Trong không khí thi đua sôi nổi của đợt thi đua “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và ra quân tu bổ định kỳ năm 2015; triển khai thực hiện Kế hoạch CTĐ, CTCT và Kế hoạch công tác Công đoàn năm 2015, ngày 10/10/2015 Công đoàn cơ sở Đoàn 195 đã tổ chức cho 50 cán bộ, công đoàn viên đi tham quan học tập tại Khu Di tích K9 và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

cong-doan-195-1
Công đoàn cơ sở Đoàn 195 chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo lịch trình, 06h00, Đoàn xuất phát tại Hà Nội. Sau gần 02 giờ hành quân, Đoàn đã có mặt tại Khu Di tích K9. Phấn khởi và cảm động khi đứng trước Nhà tưởng niệm Bác được xây dựng trên mảnh đất K9 lịch sử, linh thiêng đã gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người và quá trình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đất nước còn chiến tranh với bao khó khăn, vất vả. Thay mặt Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn, đồng chí Đại tá Phạm Văn Hiếu, Chính ủy Đoàn 195 đã thắp hương tưởng niệm tỏ lòng thành kính và báo công với Bác, hứa trước anh linh Người: Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 195 nguyện bước tiếp con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, cùng đoàn kết, ra sức phấn đấu thi đua hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; cụ thể trong giai đoạn hiện nay là hoàn thành xuất sắc Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về: “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”.

Đúng 09h00, Đoàn tiếp tục hành quân từ Khu Di tích K9 lên tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Có thể nhận thấy niềm vui xen lẫn sự hồi hộp mong chờ của các đồng chí công đoàn viên lần đầu tiên được lên tham quan một công trình tiêu biểu của cả nước, cũng là một trong những công trình thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô.

cong-doan-195-2
Trao tặng Bức tranh lưu niệm cho Công ty Thủy điện Hòa Bình

Tại Hội trường ấm cúng và trang trọng, cán bộ, công đoàn viên Đoàn 195 được đại diện lãnh đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình, đại diện các Phòng, Ban và lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Phụ nữ đón tiếp trọng thị, mến khách. Đồng chí Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Minh thay mặt cho Lãnh đạo Công ty giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển cũng như cơ cấu tổ chức hiện nay.

Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền Bắc Việt Nam. Trước khi Nhà máy Thủy điện Sơn La khánh thành, đây là Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, sau 15 năm xây dựng công trình, trong đó có 9 năm vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công các tổ máy, Nhà máy Thủy điện Hoà Bình đã được khánh thành vào ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 245.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh). Công trình Thủy điện Hòa bình là công trình ghi dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên của dân tộc Việt Nam, quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên…”

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi Sông Đà là một trong ba phụ lưu chính của hệ thống sông Hồng chiếm 55% tổng lượng nước. Công trình Thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ lụt cho vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Năm 1994, cùng với việc khánh thành nhà máy và tiến hành xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam từ Hòa Bình tới trạm Phú Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) hình thành một mạng lưới điện quốc gia. Công trình này góp phần đắc lực trong việc cung cấp nguồn điện cho miền Nam và miền Trung Việt Nam. Đập thủy điện Hòa Bình là đập quan trọng, góp phần vào việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu trong đó có Đồng bằng sông Hồng, nhất là trong mùa khô. Điều tiết mực nước sông đồng thời đẩy nước mặn ra xa các cửa sông. Thủy điện Hòa Bình cũng góp phần cải thiên việc đi lại bằng đường thủy ở cả thượng lưu và hạ lưu. Năm 2004 công trình tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được vận chuyển chủ yếu bằng con đường này. Công ty Thủy điện hòa Bình là một đầu mối trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có số lao động lúc đầu là khoảng 1000 người nhưng hiện tại đã tinh gọn xuống còn hơn 600 người vận hành theo chế độ trực ca giống như trực ca của Đoàn 195 trong Công trình Lăng. Một điểm tương đồng khác nữa, Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới vào năm 1998.

Trong không khí xúc động, đồng chí Đại tá Phạm Văn Hiếu, Chính ủy Đoàn 195 đã phát biểu cảm ơn chân thành trước sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của Công ty Thủy điện Hòa Bình đã dành cho Đoàn, khẳng định đây là cơ hội tốt để các đồng chí Công đoàn viên Đoàn 195 được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quý về quản lý và vận hành hệ thống Điện, đồng thời cũng mong muốn hai đơn vị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giao lưu để mối quan hệ ngày càng gắn bó, thân thiết.

cong-doan-195-3
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Sau buổi giao lưu gặp mặt, Đoàn được các đồng chí hướng dẫn viên đưa lên dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tượng đài Người sau đó đi tham quan toàn bộ công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tận mắt chứng kiến, mới thấy được tầm vóc, quy mô của công trình cũng như công lao to lớn trong đó có cả sự hy sinh mất mát. Tại nơi đây đã có một công trình bia tưởng niệm những người đã hy sinh vì tương lai tươi sáng của đất nước Việt Nam. Đoàn được vào Công trình ngầm tham quan các Tổ máy, thăm Nhà Truyền thống của Công ty và nơi lưu giữ bức thư Thế kỷ gửi các thế hệ đời sau./.

                                                                                            Bùi Công Uẩn

Bài viết khác: