Ôn lại lịch sử truyền thống của phụ nữ Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến thời kỳ chị em phụ nữ, các bà, các mẹ chúng ta ra sức thi đua “Ba đảm đang”  trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”.

ba dam dang anh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ đô (ngày 02/12/1965)

Ban đầu, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” nhưng sau đó Bác Hồ đã đổi tên thành phong trào “Ba đảm đang”, với 3 nội dung:  Đảm đang sản xuất và công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng, con, anh em đi chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Thời kỳ đó, phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ, giáo viên, ca sỹ, thanh niên xung phong, mậu dịch viên, dân quân… ở miền Bắc XHCN thi đua sản xuất, công tác, động viên chồng con lên đường chiến đấu, ở nhà vừa chăm lo gia đình, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Với khí thế cách mạng và tình cảm sâu sắc “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lớp lớp chị em hăng hái, dũng cảm “tay cày, tay súng”, sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm"“một người làm việc bằng hai”“đường cày đảm đang”, “tiếng hát át tiếng bom”… Trên mặt trận sản xuất, chiến đấu đâu đâu cũng xuất hiện các đơn vị mang tên Ba đảm đang như: Lớp bổ túc, cửa hàng, phân xưởng, hợp tác xã, cánh đồng, bệnh viện… Chỉ từ ngày 25-3 đến 25-6-1965, sau Hội nghị phát động, đã có 1,7 triệu chị em đăng ký Phụ nữ "Ba đảm đang", nhiều đơn vị, nhiều bà mẹ, người vợ, người chị, em gái đã lập công xuất sắc như ở nông thôn nhiều chị đã thay chồng cày, bừa, sửa nhà, xây nhà... hoặc được bầu làm chủ nhiệm, tổ trưởng HTX và tham gia cấp ủy, chính quyền huyện, xã...

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì chưa bao giờ phụ nữ được ghi công nhiều trong sổ vàng đất nước như thời kỳ Ba đảm đang: 42 chị và 9 tập thể được tuyên dương Anh hùng, 5.000 chiến sỹ thi đua, 1718 chị được thưởng huy hiệu Bác Hồ và gần 4 triệu chị em đạt danh hiệu “Ba đảm đang”.  Phong trào “Ba đảm đang” có ý nghĩa toàn diện về tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống lao động sáng tạo, ý chí tự cường phấn đấu vươn lên của phụ nữ miền Bắc. Phong trào đã nâng trách nhiệm, vị trí người phụ nữ lên tầm cao mới, tạo bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển của phụ nữ và phong trào phụ nữ.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao tinh thần yêu nước và sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, Bác Hồ rất chú ý phong trào của chị em phụ nữ, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Tuy chỉ thay đổi một chữ nhưng đã phản ánh được đúng bản chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó. Từ “Ba đảm nhiệm” đến “Ba đảm đang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ. Và Người luôn theo dõi sát sao phong trào của chị em. Ngay từ những ngày đầu khi phong trào mới ra đời, trong “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7” năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”. Lần đầu tiên phong trào “Ba đảm đang” được Bác viết trong văn bản “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7-1965”, khuyến khích chị em thực hiện thật tốt phong trào này, để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng “Chống Mỹ cứu nước”.

Phát huy khả năng, sức sáng tạo của mình, những đóng góp to lớn của phụ nữ trong phong trào “Ba đảm đang” của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được thể hiện trong chiến đấu, trong lao động và cuộc sống hàng ngày. Một cuộc chiến hết sức gay go quyết liệt với tên đế quốc có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới. Ý thức được nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước, ở hậu phương, chị em đều đảm đang việc gia đình, thay thế chồng con sản xuất và trực tiếp chiến đấu. Ban ngày các chị tay cày, tay súng, tối về lo việc nhà, dạy dỗ con thơ. Biết bao tấm gương không thể kể hết của các chị từng một mình nuôi mẹ già, chăm sóc con nhỏ để chồng đi chiến đấu xa mà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các chị xứng đáng là những Anh hùng trong thời đại anh hùng, thể hiện nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đoàn kết, yêu nước, thương nhà.

ba dam dang anh 2

Trong chiến tranh chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia cầm súng bảo vệ Tổ quốc.Ảnh: Thái Ngọc Linh (hanoimoi.com)

Là người luôn dành tình yêu thương cho nhân loại, xót xa trước những khổ đau, mất mát, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, ngày 8-3-1952 tại chiến khu Việt bắc, Bác Hồ đã kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc. Tỏ lòng biết ơn các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ, Người nói: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”. Trong kháng chiến chống Mỹ, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Người đánh giá: “Phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật anh hùng”.

Cũng từ đó, Bác luôn động viên chị em phát huy truyền thống yêu nước của Hai Bà Trưng, Bà Triệu để tự hào, noi gương, phấn đấu. Bác gửi thư khen, tặng huy hiệu, tổ chức gặp gỡ các mẹ, các chị, các nữ dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ. Có khi Bác trực tiếp, tự tay trao huy hiệu của Người cho phụ nữ có nhiều thành tích trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô (2-12-1965). Bác đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam danh hiệu vinh dự “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”.

Để kịp thời động viên phong trào, chiều ngày 2- 12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, Người nói: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền Nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tích kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”.

Hướng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn của kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí” các nữ nông dân “tay cày, tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần cải tạo và xây dựng nông thôn mới mà tiêu biểu là 11 nữ anh hùng lao động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ lợi như Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), Phạm Thị Vách (Hải Hưng)…

Thực tiễn hoạt động của phong trào “Ba đảm đang” đã chứng minh vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được nâng lên một tầm cao mới. Chị em chẳng những đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ người công dân trên các lĩnh vực sản xuất, công tác, phục vụ chiến đấu và chiến đấu mà còn tích cực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ, rèn luyện phẩm chất và nghị lực để gánh vác mọi nhiệm vụ mới nặng nề hơn thay thế nam giới đi chiến đấu. Do đó, trách nhiệm và vai trò của phụ nữ với gia đình và xã hội được nâng lên gấp bội. Hoàn cảnh lịch sử đó cũng là thời cơ thuận lợi phát huy tiềm năng, trí tuệ của hàng triệu phụ nữ, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”, góp phần cùng với toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi hoàn toàn.

ba dam dang anh 3

Tượng đài phụ nữ “Ba đảm đang” tại huyện Đan Phượng, Hà Nội

51 năm đã trôi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử dân tộc. Để có cuộc sống độc lập, tự do, hoà bình và hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta vô cùng tự hào và biết ơn về những cống hiến lớn lao của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những người con thân yêu của mình cho Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Phong trào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhưng những giá trị tinh thần và hiệu quả to lớn của cuộc vận động này vẫn giữ nguyên giá trị và trở thành truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Tâm Trang 

Bài viết khác: