Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

“Bác Hồ kính yêu đã để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng hết sức vẻ vang, và qua cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của mình, Người còn để lại cho chúng ta một di sản cực kỳ quý báu. Đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam. Người đã nói: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Và chính Người là đỉnh cao của đạo đức và văn minh đó"(1).

lang-bac-y-nghia-1
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại, một huyền thoại ngay từ khi Người còn sống. Con người, sự nghiệp, tư tưởng, trước tác của Hồ Chí Minh có tính chất kỳ vĩ toàn diện(2). Điều này lý giải, từ ngày khánh thành mở cửa Lăng đến nay không chỉ có nhân dân ta và bầu bạn quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn có nhiều lãnh tụ chính trị, chính khách nổi tiếng đã đến nghiêng mình, kính cẩn viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một con người Việt Nam đẹp nhất.

Về ý nghĩa chính trị,văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ ChíMinh, xin trình bày một số vấn đề sau:

Một là, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người là thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu

Mỗi dân tộc đều có những giá trị truyền thống, đạo lý của mình. Giá trị truyền thống, đạo lý là những chuẩn mực, quy tắc ứng xử của một cộng đồng, được lặp đi lặp lại trong một không gian, thời gian nhất định và thấm sâu vào tình cảm, ý thức tư tưởng của con người. Dân tộc Việt Nam ta đã giữ gìn và phát huy, làm giàu có thêm những giá trị truyền thống, đồng thời coi giá trị truyền thống như một sức mạnh vĩ đại, sức mạnh của ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước(3).

Hệ giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam như: Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, ý chí quật cường bất khuất, thương người như thể thương thân, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đức tính cần cù vượt khó, sáng tạo trong lao động, tinh thần lạc quan yêu đời... tạo thành nền tảng tinh thần xã hội.

Dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trên cái nôi của nền văn minh thuộc các lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã. Bên cạnh tín ngưỡng nguyên thủy, tín ngưỡng nông nghiệp thờ thần núi, thần sông, thần đất, thần biển...nhân dân ta còn thờ những nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật anh hùng bảo vệ Tổ quốc, tôn họ thành “phúc thần”. Đó là những “nhân vật kiệt linh, khí thế rừng rực, lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau” như Lý Tế Xuyên đã viết trong bài tựa sách Việt Điện u linh(4). Trải qua các cuộc chiến tranh chống xâm lăng, đất nước vẫn bảo vệ vẹn nguyên cương vực bờ cõi cha ông để lại, giữ vẹn nguyên những giá trị thuộc về cội nguồn của mình. Biết bao đời người dân Việt đã đổ mồ hôi và máu để khai phá, cầy cấy, gìn giữ mảnh đất quê hương, nơi đã an nghỉ bao thế hệ ông cha của họ. Dù qua bao cuộc chinh phạt, họ vẫn gắn bó bền chặt với quê hương yêu quý và thiêng liêng của mình, không chịu để bị xua đuổi, bị đồng hoá.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử bi tráng và huy hoàng ấy, có những người con ưu tú nhất đứng ra gánh vác sứ mệnh lịch sử, cùng dân tộc, dẫn dắt dân tộc vượt qua thác gềnh của lịch sử.

Nước ta là một quốc gia cổ đại có chủ quyền, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện của các bộ lạc anh em, nên tư tưởng và tình cảm của nhân dân luôn luôn yêu quý cái nôi chung, yêu quý dòng giống Tiên Rồng của mình.

Đền thờ Vua Hùng, Thục An Dương Vương, được tôn tạo từ thế kỷ XIV thời Lê và được thờ phụng cho đến ngày nay. Các vị Vua sáng nghiệp, các tướng lĩnh có võ công hiển hách, ông tổ nghề ... được nhân dân thờ phụng. Đặc biệt là các anh hùng dân tộc mà sự nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn qua mọi thời đại, xuất hiện không nhiều, hàng trăm năm, thậm chí năm trăm năm mới hun đúc được một vĩ nhân tầm cỡ như Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông,Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung Nguyễn Huệ…và đến thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong những con người kiệt xuất ấy. C. Mác đã viết trong Hệ tư tưởng Đức: "Sự tồn tại có tính lịch sử thế giới của các cá nhân có nghĩa là sự tồn tại của những cá nhân trực tiếp gắn liền với lịch sử toàn thế giới"(5).

Truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" xuất phát từ bản tính trọng ân nghĩa, luôn biết trọng điều phải, lẽ phải, trọng ân tình sau trước của dân tộc Việt, mang ơn ai dù nhỏ cũng không bao giờ quên, làm ơn ai dù lớn bao nhiêu cũng không cần nhớ.

Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Mình là đạo lý, là tình cảm thiết tha của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác, một con người vĩ đại đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc. Trọn cuộc đời Bác mưu cầu độc lập tự do, ấm no và hạnh phúc cho mọi người, còn bản thân mình sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh quá đời. Người mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết, nhất là đồng bào chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm tranh đấu giành độc lập, tự do để mong sớm đón Bác vào thăm.

Thấu hiểu sâu sắc và thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người"(6).

Quyết định đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước được Bộ Chính trị giao cho Quân đội thực hiện.

Trong 6 năm (1969-1975) cán bộ, bác sĩ của Đoàn 69 đã phối hợp chạt chẽ với các nhà khoa học y tế Liên Xô, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn của chiến tranh ác liệt để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thi hài Bác.

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng ngày 2/9/1973 giữa Ba Đình lịch sử - Nơi Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

lang-bac-y-nghia-2
Xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, Bác yên nghỉ trong ngôi nhà vĩnh cửu của Người giữa Ba Đình lịch sử. Từ đó, ngày nối ngày, nhân dân trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Người - vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không muốn một sự tôn thờ, sùng bái cá nhân nào. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người còn căn dặn: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân"(7). Nhưng trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ là người Anh hùng giải phóng dân tộc, một "Thánh nhân" của đất nước. Sau khi Bác qua đời, trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt, nhân dân Cà Mau, Trà Vinh đã lập đền thờ Người và quyết tâm chống trả mọi sự phá hoại của Mỹ, Ngụy. Đồng bào ta từ Bắc chí Nam, đã tự nguyện lập bàn thờ Bác ngay trong gia đình. Tất cả những việc làm đó, đều xuất phát từ tình cảm biết ơn, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là công trình của "lòng Dân, ý Đảng". Suốt thời gian xây dựng Lăng là ngày hội của đất nước. Nhân dân khắp mọi miền từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi đều mong muốn được đóng góp một việc làm có ý nghĩa cho công trình xây dựng Lăng Bác. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam mặc dù trong chiến tranh ác liệt vẫn gửi những tấm gỗ quý từ Nam Bộ, Tây Nguyên ra Hà Nội để xây dựng Lăng Bác. Sau hai năm khẩn trương thi công, với khí thế thi đua "Chia lửa với miền Nam Anh hùng", Lăng Bác đã được khánh thành, đón Bác về cùng vui chung với con cháu trong Lễ mừng chiến thắng - Quốc khánh 2/9/1975 giữa Ba Đình lịch sử.

Gần 40 năm đã qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu.

Như vậy, việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người, vừa đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của nhân dân ta đối với Bác; đồng thời phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Lăng Bác cũng như Đền Hùng và đền thờ các Anh hùng dân tộc là nơi thiêng liêng thành kính nhất, nơi đời đời con cháu hướng về cội nguồn.

Hai là, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Mình, và xây dựng Công trình Lăng của Người là sự khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đì theo con đường cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Trong diễn văn đọc tại Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 8 năm 1975, đồng chí Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ:

"Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và XHCN góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới"(8).

Có thể thấy rằng quyết định đúng đắn và sáng suốt của Bộ Chính trị đối với việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác, xây dựng Công trình Lăng của Người không những là quyết định hợp lòng dân mà còn là thể hiện một tư tưởng chính trị: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người. Đây là tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất, xuyên xuốt nhất, làm nổi bật ý nghĩa chính trị tư tưởng của một công trình đặc biệt, và là tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn công khai, không cần úp mở, bằng mọi cách xoá bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Hiện nay thủ đoạn mà chúng sử dụng bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao, trong đó lĩnh vực tư tưởng - văn hoá là lĩnh vực chúng tấn công ráo riết và thâm độc nhất.

Những người cộng sản còn nhớ, để phá bỏ hệ thống XHCN mà Liên Xô là thành trì, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã áp dụng một "kịch bản" đánh thẳng vào lịch sử quá khứ, hạ bệ thần tượng. Chúng đòi đưa thi hài Lênin ra khỏi Lăng, dùng xe cẩu kéo đổ những bức tượng nặng hàng trăm tấn, sử dụng những luận điệu trắng trợn, bỉ ổi để làm lẫn lộn thật giả; vì kẻ địch biết rằng chúng chỉ thay đổi được một chế độ khi thay đổi được nền tảng- tư tưởng chính trị của chế độ xã hội đó.

Trong thời gian qua đã xuất hiện những luận điều sai trái chống phá chủ trương của Đảng về xây dựng Công trình Lăng Bác. Điều không bình thường là một số người trong các tầng lớp dân cư, trong giới trí thức cũng có nhận thức lệch lạc về chủ trương xây dựng Lăng Bác. Họ cho rằng Đảng ta đã không thực hiện như Di chúc của Bác.

Về vấn đề này Bộ Chính trị đã có thông báo: “Thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”(9).

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng trầm trọng.Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch, phản động trên thế giới, điên cuồng chống phá cách mạng và các nước XHCN. Việt Nam là một trọng điểm chống phá của kẻ thù. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, nơi rất nhạy cảm về chính trị, trở thành một mục tiêu quan trọng kẻ địch chống phá cả về chính trị tư tưởng và văn hoá.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chúng ta đã nỗ lực vượt qua những khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Lăng Bác vẫn đón tiếp mỗi ngày hàng ngàn lượt người, vào dịp 19/5 và 2/9, hàng vạn nhân dân trong nước và khách quốc tế vào Lăng viếng Người. Các hoạt động sinh hoạt chính trị diễn ra sôi nổi trước Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. Điều đó có ý nghĩa lớn lao, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Ba là, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, và xây dựng Công trình Lăng của Người nhằm tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức tác phong của Người; góp phần tuyên truyền, giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Công tác giáo dục tuyên truyền là chức năng chủ yếu của các công trình tưởng niệm, di tích lịch sử. Xuất phát từ ý nghĩa chính trị tư tưởng của Công trình Lăng Chủ tịch H Chí Minh, Lăng Bác thực sự là nơi giáo dục hiệu quả nhất tư tưởng độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc - “Không có gì quý hơn độc lập tự do ”.

Lăng Bác còn là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi nhân dân cả nước biểu dương lực lượng, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Từ khi khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, đã hình thành một nghi thức trọng thể tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp nhà nước. Đây là dịp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thay mặt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện suốt đời học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Bác đã dày công vun xới, đưa sự nghiệp cách mạng đến đích cuối cùng.

Đối với mỗi người dân Việt Nam về Lăng viếng Bác như một nhu cầu tinh thần, một phong tục tập quán mới. Đến viếng Bác, thăm nơi Bác sống và làm việc, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh... Mọi người đều có cảm xúc và ước muốn mình sống tốt hơn, vươn tới cái đẹp mà cuộc đời của Bác thực sự là tấm gương, khuôn mẫu, chuẩn mực.

Bốn là, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình lịch sử, văn hóa đặc biệt của đất nước; một tổng thể kiến trúc xây dựng mang tính biểu tượng rất cao, kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc hiện đại và dân tộc, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kỷ niệm độc đáo được xây dựng bằng các vật liệu quý nhất, với chất lượng tốt nhất.Tính chất đặc biệt của kiến trúc Lăng Bác không gây cảm giác lăng mộ. Việc kết hợp với lễ đài đã khiến Lăng trở thành một đài cách mạng ở giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi tổ chức những ngày hội lớn của đất nước và là biểu tượng đẹp đẽ nhất: Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Về hình khối kiến trúc được thiết kế đơn giản và rõ ràng.Công trình chia làm 3 khối. Ở giữa là Lăng chính với lễ đài của các lãnh tụ. Hai bên là khán đài của 2.000 đại biểu.

Nhìn tổng thể Lăng gồm một bệ tam cấp lớn giảm dần theo chiều cao. Trên bệ, bên ngoài bao quanh 4 mặt phòng thi hài – khu trung tâm của công trình là hàng cột đỡ mái, tạo ra một khoảng trống làm cho Công trình Lăng nhẹ nhàng vươn lên, mang màu sắc dân tộc.

Khối ngoài phòng thi hài lại được tách biệt về màu sắc để nhấn mạnh chủ đề trung tâm của công trình.

Trong quá trình nghiên cứu, thiết kế,các tỉ lệ được phân tích,chọn lọc nhằm đạt được sự hài hoà và trang nghiêm đến mức cao nhất. Tỉ lệ vàng là tỉ lệ cân đối nhất, với đặc điểm độc đáo là tương quan giữa thành phần nhỏ đối với thành phần lớn cũng bằng tương quan giữa thành phần lớn đối với thành phần tổng cộng, lớn và nhỏ - tức toàn thể và tất cả chỉ có một giá trị tương quan duy nhất: 0,6180389 hay 61,8%.(Người ta đã phát hiện các di bút về tỉ lệ vàng xuất hiện khá sớm trong các Kim tự tháp ở Memphis – Ai Cập cách đây 300 năm, trong tháp Eiffel; hay trong “thước tầm” của Việt Nam đều rơi vào quy luật của tỉ lệ vàng. Tỉ lệ vàng đã tồn tại như một quy luật tự nhiên gắn liền với tâm lý thị giác, thẩm mĩ tự nhiên của con người, con người đã phát hiện giá trị cụ thể của nó bằng toán học, hình học và cho đến ngày nay tỉ lệ vàng được coi là cây đũa thần của người kiến trúc).

Tỉ lệ giữa các cấp của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo nguyên tắc cổ điển (tỷ lệ vàng) và hệ số tương đối 1:1,51.

Khối Lăng chính:

Phần dưới mang dạng một tam cấp, nét điển hình của kiến trúc cổ Việt Nam mà ta đã thấy ở cột cờ Thăng Long. Phần trên là bóng dáng của ngôi nhà có hiên và hàng cột bao quanh. Mái Lăng cũng có dạng tam cấp, lại được cắt vát để cách điệu hoá mái cong truyền thống mà những ngôi đình làng của Việt Nam thường có.

Nhìn chung dáng dấp kiến trúc của Lăng giản dị nhưng đậm đà, phong phú vừa thể hiện được tính cách mới, hiện đại là “ngang bằng, sổ thẳng, khoẻ khoắn”; vừa kết hợp khá nhuần nhuyễn với những nét dân tộc độc đáo đã cách điệu hoá.

Ngắm nhìn kiến trúc Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta cũng bắt gặp những nét đẹp của kiến trúc cổ đại với những hình khối, hàng cột của đền thờ Áctemix ở Êpheđơ, Lăng Môđôniơ ở Halicácnatx (những kì quan của thế giới). Đền Parthenon (Hy Lạp) là ngôi đền nổi tiếng trong số những di tích còn lại của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được xem như một trong những di sản kiến trúc bậc nhất của thế giới. Đặc điểm nổi bật của đền là dựa trên cấu tạo của cột Doric, loại cột không có đế mà đặt trực tiếp lên nền phẳng; thân cột có đường rãnh.

Từ những dẫn chứng và sự so sánh trên đây, có thể nhận thấy rằng, các nhà kiến trúc khi thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, kế thừa có chọn lọc những đường nét kiến trúc đặc sắc nhất của cả phương Đông và phương Tây, để đưa ra được một phương án vừa hiện đại, vừa dân tộc, độc đáo.

Bố cục chung:

Bố trí Lăng chính cao vút giữa Quảng trường rộng lớn, nằm trong quần thể các di tích lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long (nay đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới), Phủ Chủ tịch, Hội trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chùa Một Cột… nơi găp nhau của những đường lớn: Hùng Vương, Bắc Sơn, Điện Biên Phủ và ở giữa trung tâm chính trị, văn hoá của nước.

Khoảng cách giữa lễ đài và đường Hùng Vương không lớn, lại hài hoà với độ chênh cao khiến cho bộ đội duyệt binh và nhân dân diễu hành có cảm giác rất gần gũi với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gần gũi với nơi Bác đang yên nghỉ.

Lăng quay về hướng mặt trời mọc khiến cho buổi sớm toà Lăng được mặt trời chiếu sáng rực rỡ, buổi chiều Lăng nổi bật trên nền sáng vàng trời phía tây.

Bố cục bên trong:

Đường vào từ cửa chính đến chỗ Bác yên nghỉ được tính toán kĩ, bảo đảm cho người vào quen dần với độ sáng, độ ẩm và độ mát cần thiết của phòng Bác. Sàn từ sảnh qua cầu thang dẫn đến phòng Bác lát bằng các phiến đá hoa cương màu tím đỏ ấm cúng.

Tường đối diện với sảnh chính được lát bằng các phiến đá hoa cương tấm lớn màu đỏ có gắn dòng chữ mạ vàng “Không có gì hơn độc lập tự do”. Tường bao quanh sảnh, hai bên hành lang và cầu thang ốp bằng đá cẩm thạch màu trắng vẩn đỏ, màu ghi vân đen mát dịu, không gây cảm giác lạnh lẽo.

Hai hàng cột dọc cầu thang ốp bằng đá cẩm thạch màu đen tương phản giữa màu ghi và trắng, nghệ thuật phối hợp màu sắc này gây cảm giác chuyển động ánh sáng. Không gian hai cầu thang nối tiền sảnh với phòng Bác được mở rộng bởi những hành lang ở tầng hai đã tạo ra một cảm giác phong quang, rộng rãi, đồng thời tăng thêm vẻ trang nghiêm của đường vào viếng và ra về.

Phòng Bác nằm cao 10 mét, kích thước mặt bằng 10m x 10m. Tường xung quanh ốp đá cẩm thạch màu ngà trắng theo chiều dọc để tạo bóng dáng vách gỗ nhà sàn nơi Bác đã ở và làm việc. Quanh phòng thi hài có đường riềm trang trí kết thúc phần trên của tường được cách điệu hoa sen đang nở.

Thi hài của Bác được đặt trên bệ đá hoa cương màu đen ánh; Bác nằm chính giữa phòng ở một độ cao thích hợp. Trong chiếc quan tài pha lê trong suốt Bác đang nằm yên nghỉ; ánh sáng mờ dịu, yên tĩnh và trang nghiêm. Lối đi được bố trí xung quanh 3 phía. Ta được thấy Bác gần gũi rõ ràng: Bên phải, rồi chính diện, rồi bên trái. Giải pháp mặt bằng như thế cho phép nhiều người được chiêm ngưỡng Bác cùng một lúc, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của mọi người là được nhìn Bác gần gũi, rõ ràng; đồng thời tạo cảm xúc và niềm tiếc thương vô hạn đối với Bác; lãnh tụ vĩ đại của dân tộc sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Hai trăm bộ cửa và tất cả các đồ gỗ trong Lăng đều làm bằng các loại gỗ quý do đồng bào và chiến sĩ từ miền Nam gửi ra. Sau khi xẻ, bỏ hết giác lấy lõi, gỗ được sấy bằng các lò hiện đại đến độ khô cần thiết. Việc gia công làm rất cẩn thận rồi đánh bóng theo cách cổ truyền; những cửa tiếp xúc với nắng còn được quét nhựa chống nứt. Các cửa đặc biệt như cửa ra lễ đài, được ốp đá, khi đóng lại trông như tường đá liền.

Các trang trí kim loại trong Lăng gồm nhiều loại trần nhôm, lan can mạ kền, chùi chân, lưới gió, cửa trang trí, rào chắn, tay vịn bằng đồng đúc toàn khối, hình thức trang trí theo các hoạ tiết dân tộc. Nhiều bộ phận có khối lượng lớn lại đòi hỏi kĩ thuật đúc, gia công, đánh bóng, mạ kền rất cao. 

 

Trang trí:

Trang trí của màu sắc, ánh sáng cũng kết hợp chặt chẽ, hài hoà với kiến trúc và bố cục nhằm gây cảm xúc mạnh mẽ với người vào viếng: Thương nhớ, kính yêu sâu sắc mà không âm u, đau buồn.

lang-bac-y-nghia-3

Toàn bộ mặt ngoài của Lăng được ốp bằng đá hoa cương, một loại đá cứng vào loại thứ 3 sau kim cương, huyền vũ, chịu được phong hoá, gió mưa. Những tấm đá màu xám đậm có kích thước lớn, xếp rất quy cách gây ấn tượng Lăng xây bằng đá và tôn thêm vẻ trang nghiêm thành kính. Cửa chính Lăng, tuy đã rộng, nhưng để tương xứng với cả khối Lăng, cũng được dật cấp mở rộng thêm, lại viền ốp bằng đá đen bóng, tạo ra một bề dày, tăng thêm vẻ hùng vĩ tôn nghiêm.

Bên trong, ở phần liên quan với dòng người đi viếng, hai phòng khách và lối ra lễ đài… các nền và bậc cầu thang cũng được lát bằng đá hoa cương. Còn lại tất cả các tường và cột đều được đá cẩm thạch, một loại đá mềm hơn và mịn đẹp hơn. Riêng bức tường chính tiền sảnh với dòng chữ “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” và chữ ký quen thuộc của Bác, thì được mạ vàng Bồng Miêu rực rỡ trên nền tường đá hoa cương đỏ hồng tươi.

Trang trí và ánh sáng nội thất Lăng khiến cảm xúc người vào viếng được nâng dần, thu gọn và tập trung vào đỉnh cao nhất là phòng Bác. Chủ đề tư tưởng ở đây là: Đảng, Tổ quốc và Hồ Chủ tịch. Bác nằm thanh thản đầu hướng về phía hai lá cờ rất lớn: Cờ Đảng và cờ Tổ quốc, được ghép bằng 4.000 miếng đá hồng bảo ngọc Bá Thước, Thanh Hoá đỏ tươi, với búa liềm và sao vàng 5 cánh được ghép bằng đá cẩm vân vàng sáng. Để “may” cờ trong Lăng Bác, những người thợ xây dựng đã xẻ những khối đá lớn thành các tấm mỏng. Nhưng dù cố gắng, kích cỡ các tấm cũng không đồng đều, phải tiếp tục chọn lựa những viên gần giống nhau để mài bóng và tạo độ phẳng. Khi ghép chúng lại thành tấm lớn màu sắc vẫn không đều, lại phải tiếp tục xẻ thêm lần nữa để chọn những viên tuy rất nhỏ nhưng màu sắc đều nhau ghép thành tấm lớn. Công việc ghép đá cẩn thận đến độ khi cờ may xong, không chỉ bóng đẹp mà thậm chỉ, trên 2 lá cờ, mỗi lá rộng tới 16m2 nhưng không hề phát hiện ra muôn vàn vết ghép. Việc tìm đá để làm Sao Vàng cho cờ Tổ quốc và hình búa liềm cho cờ Đảng cũng được tiến hành cẩn thận như vậy. Đặc biệt là theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng phải chọn lấy một viên đá màu đỏ do đồng bào miền Nam gửi ra ghép lên cờ Tổ quốc và cờ Đảng. Một viên đá màu vàng được ghép vào giữa ngôi sao vàng trên cờ Tổ quốc và một viên khác ghép vào điểm giao nhau giữa Búa và Liềm trên cờ Đảng. Việc làm có ý nghĩa tượng trưng này nói lên sự trân trọng, tôn kính vô hạn của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ánh sáng và màu sắc trong phòng Bác thật hài hoà. Ở đây đã tránh dùng màu trắng, đen lạnh lẽo mà tường ốp đá cẩm thạch trắng hồng với những hàng cột ghép bằng sa thạch nâu sẫm vừa gây ấn tượng rộng rãi, vừa tạo ra cảm giác ấm áp. Bác đang yên nghỉ, khiến người vào viếng Bác cũng bước nhẹ nhàng. Không khí ở đây trong lành, yên tĩnh và thiêng liêng.                                                                 

Hình khối, hai lễ đài bên được thiết kế đơn giản làm cho công trình Lăng tăng thêm vẻ bề thế.

Quảng trường Ba Đình là một địa danh thiêng liêng, in đậm dấu ấn lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, nơi đây ngày 2-9-1945 Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Quảng trường đã được xây dựng lại to đẹp hơn, hiện đại và trang nghiêm. Cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình không những là nơi nhân dân cả nước biểu dương lực lượng, biểu hiện ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam; mà còn là nơi để nhân dân ta và những thế hệ mai sau cùng bạn bè quốc tế đến thăm viếng Hồ Chủ tịch và tham quan những di tích lịch sử - văn hoá của đất nước.

Tóm lại, Lăng Bác là một công trình kiến trúc giản dị nhưng đậm đà,phong phú; vừa hiện đại vừa kết hợp nhuần nhuyễn với những nét dân tộc độc đáo đã cách điệu hóa. Đây chính là giá trị đặc sắc của kiến trúc Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của một vĩ nhân, một danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Xuất phát từ ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Xin đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục phát huy ý nghĩ chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn hiện nay.

Một là,tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghi lễ, nghi thức đảm bảo trang nghiêm, mẫu mực,chu đáo và tuyệt đối an toàn là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng.Bởi vì, nhiệm vụ giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác chính là để phục vụ cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng. Mỗi chủ trương, biện pháp của lãnh đạo, chỉ huy và hành động của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong đơn vị đều xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân. Từng công việc hiệp đồng hàng ngày phải đảm bảo cho nhân dân được phục vụ tận tình, chu đáo như Bác lúc sinh thời đã đón tiếp các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế đến thăm Người.Công tác đảng,công tác chính trị cần tập trung giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên,chiến sĩ,nhất là cán bộ trẻ, chiến sĩ mới, về niềm vinh dự, tự hào,trách nhiệm chính trị; giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại công trình Lăng hòng làm mất trật tự an toàn xã hội, gây tiếng vang ảnh hưởng an ninh,ổn định chính trị của đất nước.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, văn hóa với nội dung và hình thức phong phú.Duy trì các hình thức Lễ Báo công dâng Bác, Lễ Kết nạp Đảng, Lễ Thắp lửa truyền thống, Lễ Trao bằng tốt nghiệp,… đồng thời phối hợp tuyên truyền,  giới thiệu những hoạt động đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng,trực tiếp giới thiệu với các đoàn khách có tổ chức tập thể khi đến viếng Bác, tham quan Lăng. 

Ba là, chú trọng việc đấu tranh phản bác lại luận điệu sai trái, thâm độc của các thế lực phản động thù địch. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh mạng, kịp thời đấu tranh,dập tắt những luận điệu thù địch lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến việc bôi nhọ,nói xấu lãnh tụ và các luận điệu xuyên tạc ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.

Bốn là, tổ chức và phối hợp tổ chức xuất bản các ấn phẩm văn hóa có giá trị,chất lượng cao về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động giao lưu,văn hóa tại Lăng Bác.Phối hợp tổ chức sáng tác văn học,nghệ thuật về đề tài Lăng Bác.

Năm là, xây dựng Phòng Trưng bày về quá trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động tại Lăng.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi hội tụ của những tấm lòng kính yêu, ngưỡng mộ Người,ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Đồng bào, chiến sĩ ta đến viếng Bác để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, nguyện đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Bạn bè khắp năm châu đến viếng Người, được chiêm ngưỡng người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn thân thiết của các dân tôc bị áp bức đấu tranh vì tiến bộ, hòa bình, công lý.

Lăng Bác trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam./.

(1) Đỗ Mười. Giương cao ngọn cờ Hồ Chí Minh. Sđd, Nxb CTQG, Hà Nội - 2000, tr 159

(2) GS, Viện sĩ Hoàng Trinh. Một số vấn đề PPL và PPNC về Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, HN 1997, tr.6

(3) GS Trần Văn Giầu. Giá trị tinh thẩn truyền thống của đân tộc Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội 1980, tr. 50

(4) Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX-07. Tìm hiểu hoạt dộng truyền thống yêu nước bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Nxb QĐND, Hà Nội-1994, tr. 131

(5) C. Mác - F Ãnghen toàn tập, tập 3, Nxb Sự Thật. Hà Nội tr.60

(6) Nghị quyết BCH TW Đảng Lao đong Việt Nam ngày 29/11/1969.

(7) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội - 1989 trang 50.

(8) Diễn văn khai mạc của đ/c Trường Chinh tại lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hổ Chí Minh ngày 29/8/1975.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương, số 151-TB/TW.Hà Nội, ngày 19-8-1989. Thông báo của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản VN về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Trần Vũ Trang

Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: