công trình 75A, chuẩn bị cho việc giữ gìn lâu dài, kết thúc những ngày tang lễ có một không hai trong lịch sử.

Ngay sau ngày Bác qua đời, với lòng kính trọng, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, xét thấy Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, Việt Nam lại đang phải tiến hành cuộc kháng chiến, thiếu thốn nhiều thứ nên Đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đề nghị với Ban Chỉ đạo, sau Lễ truy điệu cần đưa thi hài Bác sang Liên Xô để gìn giữ bảo vệ lâu dài.

Ban Chỉ đạo nhận thấy, ý kiến của bạn là thẳng thắn, chân tình và rất thực tế, nhưng đó là điều không thể được, nó không hợp với đạo lý, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của toàn dân, chắc chắn nhân dân ta sẽ không thể chấp nhận ....Ban Chỉ đạo thấy rằng những bước công việc đầu tiên, trong vô vàn khó khăn vất vả, ta và bạn đã phối hợp làm được, thì những bước tiếp theo, nếu có sự giúp đỡ nhiệt tình của Bạn nhất định cũng sẽ làm được. Ban Chỉ đạo đã báo cáo ngay với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và trao đổi trực tiếp với các đồng chí chuyên gia y tế Liên Xô những lý lẽ cần thiết phải tiến hành công việc giữ gìn thi hài Bác ngay tại Việt Nam dù có nhiều khó khăn.

Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo đã tổ chức một cuộc họp rộng rãi với các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ hàng đầu của đất nước, hội nghị cho rằng: Mặc dù ta chưa có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này, nhưng nếu được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bạn, nhất định ta sẽ làm được. Ý kiến kết luận của hội nghị được kịp thời báo cáo với Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng,trao đổi trực tiếp ngay với đồng chí A.N.Kôxưghin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đang có mặt ở Hà Nội dự Lễ viếng và truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí A.N.Kôxưghin đã đồng ý sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ, sẽ cùng với Việt Nam tìm mọi cách giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam.

Chính trong những ngày ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có thêm một quyết định trọng đại: Bên cạnh việc hết sức tranh thủ và dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô phải bí mật triển khai ngay công tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam để bảo vệ và giữ gìn thi hài Người.

Một Tổ tư vấn giúp Ban Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học được hình thành. Trong quá trình triển khai các mặt công tác chủ động, chăm sóc thi hài Bác và chuẩn bị mọi mặt để phục vụ việc giữ gìn thi hài Bác lâu dài; Bộ Chính trị và  Quân ủy Trung ương vẫn còn một nỗi lo, rất có thể Mỹ sẽ tráo trở tiếp tục ném bom trở lại miền Bắc với quy mô ác liệt hơn. Vì vậy, ngoài việc củng cố xây dựng Công trình 75A, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị phải tìm chọn một vị trí xa Hà Nội để xây dựng một công trình, khi cần thiết phải sơ tán thi hài Bác ra khỏi Hà Nội. Sau nhiều lần đi khảo sát, Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xin chọn Khu vực K9. Khu đồi thông yên tĩnh nằm trong khu rừng dài và rộng ở hữu ngạn sông Đà. Được sự chấp thuận, Quân ủy Trung ương đã giao ngay nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh tổ chức thực hiện, công trình đã được khẩn trương triển khai.

Với tinh thần lao động quên mình, với truyền thống dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, tất cả khó khăn trong quá trình thi công đều được Bộ đội Công binh khắc phục giải quyết tốt. Ngày 15/12/1969 Công trình K9 hoàn thành vượt mức thời gian quy đinh 10 ngày. Để giữ bí mật, công trình K9 được đổi tên thành K84 (K9 + K75).

Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát từ Công trình 75A. Sau hơn 4 giờ hành quân đoàn xe đã đến K84. Hòm thi hài Bác được chuyển vào nhà kính, thi hài Người được đặt trên chiếc giường đuya ra nền trắng đã chuẩn bị sẵn đúng như ở buồng đặc biệt tại Công trình 75A. Từ đây K84 thay thế 75A là nơi giữ gìn thi hài Bác. Để đưa công tác quản lý và rèn luyện bộ đội đi vào nề nếp thống nhất, kỷ luật chặt chẽ, ngày 16 tháng 2 năm 1970 theo đề nghị của Ban Chỉ đạo, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 69 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc giữ gìn, bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến tháng 5 năm 1970, giai đoạn tiến hành kỹ thuật cơ bản giữ gìn lâu dài thi hài Bác đã hoàn thành. Ngày 23 tháng 5 năm 1970, một phái đoàn gồm các nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô được Đảng, Chính phủ Liên Xô cử sang kiểm tra và đánh giá kết quả công tác giữ gìn thi hài Bác tại Hà Nội. Hội đồng Khoa học liên Chính phủ Liên Xô và Việt Nam được thành lập. Sau hai ngày làm việc, Hội đồng khoa học kết luận: “Qua 8 tháng bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, lại phải di chuyển xa, nhưng thi hài của Người vẫn được bảo tồn rất tốt, phù hợp với hình thể và những nét đặc trưng của cơ thể lúc Người còn sống. Hội đồng khẳng định thi hài Bác có đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài. Công tác y tế giữ gìn thi hài Bác tới lúc này đã đạt kết quả như mong muốn, khi cần có thể tổ chức cho nhân dân và bè bạn quốc tế tới thăm viếng Bác”.

Xây dựng Lăng Bác - Ngôi nhà vĩnh cửu của Người tại Ba Đình Hà Nội

toa-dam-40-nam-2015-3
Lăng Bác – nơi triệu triệu trái tim hướng đến

Sau ngày Bác từ trần, đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn sớm xây dựng Lăng của Người để lại được gặp Người và bày tỏ với Người ý chí, quyết tâm của cả dân tộc, nguyện đi tiếp con đường Người đã vạch ra.

Ngay sau Lễ tang, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban phụ trách “Quy hoạch A” gồm các đồng chí  Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài... với nhiệm vụ giúp Bộ Chính trị nghiên cứu quy hoạch chung về việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng mộ của Người.

Ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng mộ để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971...”

Ngày 9 tháng 2 năm 1971, tại Mátxcơva, thay mặt Chính phủ Liên Xô Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nôvicốp đã kí kết Hiệp định giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Ngày 3 tháng 11 năm 1971, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định chính thức thành lập Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Đỗ Mười, Phó Thủ tướng là Trưởng ban; đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc là Phó Trưởng ban; đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng là Ủy viên.

Cùng ngày 03 tháng 11 năm 1971, Phó Thủ tướng Đỗ Mười, ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy phiên hiệu là Công trường 75808) do đồng chí Kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kiến trúc là Chỉ huy trưởng; đồng chí Thượng tá Trần Bá Đặng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh là Phó Chỉ huy thứ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Bé là Phó Chỉ huy phụ trách kỹ thuật, đồng chí Trung tá Lương Soạn là Phó Chỉ huy phụ trách vật tư. Nhưng do đế quốc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, sau khi xem xét mọi mặt, Bộ Chính trị quyết định tạm dừng xây dựng Lăng theo tiến độ.

Ngày 28 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari được kí kết, với nguyện vọng thiêng liêng và quyết tâm không gì sánh nổi của nhân dân cả nước ta trong những ngày này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 2 tháng 9 năm 1973 là ngày khởi công xây dựng Công trình Lăng Bác, ngày 2 tháng 9 năm 1975 là ngày hoàn thành đưa Công trình Lăng vào hoạt động.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã dồn công sức cùng với cán bộ, chiến sĩ, công nhân trên công trường xây dựng Lăng Bác quyết tâm hoàn thành xây dựng Lăng trước ngày 2 tháng 9 năm 1975. Quyết tâm ấy đã trở thành hiện thực, ngày 18 tháng 7 năm 1975 thi hài Bác từ Công trình K84 đã được đón về Lăng ngôi nhà vĩnh cửu của Người.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lễ khánh thành Lăng Bác đã được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình và cũng từ ngày ấy đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng bạn bè quốc tế được vào thăm viếng Bác tại ngôi nhà vĩnh hằng của Người.

Bắt đầu từ buổi tổ chức Lễ viếng Bác đầu tiên (29/8/1975) nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giành cho Lăng Bác sự quan tâm đặc biệt. Ngày 28 tháng 12 năm 1975 Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 179/VP-QU chính thức thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mính lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh 969 – tiếp theo là những quyết định điều chỉnh bổ sung tổ chức biên chế, tập trung lực lượng cho đơn vị để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt đối với nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác, với tinh thần độc lập tự chủ, tháng 5 năm 1976 Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Viện 69. Để tạo điều kiện cho Viện 69 có nơi làm việc ổn định - Ban Chỉ đạo chăm sóc bảo vệ giữ gìn thi hài Bác của Quân ủy Trung ương đã làm việc với đồng chí Đỗ Mười xin địa điểm để thiết kế xây dựng một công trình gần khu vực Lăng để Viện có nơi làm việc, triển khai công tác nghiên cứu khoa học. Công trình do các kĩ sư thuộc Phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế, Công trình có kí hiệu T77. Sau này được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc Phòng, biên chế tổ chức của Viện 69 được phát triển và được đầu tư bổ sung thêm trang bị. Tại đây đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài quân đội làm cộng tác viên, thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học.

Bước sang đầu thập kỷ 90, tình hình chính trị ở Liên Xô thay đổi nhanh chóng, Nhà nước Liên Xô với lý do kinh tế gặp khó khăn, đã cắt giảm chương trình viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, trong đó có Công trình Lăng; thay vào đó là những hiệp định viện trợ theo cơ chế thanh toán. Nhưng tình hình này tồn tại không được lâu,ngày 19 tháng 8 năm 1991, Liên Xô tan rã, Lăng Bác phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới.

Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 10 tháng 7 năm 1991 một hội nghị chuyên đề về Lăng Bác do đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh chủ trì, tại hội nghị đồng chí Nguyễn Khánh đã có những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể đối với nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Quý III năm 1992, ta đã không nhận được dung dịch để chuẩn bị làm thuốc lớn thi hài Bác vào dịp tu bổ định kỳ. Tổ chuyên gia Nga do Giáo sư Rô ma cốp, Viện phó Viện thi hài Lê nin dẫn đầu cũng thông báo cho ta sẽ không sang Việt Nam theo kế hoạch. Tin tưởng ở trình độ, khả năng của cán bộ Viện 69, Thường vụ, Bộ Tư lệnh đã hạ quyết tâm giao cho Viện đảm nhận chủ trì làm thuốc lớn thi hài Bác trong tu bổ định kỳ tháng 9 năm 1992 – Lần làm thuốc lớn đầu tiên sau 23 năm, kể từ ngày Bác mất, đánh dấu bước phát triển mới của Viện.

Tháng 12 năm 1992, theo Chỉ thị của đồng chí Phó Thủ tướng Phan Văn Khải phụ trách trực tiếp Ban Quản lý Lăng, một đoàn cán bộ của Ban Quản Lý Lăng do đồng chí Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn sang làm việc với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga. Trong thời gian làm việc tại Mátxcơva, Đoàn ta đã gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ có lòng tôn kính Hồ Chí Minh với sự chân thành, sẵn sàng giúp đỡ của các nhà khoa học Liên bang Nga, khó khăn đã được tháo gỡ. Ngày 28 tháng 12 năm 1992, Lễ ký kết Hiệp định hợp tác lâu dài giữa Ban Quản lý Lăng và Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva) được tiến hành, có sự chứng kiến của đại diện sứ quán Việt Nam tại Mátxcơva - sự kiện này mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, tiến tới làm chủ khoa học công nghệ, trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Thực hiện nội dung hiệp định, bắt đầu năm 1993 hai đồng chí, bác sĩ Đỗ Văn Dai, Viện trưởng và Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Viện phó Viện 69 đã được Bộ Tư lệnh cử sang Trung tâm học tập với thời gian 2 tháng. Những năm tiếp theo cán bộ của Viện tiếp tục thay nhau sang học tập và phối hợp cùng Bạn, nghiên cứu những đề tài khoa học, nội dung của các đề tài nghiên cứu, ta và bạn cùng bàn bạc thống nhất.

Đầu năm 1994, Thường vụ và Bộ Tư lệnh chủ trương tu sửa,chỉnh trang lại công trình T77, để năm 1995 công khai với Bạn cơ sở nghiên cứu của ta, nhằm ký với Bạn mỗi năm cử 2 cán bộ của Trung tâm sang giảng dạy cho cán bộ y tế của Viện 69, như vậy đông đảo cán bộ ta sẽ được tham gia học tập, tiết kiệm chi phí hơn. Cũng năm 1994, ta đề nghị Bạn bỏ chế độ chuyên gia thường trực, việc này sẽ do cán bộ Viện 69 đảm nhiệm. Bạn nhất trí và bắt đầu thực hiện từ quý II năm 1995 – Đầu tháng 9 năm 1995, hai chuyên gia của Trung tâm sang Hà Nội, bắt đầu chương trình giảng dạy cho cán bộ của Viện 69. Viện 69 từ đây đã chính thức công khai với Bạn – Đây là một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa ta và Bạn, là một dấu nhấn trên con đường tự lực, tự cường theo nghị quyết của Đảng bộ.

Thấm thoát đã 46 năm, ngắm nhìn dòng người vào Lăng viếng Bác vẫn trải dài bất tận, lòng chúng ta lại càng vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng đắn giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người, để hôm nay và mai sau, nhân dân ta và bầu bạn quốc tế mãi mãi được vào Lăng chiêm ngưỡng chân dung của Người. Chúng ta vô cùng biết ơn các thế hệ lãnh đạo, các cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trải qua nhiều năm tháng đã vượt qua biết bao khó khăn, chung sức, chung lòng, góp sức cùng chúng ta giữ yên giấc ngủ của Người.

toa-dam-40-nam-2015-4
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các nhà khoa học Nga tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp giữa hai bên trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992-2012)

Chúng ta cũng bày tỏ lòng biết ơn những người bạn Nga, người đồng chí, người bạn trong suốt 46 năm đã giúp đỡ chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những thành quả của những năm tháng trước đây và mãi mãi sau này luôn gắn với tên tuổi của các đồng chí./.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Tấn

Nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh
Bảo vệ Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: