Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, người bạn thân thiết của nhân dân các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Tại phiên họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Pari, từ ngày 20 tháng 10 năm 1987 đến ngày 20 tháng 11 năm 1987, đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó ghi rõ: “…Ghi nhận năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất…”
Theo Nghị quyết UNESCO trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Paris (tháng 10 năm 1987): “Người là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, đó là bản Di chúc đúc kết những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức. Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” và “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng.
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, cả dân tộc Việt Nam sống trong niềm tiếc thương vô hạn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản trung kiên, danh nhân văn hóa kiệt xuất vĩnh biệt chúng ta để đi về cõi vĩnh hằng, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị đã quyết định: “... Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội, trực tiếp là Đoàn 69 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Trải qua 46 năm giữ gìn thi hài Bác, 40 năm quản lý, vận hành khai thác thiết bị kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng, đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Mịnh (Bộ Tư lệnh 969) đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga, vượt qua bao thử thách, lập lên những chiến công thầm lặng, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ gìn, phát triển Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trở thành điểm sáng văn hóa, không gian xanh, sạch, sạch, đẹp, hấp hẫn, là trung tâm văn hóa của cả nước.
Dòng người vào Lăng viếng Bác
Trong không gian linh thiêng ấy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, một không gian thiêng liêng của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của bầu bạn quốc tế. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống biết nhớ ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường đến cán bộ, công chức nhà nước, tuy mỗi người có một vị trí công tác khác nhau nhưng khi về bên Bác đều thấy cảm nhận được sự thanh thản, bình yên. Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Có không ít người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam, ban đầu là do sự hiếu kỳ đã tới Lăng, nhập vào đoàn người dài bất tận để vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ sự hiếu kỳ, họ đã chuyển sang lòng ngưỡng mộ bởi họ đã hiểu ra cái chất, cái tinh hoa, cái đặc biệt của văn hóa phương Đông, của dân tộc Việt mà họ chưa từng thấy ở phương Tây, để rồi họ “giác ngộ” ra, hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về con người Việt Nam. Họ cảm nhận được rằng, mình đã được đến với một người Việt Nam vĩ đại, tiêu biểu, hiện thân, đại diện, kết tinh tinh hoa những gì là cao đẹp, quý giá nhất của dân tộc Việt, không phải là ở một con người mà ở cả một dân tộc – cả dân tộc trong một con người. Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thốt lên: “Hiếm có Lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhân dịp sang dự Hội nghị APEC khi vào viếng Bác, Bà Tổng thống Chilê nói: “Dân tộc Việt Nam vinh dự hơn đất nước chúng tôi vì có Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trên thế giới, Hồ Chí Minh chỉ có một, Việt Nam có nhưng Chilê không có, thế giới không có”.
Bên cạnh đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc – “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Quần thể di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt tại khu Ba Đình gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa rất quan trọng, có tác dụng to lớn trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội của nhân dân ta, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thông qua các sinh hoạt chính trị và tổ chức các hoạt động tại Lăng Bác có tác dụng to lớn trong việc nâng cao ý thức chính trị, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.
Không chỉ như vậy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc mang tầm vóc thời đại, công trình của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay. Sự bề thế, trang nghiêm và vĩnh cửu của Công trình Lăng và vẻ đẹp hoàn mỹ đã thể hiện niềm tôn kính của dân tộc Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đồng thời ghi dấu ấn sâu đậm, tình cảm keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam – Liên Xô và Liên bang Nga ngày nay, với hàng vạn tấn thiết bị đã được Bạn cung cấp, có những thiết bị thuộc hàng đặc biệt quý hiếm, Bạn không sản xuất được, nhưng với tình cảm, trách nhiệm của mình, Bạn đã mua của nước thứ ba bằng mọi giá để đảm bảo kịp tiến độ công trình. Đó chính là thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, tình nghĩa thủy chung son sắt của những người Cộng sản, của hai dân tộc.
Nhận thức sâu sắc vị trí vai trò, ý nghĩa chính trị to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, những năm vừa qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị vươn lên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị với những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về mọi mặt. Cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của đơn vị đã không ngừng chủ động, tích cực học hỏi, nghiên cứu, đổi mới và vươn lên toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã tiến hành nhiều nội dung, biện pháp nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá Công trình Lăng, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ nghi lễ, đón tiếp, tuyên truyền, làm cho nơi đây thực sự trở thành trung tâm văn hóa, chính trị đặc biệt; là điểm nhấn, điểm sáng, nơi hội tụ trái tim và tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế mỗi khi về Hà Nội.
Hằng năm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước và khách quốc tế đến tham quan, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật. Những hoạt động đó thể hiện tinh thần, truyền thống và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng kính trọng, sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhân dân ta và bầu bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu một cách trang trọng, an toàn chu đáo, để lại ấn tượng tốt đẹp trong đồng bào và du khách quốc tế.
Năm 2010, trước tình hình mới, yêu cầu, đòi hỏi nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng cao, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết lãnh đạo số 122/NQ-QU ngày 08 tháng 3 năm 2012 về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩ chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước, quân đội là một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định, cùng với sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước là động lực to lớn góp phần để đơn vị nỗ lực, cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, xây dựng nên truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Trọng tâm là nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ an ninh nghi lễ, đón tiếp tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác; xây dựng cảnh quan, môi trường, không gian văn hóa khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khang trang, sạch, đẹp, là điểm nhấn về văn hóa của Thủ đô, góp phần to lớn phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, như lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh tại Lễ khánh thành Lăng ngày 29-8-1975: "Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người đã vạch ra..., xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Trong giai đoạn mới, việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng cần hướng tới những mục tiêu cụ thể sau:
Một là, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; quyết định giữ gìn lâu dài thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người là đúng đắn, hợp lòng dân; từ đó thể hiện quyết tâm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục, tạo động lực tinh thần nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; kịp thời ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phản biện xã hội, chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ.
Ba là, góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, củng cố niềm tin cho đồng bào, chiến sỹ cả nước và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần “bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; Lăng Bác là Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt, đặt ra yêu cầu rất cao cho công tác bảo đảm an ninh, nghi lễ và đón tiếp, tuyên truyền phải thể hiện ý nghĩa quốc gia, quốc tế, bảo đảm bí mật nhiệm vụ và kiên quyết đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch. Do vậy, việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới phải bảo đảm tốt 5 yêu cầu cụ thể:
Thứ nhất, góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị, văn hoá to lớn của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyệt đối tin tưởng và quyết tâm làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công CNXH trên đất nước Việt Nam. Tuyên truyền về sự vận dụng trung thành, sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin của tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cách mạng Việt Nam, tuyên truyền về sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới
Thứ hai, bảo đảm giữ gìn được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải bảo đảm phù hợp và góp phần tô thắm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; gắn với tuyên truyền, giới thiệu truyền thống văn hoá tốt đẹp, nhân văn, yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, tuyệt đối giữ bí mật nhiệm vụ chính trị đặc biệt; bảo đảm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm an ninh an toàn Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình trong mọi tình huống, điều kiện hoàn cảnh và phục vụ an toàn, chu đáo cho đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực Lăng Bác.
Thứ tư, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Mọi hoạt động ở Lăng Bác phải hướng tới việc phục vụ tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự với đông đảo đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực Lăng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Bác với tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Bác phải bảo đảm tính chân thực, khoa học, tiết kiệm, chống phô trương, hình thức, lãng phí, hoặc thương mại hóa.
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và xây dựng Công trình Lăng của Người, cũng như xuyên tạc về ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống các thế lực thù địch gây rối, bạo loạn, làm mất an ninh an toàn ở khu vực Lăng; xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh, chống các phần tử cơ hội, phá hoại cài cắm móc nối vào nội bộ đơn vị.
Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới bao gồm tổng thể các giải pháp: Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đến việc phối hợp, hiệp đồng, tổ chức thực hiện giữa các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và bảo đảm lực lượng, cơ sở vật chất tương xứng với ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình “Lòng dân, ý Đảng”, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, thể hiện nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành trọn cuộc đời “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác, sẽ đến thăm viếng, chiêm ngưỡng bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của nhân dân ta; là vinh dự và trách nhiệm đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và Quân đội đã tin tưởng giao cho các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 46 năm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm quản lý, vận hành và tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa tại Công trình Lăng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội, đơn vị đã tích cực, chủ động khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở, là nền tảng và là động lực to lớn để đảng bộ và đơn vị tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới./.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh