Sáng ngày 26-3-2016, Đoàn Đại biểu Người có công huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm 85 đại biểu là thương bệnh binh, do đồng chí Trần Thị Dân, Phó ban Ban Tổ chức huyện ủy Hàm Thuận Bắc làm Trưởng đoàn.
Đoàn thành kính dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, đại đa số đồng bào là người Kinh, sống xen lẫn với nhiều dân tộc anh em khác như K’ho, Chăm, Raglay. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân Hàm Thuận Bắc đã góp phần tích cực vào thắng lợi chung của dân tộc. Hàm Thuận đã sản sinh bao người con anh hùng, nổi tiếng với các địa danh “Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng” và đã có 4.400 người con thân yêu của quê hương đã hy sinh một phần thân thể, 478 Mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất chồng, con... Sau khi hòa bình lập lại, cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc khẩn trương bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và đền đáp công ơn đối với những người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Với những việc làm cụ thể, xuất phát từ trái tim với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” trong những năm qua, các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình chính sách. Những việc làm ý nghĩa này phần nào giúp những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Trong những năm qua, huyện Hàm Thuận Bắc đã phát động phong trào góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ và nhân dân bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và vận động từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện. 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và các gia đình liệt sĩ neo đơn đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng. Hàng tháng các đối tượng chính sách được trợ cấp thường xuyên; vận động nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng trên sổ tiết kiệm cho các đối tượng thương binh nặng và gia đình chính sách khó khăn với trị giá mỗi sổ từ 300.000 đồng - 1 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết tốt chế độ cho các trường hợp thanh niên xung phong, quân nhân hoạt động tại chiến trường B, C, K, người bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian tham gia kháng chiến, các trường hợp tồn đọng trong chiến tranh, chế độ thờ cúng hàng năm cho các gia đình liệt sĩ, mua bảo hiểm y tế cho hàng ngàn đối tượng, miễn học phí cho con em gia đình chính sách và xét cho vay vốn đối với các gia đình chính sách khó khăn. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên duy trì việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà, qua đó kịp thời động viên và hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trong các dịp lễ, Tết. Một việc làm đầy ý nghĩa là thực hiện phong trào “Đi tìm đồng đội”, tổ chức nhiều đợt tìm kiếm và qui tập hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ của Tỉnh với nghi thức trang trọng, làm ấm thêm vong hồn của các anh khi được trở về với đồng đội.
Vinh dự vào Lăng viếng Bác hôm nay, tất cả mọi người ai cũng rất xúc động vì phần lớn các bác đều đã lớn tuổi và lần đầu tiên được ra thăm Thủ đô Hà Nội và được vào Lăng viếng Bác.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng
Ban Quản lý Lăng chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn
Tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng đã đón tiếp Đoàn và trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho từng thành viên trong Đoàn. Cuối buổi tiếp, Đoàn xem phim tư liệu: "Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”.
Thay mặt cho Đoàn, đồng chí Trần Thị Dân trân trọng viết vào sổ lưu niệm của Ban Quản lý Lăng: “Những người con quê hương Hàm Thuận Bắc luôn hướng về Bác kính yêu và nhân dân Hàm Thuận Bắc sẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Vân Phương