“Bạn chiến lược thì có nhiều, nhưng không có ai hơn người bạn đã từng cùng ta chiến đấu trong một chiến hào” - Hoàng thân Xuphanuvông (Cố Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
Việt Nam - Lào có một mối quan hệ mật thiết được bắt nguồn từ nhiều yếu tố như: Hai nước đều nằm ở trung tâm bán đảo Ấn - Trung, thuộc vùng Đông Nam Á; cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn từ đó phối hợp và giúp đỡ nhau mọi phương diện…; đường bờ biển Việt Nam tương đối dài thuận lợi cho giao thông hàng hải phát triển, trong khi Lào không có đường bờ biển và được giao thương nhờ con đường hàng hải qua một số tỉnh miền Trung của Việt Nam; đường biên giới giữa Việt Nam và Lào trải dài gần 700km từ đó dẫn đến sự giao thoa văn hóa, kinh tế - xã hội giữa hai nước Việt Nam - Lào được phát triển từ rất sớm trong lịch sử hình thành và xây dựng đất nước.
Do đó giữa Việt Nam - Lào luôn có mối quan hệ nương tựa, giúp đỡ nhau để tồn tại và phát triển. Sự quan hệ nương tựa, giúp đỡ đó được thể hiện rõ nét trong công cuộc chống giặc ngoại xâm từ trước đến nay, nhất là việc trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cùng nhau làm cho mối quan hệ này ngày càng gắn bó keo sơn. Có thể nói quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt không phải là mối quan hệ bình thường mà là quan hệ đồng đội, đồng chí vì cả hai đều có chung một kẻ thù, có chung một mục tiêu chiến đấu đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành được độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tháng 8 năm 1945, thời cơ giành độc lập cho Đông Dương xuất hiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định Tổng khởi nghĩa và tiến hành Hội nghị toàn Đảng tại Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14, 15 tháng 8 năm 1945). Vào thời điểm này, lãnh tụ Hồ Chí Minh gặp các đồng chí đại biểu Xứ uỷ Lào, Người dặn: thời cơ rất thuận lợi cho nhân dân Đông Dương, ở đâu có điều kiện, phải giành được chính quyền trước khi Đồng minh vào. Nhân cơ hội này nhân dân hai nước Việt - Lào đã chớp lấy thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công vào Tháng Tám năm 1945.
Liên quân Việt - Lào trước giờ xuất trận năm 1946. Ảnh Tư liệu
Liên quân Việt - Lào phối hợp chiến đấu tại Lao Bảo (Quảng Trị) năm 1946. Ảnh Tư liệu
Ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân và dân Việt Nam mở màn cuộc quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Quân và dân Lào đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ từ phía Lào; góp phần xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa tới sự kiện ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tuy chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của quân dân ba nước Đông Dương, song Hiệp định Giơnevơ đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển vượt bậc, tạo nên sức mạnh kỳ diệu mới, đưa cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước tới thắng lợi hoàn toàn.
Hai mươi mốt năm chống Mỹ là một chặng đường kế tục, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, trong đó nổi bật lên những hoạt động tiêu biểu, điển hình:
Phần đường phía tây Trường Sơn vốn là địa bàn sinh sống của nhiều bộ tộc Lào, là trọng điểm đánh phá ác liệt của đối phương. Nhưng nhân dân Lào không hề nao núng ý chí, vẫn sẵn sàng dành một phần lãnh thổ của mình cho tuyến đường chiến lược đi qua. Đây là cống hiến vô cùng quý giá của nhân dân Lào cho thắng lợi của Việt Nam và quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Đáp lại ân tình đó phía Việt Nam cũng đưa quân tình nguyện sang Lào giúp bạn mở nhiều hoạt động quân sự ở Trung và Hạ Lào giải phóng một vùng rộng lớn từ Cam Cớt, Lắc xao cho đến Mường Phin, Sê Pôn, bản Đông nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Tuyến đường Trường Sơn đã trở thành con đường huyết mạch, vận chuyển người và vật chất từ hậu phương chi viện cho tiền tuyến, cũng là nơi thiết lập căn cứ chiến trường thành kho dự trữ hậu cần khổng lồ cho cách mạng 2 nước.
Năm 1970, Mỹ mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, đặc biệt là ở Lào. Trước tình hình này Liên quân Lào - Việt đã phối hợp giải phóng tỉnh Attôpơ. Và trong chiến dịch Cánh đồng chum lịch sử năm 1972, Liên quân Việt - Lào đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của ngụy quân Lào và lính đánh thuê được không quân Mỹ yểm trợ. Trong cuộc chiến này Liên quân Việt - Lào phải kề vai, sát cánh, phối hợp thực sự ăn ý, tương trợ lẫn nhau về mọi mặt. Hai bên luôn động viên, khích lệ nhau chiến đấu, sẻ chia với nhau mọi thứ có được từ hậu phương gửi ra tiền tuyền. Đồng chí Cayxon phomvihan đã từng nói, tại cuộc hội đàm giữa 2 đại diện Trung ương Đảng là: “Tuy Việt Nam có khó khăn nhưng không tiếc gì với Lào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt, trên thế giới không đâu có”(1). Đáp lại lời nói chân tình đó đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc của chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng. Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên Việt Nam hiểu rõ điều đó”(2).
Sự phối hợp giữa lãnh đạo, quân và dân hai nước Việt Nam, Lào phá vỡ mưu đồ tiêu diệt lực lượng vũ trang nòng cốt Pathết Lào và bộ phận đầu não cơ quan lãnh đạo cách mạng Lào do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tiến hành.
Thắng lợi vĩ đại năm 1975, là mốc son chói lòa trong lịch sử của hai dân tộc Việt Nam - Lào, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cả 2 nước đã giành được Độc lập - Tự chủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc hai nước. Đó là kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, tự do. Chiến thắng lịch sự này càng khiến cho mối quan hệ của Việt - Lào, Lào - Việt ngày càng trở lên gắn bó mật thiết, thủy chung, trong sáng, bền vững hơn.
Trong lịch sử thế giới từ xưa đến nay đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác hoặc hình thành các cộng đồng quốc gia. Nhưng chỉ có mối quan hệ Việt Nam - Lào là đặc biệt hơn vì cùng chung một chiến hào. như Hoàng thân Xuphanuvông đã nói: “Bạn chiến lược thì có nhiều, nhưng không có ai hơn người bạn đã từng cùng ta chiến đấu trong một chiến hào”.
(1),(2). Trích lược một số ý kiến phát biểu của anh Bảy* và anh Ba* tại cuộc hội đàm giữa hai Trung ương Đảng, 1971. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
* Anh Bảy: đồng chí Cayxỏn Phômvihản; anh Ba: đồng chí Lê Duẩn.
Kim Yến