Từ ngày 14/10/2015 đến ngày 18/10/2015, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tham quan, làm việc tại các tỉnh miền Trung. Tham dự Đoàn có các đồng chí Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, 03 chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva, thủ trưởng các cơ quan Văn phòng, Viện 69. Đoàn do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng làm Trưởng đoàn.

Trong chuyến tham quan, làm việc lần này, Đoàn đã đến 03 tỉnh của miền Trung, bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. Tại Quảng Bình, Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa – Đảo Yến).

Đây là điểm đến đầu tiên của Đoàn trong chuyến hành trình về các tỉnh miền Trung. Đã hơn hai năm kể từ ngày Đại tướng đi xa, phần mộ của Đại tướng đã trở thành điểm đến của bất cứ người dân, du khách nước ngoài nào khi đến với Quảng Bình. Tại đây, các đại biểu trong Đoàn, đặc biệt là các chuyên gia Nga đã thể hiện sự xúc động khi thắp hương tưởng niệm, tri ân những công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc Việt Nam.

doan-lanh-dao-quang-binh-1
Đoàn thành kính tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Rời Vũng Chùa, Đảo Yến, Đoàn đã đến tham quan tại Khu Di tích Hang Tám Cô - nơi ghi dấu những chiến công bất khuất, những hi sinh anh dũng của các thanh niên xung phong đã đi vào huyền thoại và Động Thiên đường – điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Bình.

doan-lanh-dao-quang-binh-2
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hang Tám Cô

Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới 55km về hướng Tây Bắc, hang đá nhỏ bé này ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện về Khu Di tích này được kể lại đầy xúc động: Ngày 14/11/1972, bom Mỹ đánh vào Đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng. Đội Thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Người lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Lúc đó, bầu trời Đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt Đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi xung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào. Khối đá quá lớn. Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng. Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu bên trong nữa..... Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt, và cùng được chôn cất với 5 chiến sĩ pháo cao xạ hi sinh trong cùng trận bom ngày 14/11/1972 đó. Qua lời kể của hướng dẫn viên tại đây, câu chuyện đầy xúc động về sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ khiến các thành viên trong Đoàn đều cảm phục.

doan-lanh-dao-quang-binh-3
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Động Thiên đường

Rời Quảng Bình, Đoàn đã đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng.  Đến với Quảng Trị, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành ngày 10/4/1977, là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt Nam, có kiến trúc, bố cục độc đáo, không giống đa phần nghĩa trang liệt sĩ khác ở Việt Nam. Đây là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn - còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam.

doan-lanh-dao-quang-binh-4
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn

Đến với Nghĩa trang Trường Sơn, trong không khí linh thiêng đầy cảm động, các thành viên trong Đoàn đã thành kính tưởng niệm về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ. Các anh đã nằm xuống để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Đứng trước hàng ngàn bia mộ, các chuyên gia Nga đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc cũng như sự cảm phục vô cùng đối với sự chiến đấu của các chiến sỹ trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Điểm đến cuối cùng của Đoàn trong chuyến tham quan, làm việc lần này là tỉnh Nghệ An. Đến với Nghệ An, Đoàn đã tham qua tại Khu Di tích Kim Liên - nơi đây lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tại đây, Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

doan-lanh-dao-quang-binh-7
Đoàn dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên

doan-lanh-dao-quang-binh-8
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương viết cảm tưởng vào sổ lưu niệm của Khu Di tích Kim Liên

doan-lanh-dao-quang-binh-9
Giáo sư, TSKH Matveychuk I.V., Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu viết cảm tưởng vào sổ lưu niệm của Khu Di tích Kim Liên

doan-lanh-dao-quang-binh-10

doan-lanh-dao-quang-binh-11

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Kim Liên

Đặc biệt, trong chuyến tham quan, làm việc lần này, Đoàn đã nhận được sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Quân khu 4, Khu Di tích Kim Liên.

doan-lanh-dao-quang-binh-5
Giáo sư, TSKH Matveychuk I.V., Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhận quà lưu niệm
của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

Chuyến tham quan, làm việc của Đoàn đã diễn ra thành công tốt đẹp và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chuyến đi đã giúp các thành viên trong Đoàn công tác tìm hiểu, tham quan các chứng tích lịch sử, các tư liệu lịch sử, tại các điểm di tích cách mạng năm xưa. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu, các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Thông qua đó, các thành viên trong Đoàn có dịp nhớ về sự giúp đỡ, đóng góp của Liên Xô cũ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, đây chính là những kỷ niệm không thể quên đối với các chuyên gia Nga trong đợt sang làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 2015./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: