Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Người đã đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Người vẫn mãi là những di sản quý báu cho Đảng ta, cho dân tộc ta.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Quyết định của Bộ Chính trị vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc từ lâu đời đã có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc.
Việc thiết kế và chuẩn bị thi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành khẩn trương ngay từ đầu năm 1970. Đến ngày 02/9/1973, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày 29/8/1975, Lễ Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình và mở cửa đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác. Ngày 29/8/1975 - Ngày tổ chức lễ viếng Bác đầu tiên đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 40 năm kể từ khi khánh thành đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, là nơi hội tụ của ý chí sức mạnh niềm tin của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Là nơi đón tiếp đồng bào trong cả nước và khách quốc tế đến viếng Bác, sinh hoạt chính trị và tham quan nơi yên nghỉ của Người.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành, địa phương trong cả nước đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện xây dựng hệ thống pháp lý để Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Ban Quản lý Lăng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
Ngày 25/02/2000 Thủ tướng Chính Phủ ra Quyết định số 28/2000/QĐ-TTG về việc thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và ngày 01/4/2008 Chính phủ ra Nghị định số 37/2008/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó Văn phòng Ban Quản lý Lăng được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Ngày 19/4/2010, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Đề án: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, ngày 22/12/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2341/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án "Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới".
Ngày 08/3/2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 122-NQ/QU về “Lãnh đạothực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.
Đây là những dấu mốc quan trọng nhằm khẳng định tầm quan trọng chính trị về nhiệm vụ mà đơn vị được giao, đồng thời là cơ sở triển khai các nội dung công việc cụ thể, các nội dung phối hợp hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Ban Quản lý Lăng đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, trọng tâm là phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc bảo đảm các nguồn kinh phí thường xuyên và đột xuất phục vụ các hoạt động tại Lăng, xây dựng và tôn tạo các công trình kiến trúc liên quan trong quần thể di tích tại khu vực. Bằng nguồn kinh phí được cấp, đơn vị đã từng bước cải tiến, đổi mới và nâng cấp hệ thống chiếu sáng và nghe nhìn bằng việc trang bị màn hình điện tử lớn chiếu phim tư liệu, hình ảnh và các ca khúc cách mạng tại các vị trí dễ quan sát, tạo ấn tượng và điểm nhấn khi đến tham quan khu vực Lăng, đồng thời là điều kiện để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng đến lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật bằng các đèn màu, hệ thống tưới phun tại khu vực Quảng trường Ba Đình cũng là một trong những yếu tố mang lại vẻ hấp dẫn riêng thu hút đông đảo người dân tham quan trên Quảng trường Ba Đình, góp phần không nhỏ trong việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn trực tiếp kiểm tra các hạng mục tu bổ năm 2014
Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị đã chủ động phối hợp với các tổ chức, địa phương trong cả nước trong việc huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ tôn tạo cảnh quan khu vực. Trọng tâm là phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mở rộng tuyến phố đi bộ khu vực Lăng; phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai hệ thống mái che đường viếng phục vụ nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống camera quan sát đêm nhằm tăng cường bảo đảm anh ninh quanh khu vực; phối hợp với các địa phương xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9. Đây là những công trình trọng tâm trong việc tôn tạo cảnh quan nhằm thu hút đông đảo nhân dân, bạn bè quốc tế hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiêm ngưỡng và học tập theo tấm gương đạo đức của Người, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để thể hiện truyền thống "Uống nước, nhớ nguồn" của dân tộc, hàng năm đơn vị đã tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, đặc biệt là Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tổ chức đón tiếp các đoàn người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác. Từ năm 2010 đến nay, đã tổ chức 580 buổi sinh hoạt chính trị, phối hợp đón 43.300 lượt người có công trong cả nước về tham quan Thủ đô và vào Lăng viếng Bác.
Đón tiếp chu đáo Người có công các tỉnh, thành vào Lăng viếng Bác
Những năm gần đây, số lượng các đoàn nguyên thủ quốc gia sang thăm và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, vì vậy đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Lễ tân - Bộ Ngoại giao, các cơ quan đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng chương trình đón tiếp trọng thị và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Mặt khác, số lượng khách tham quan về Lăng viếng Bác vào những ngày lễ, dịp kỷ niệm ngày càng tăng. Đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác (19/5) và Quốc khánh 2/9 mỗi ngày có tới hàng vạn người vào Lăng viếng Bác. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức tốt sinh hoạt chính trị, báo công với Bác và tổ chức biểu dương khen ngợi những điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một dấu ấn quan trọng khác là ngày 09 tháng 5 năm 2007, Ban Quản lý Lăng đã ra Quyết định số 201/QĐ-BQLL về việc thành lập Trang tin Điện tử trên mạng Internet. Ngày 18 tháng 5 năm 2007, Trang tin Điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động, đúng vào dịp kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua 8 năm hoạt động, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng đã tích cực phát huy vai trò cầu nối đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của đồng bào và khách quốc tế về lịch sử hình thành, cảnh quan, các hoạt động chính trị - văn hóa diễn ra tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9 góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa lịch sử quan trọng của quần thể các công trình trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Đã tích cực tăng cường lượng bài viết, tác phẩm sưu tầm về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, đồng thời tạo kênh thông tin giúp đồng bào và khách quốc tế tìm hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa đặc biệt của Công trình Lăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc không ngừng phát huy ý nghĩa chính trị - văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới còn một số hạn chế: Việc phối hợp tổ chức cho các đoàn chính sách, người có công ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc còn chưa nhiều, chủ yếu là ở các tỉnh, thành phía Nam. Hoạt động giới thiệu, quảng bá để đồng bào trong nước, khách quốc tế hiểu thêm về Lăng Bác và công trình kiến trúc liên quan quanh khu vực đã được chú trọng tuy nhiên chưa thực sự sâu rộng để thu hút nguồn kinh phí phục vụ tôn tạo cảnh quan khu vực, giảm chi ngân sách nhà nước.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị đó, thời gian tới, với chức năng là cơ quan tham mưu cho Đảng uỷ, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, xin được đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác phối hợp nhằm không ngừng phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và công trình Lăng của người. Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trong việc đề ra các chủ trưởng, giải pháp làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như ý nghĩa chính trị đặc biệt của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Tích cực phối hợp và đề xuất các phương án phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhằm thực hiện tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền, bảo đảm an ninh quanh khu vực.
Hai là,không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp tuyên truyền, nhất là các sinh hoạt chính trị, văn hoá ở khu vực Lăng và Khu Di tích K9, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả, phục vụ chu đáo nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật làm cơ sở để tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập thể và cá nhân tham gia đóng góp hỗ trợ kinh phí tôn tạo cảnh quan, môi trường xung quanh Lăng. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác đón tiếp các đoàn chính sách, người có công, đặc biệt là các đoàn ở các tỉnh, thành phía Bắc, khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, để Lăng Bác thực sự là nơi hội tụ của muôn triệu trái tim con người Việt Nam, càng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một điểm sáng, một điểm hấp dẫn để nhân dân trong nước và khách quốc tế khi đến Hà Nội, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để các bộ, ngành, địa phương tích cực đóng góp kinh phí xã hội hóa nhằm thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hạng mục kỹ thuật tại Công trình Lăng, đặc biệt là việc mở rộng tuyến phố đi bộ, tôn tạo hè đường của tuyến phố đi bộ, dự án mái che đường dẫn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bốn là, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trang tin điện tử, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về các hoạt động chính trị, văn hóa diễn ra tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 góp phần nâng cao tính phong phú, hấp dẫn và hiệu quả trong công tác tuyên truyền.
Năm là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, trình độ ngoại ngữ... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, đặc biệt là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, công nhân viên, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới, bước vào giai đoạn mới của cách mạng, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Cơ quan Văn phòng tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân đã tin tưởng giao phó - Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Lăng Bác mãi mãi là nơi tôn nghiêm nhất, là không gian thiêng liêng của toàn dân tộc, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, chí anh hùng và các phẩm chất tốt đẹp nhất của các thế hệ người Việt Nam./.
Đại tá Phạm Văn Thiện
Chánh Văn phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh