Quoc te hanh phuc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ hưởng ứng
 Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm đầu tiên 2014

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất, là trung tâm của mọi sự vật hiện tượng. Chính vì vậy nên mục tiêu cao cả nhất của Bác đó chính là “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.  Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh thì hạnh phúc cho con người không thể tách rời phát triển bền vững. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, phải có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Mặt khác, hạnh phúc theo quan điểm Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Và con người có hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải là những con người được giáo dục và có đạo đức.

Khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam" vào năm 1990. Hơn nửa thế kỷ sau khi nhân loại tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, người ta cũng khai thác điểm chung mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho nhân loại, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những mục tiêu đó chính là hạnh phúc, là đỉnh cao giá trị nhân văn, văn hóa của loài người.

Việt Nam là một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Thực tế, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta về Độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đều nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Thấm nhuần giá trị tư tưởng mang tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm gần đây, cùng với xu thế chung của toàn nhân loại hướng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc, không còn chiến tranh trên hành tinh này, ngày 26 tháng 12 năm 2013,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm.Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ””, tiếp nối từ chủ đề “Kết nối yêu thương” của Năm Gia đình Việt Nam 2013. Đề án nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Thông điệp tới mọi người là hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng, giữa những người bạn, người đồng chí, trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên hợp quốc vào ngày 28 tháng 7 năm 2012. Việc Liên hợp quốc chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc xuất phát từ nguyên nhân đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau và người ta cho đó là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Đây cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực từ đó ngày này được cho là sẽ truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc sau khi công bố đã được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Việt Namcũng là một trong những quốc gia tích cực trong việc hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc và khẩu hiệu “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia.

 Năm 2016, tiếp tục hưởng ứng và triển khai nội dung Đề án, Bộ Văn hóa - Thể thao đã ban hành công văn số 267/BVHTTDL-GĐ ngày 26/01/2016 về việc tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2016 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”. Hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ; giữa những người bạn, người đồng chí; trong mỗi đơn vị, cơ quan, trường học…bằng những hành động thiết thực nhất góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần phát triển an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là thông điệp mà ngày quốc tế yêu thương ở Việt Nam muốn lan tỏa đến tất cả mọi người. Đó là việc làm của một tinh thần nhân văn cao cả, hướng đến sự hoàn thiện và hạnh phúc của xã hội./.

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: