Từ xưa đến nay quan hệ giữa hai nước Việt - Lào là mối quan hệ mật thiết, bang giao gần gũi, gắn bó bên nhau như nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là: “Bản cay hươn khiêng” tức là ( bản kề, nhà cạnh); hay nhân dân Việt Nam vẫn thường gọi mối quan hệ Việt - Lào là “Láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau”. Dù cho ngôn ngữ và chữ viết không giống nhau những giữa 2 nước lại có điểm  chung là đều có sự bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước; có sự ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật… đặc điểm nổi bật trong quan hệ giữa nhân dân hai nước và mối bang giao giữa các triều đại là thân thiện, hữu hảo. Giữa hai dân tộc không có sự áp bức và nô dịch nhau, không có hiềm khích và thù hằn nhau; mặt khác, nhân dân hai nước từng có cả ngàn năm giúp đỡ, che chở lẫn nhau, là láng giềng chí cốt của nhau.

Story

Cuối thế kỷ thứ 19, Việt Nam - Lào cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo. Cùng chung một kẻ thù và chung một cảnh ngộ bị xâm lược, áp bức, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị sẵn có, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào, dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.

Quan hệ truyền thống hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được nâng lên thành quan hệ đặc biệt kể từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 và sau đó (tháng 10 năm 1930), đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào sau này.

Năm 1939, Thế chiến thứ 2 bùng nổ, chế độ thực dân, phát xít ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa và thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt - Lào. Trước tình hình đó Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5 năm 1941, diễn ra ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Hội nghị khẳng định: sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì các dân tộc sẽ tuỳ theo ý muốn có thể tổ chức thành liên bang cộng hoà dân chủ hoặc đứng riêng thành một quốc gia dân tộc. “Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”. Những chủ trương đúng đắn này đã dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật.

Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước trong vòng 15 ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với nhân dân cả nước và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Thắng lợi của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào.

Nhận rõ tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang thiết lập quan hệ với Chính phủ Lào. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4 tháng 9 năm 1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3 tháng 10 năm 1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Xavẳnnakhệt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia Chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”. Hình ảnh, uy tín, quyết tâm làm cách mạng, cứu nước và những lời nói tốt đẹp của Hoàng thân về quan hệ Lào - Việt Nam đã tác động lớn lao đến sự hưởng ứng, tham gia cách mạng của các tầng lớp nhân dân Lào, càng tạo thêm chất keo gắn kết tình cảm của nhân dân Lào với Việt kiều cũng như với Việt Nam.

Tháng 10 năm 1945, hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt, và Hiệp định tổ chức liên quân Lào - Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho quan hệ hợp tác và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

            Cùng với thắng lợi Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, là một thắng lợi quan trọng của sự nghiệp đoàn kết kháng chiến của nhân dân của hai nước Việt Nam, Lào trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương khai mạc tại Giơnevơ. Hội nghị có chín bên tham dự, gồm Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Các đại diện lực lượng kháng chiến Pathết Lào cũng có mặt tại Giơnevơ nhưng không được mời tham gia Hội nghị, vì đại biểu Pháp, Mỹ phản đối. Do đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đại diện cho lập trường, tiếng nói của Chính phủ Kháng chiến Lào. Nước Pháp và các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế rất quan trọng để nhân dân hai nước Việt - Lào tiến lên giành độc lập, hoàn thành thống nhất đất nước.

            Thắng lợi đó thể hiện nghị lực, quyết tâm của Việt Nam và Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, kết tinh sức mạnh đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước, tạo nền móng vững chắc cho sự phối hợp, liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào ngày càng nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).

            Việc Đảng Nhân dân Lào ra đời năm 1955, đã tạo cơ sở vững chắc để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Lào, đồng thời là nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước Lào - Việt Nam.

            Nhân dịp thống nhất quốc gia, thành lập Chính phủ liên hiệp, ngày 10 tháng 1 năm 1958, Ban Chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định: “Sở dĩ cách mạng Lào đạt được những thắng lợi to lớn đó là do tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên cường của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, đồng thời cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng theo dõi, giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng”.

            Từ đó ta thấy được trong mỗi bước phát triển của nước Việt Nam hay Lào đều có sự tương trợ của bên còn lại, luôn luôn có sự phối hợp, giúp đỡ mật thiết giữa Đảng và nhân dân hai nước. Hai dân tộc Lào - Việt, Việt - Lào luôn đoàn kết, giúp đỡ, nhau như anh em, như đồng chí cùng nhau chiến đấu, cùng nhau đấu tranh vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước. Với tinh thần: “Giúp bạn là tự giúp mình”.

                                                                                              Kim Yến

 

 

 

Bài viết khác: