Thứ sáu, 27/12/2024

         

            Nhân dịp UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu “70 năm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa”, sáng ngày 14/6/2016, các nhân chứng lịch sử từng tham gia xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chăm sóc những khóm Luồng (Tre) đầu tiên ở Lăng Bác đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và có buổi gặp mặt với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

thanh hoa

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương tiếp
 và tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các thành viên trong Đoàn

            Tham dự buổi gặp mặt, về phía lãnh đạo Ban Quản lý Lăng có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng; đồng chí Đại tá Dương Hoàng Toán, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng. Về phía UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh và 06 nhân chứng lịch sử.

            Với tầm nhìn chiến lược về vùng đất và con người xứ Thanh, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Thanh Hóa.  Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (20-2-1947), Người căn dặn “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Khắc ghi lời Bác, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh luôn tin tưởng, quyết tâm phấn đấu xây dựng Thanh Hóa “trở thành tỉnh kiểu mẫu” như Bác hằng mong muốn.

            Sau khi Người qua đời, cùng với việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác, việc xây dựng Lăng của Người trên Quảng trường Ba Đình cũng là một thành tựu đặc biệt của quân và dân ta. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã chung sức đồng lòng góp công góp của để hoàn thành sớm việc xây dựng Lăng. Đó cũng chính là tấm lòng của những người con xứ Thanh kính dâng lên Bác kính yêu. Vào mùa Hè năm 1973, 1974, đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái ở huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hoá đã tập trung về công trường đá khai thác đá hồng ngọc quý để gửi về xây Công trình Lăng của Người. Đó là loại đá đỏ - màu cờ Tổ quốc mà không nơi nào có được. Với tinh thần ấy, 4.000 mẫu đá đã được đưa về Hà Nội tạo nên hình tượng hai lá cờ cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó là những khóm Luồng được tuyển chọn và lấy từ huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa về trồng tại hai vườn tre hai bên Lăng của Người.

            Tại buổi tiếp, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương rất vui mừng khi được đón các nhân chứng lịch sử sau hơn 40 năm lại về viếng Bác, thăm đơn vị và thăm lại công trình mình đã từng tham gia xây dựng; giới thiệu khái quát với Đoàn về quá trình xây dựng Công trình Lăng, nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đồng chí đã ghi nhận và cảm ơn những đóng góp về sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong việc xây dựng Công trình Lăng của Người.

Năm 2014 vừa qua, tại Khu Di tích K9 - Đá Chông triển khai xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng đã quay trở lại Bá Thước tìm lại những viên đá đỏ để tiếp tục thi công hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc trang trí tại đây. Đồng thời, khảo sát, thu thập giống Luồng của huyện Lang Chánh để thay thế vườn Luồng cũ tại Lăng đã hết tuổi sinh trưởng. Cuối buổi tiếp, đồng chí Trưởng ban chúc các nhân chứng lịch lịch sử mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp như Bác hằng mong muốn và trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho từng thành viên.

            Thay mặt đoàn, đồng chí Lê Đức Tiến phát biểu: Trong bối cảnh việc đóng góp sức người, sức của để xây dựng Lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng mà mỗi người dân, mỗi địa phương đều muốn làm để dành những gì ưu tú nhất của quê hương dâng lên Người. Đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước, Lang Chánh nói riêng và những người con xứ Thanh luôn rất tự hào và vinh dự khi quê hương được đóng góp một phần công sức trong việc xây dựng ngôi nhà an nghỉ vĩnh hằng của Bác. Đồng chí mong rằng Ban Quản lý Lăng và tỉnh Thanh Hóa ngày càng có sự gắn bó khăng khít hơn nữa để giúp nhau cùng  hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

            Trong không khí xúc động, các nhân chứng lịch sử cũng ôn lại những kỷ niệm thời trai trẻ của mình. Hiện nay, người cao tuổi nhất đã 95 tuổi nhưng những kỷ niệm vẫn còn như in với niềm tự hào và xúc động. Hai bác Hà Viết Hợi và Hà Văn Nọng (huyện Lang Chánh) chính là những người đã tận tay trực tiếp chăm sóc những khóm Luồng đầu tiên để mang về trồng ở Lăng; bác Phạm Văn Quang (Hoằng Hóa) qua bao thời gian vẫn giữ được tấm thẻ ra vào công trình; bác Nguyễn Đăng Ứng (Hoằng Hóa) sau khi vào Lăng viếng Bác xong đã tự mình đi tìm lại những chỗ mình đã thi công xây dựng, bác nói: Thời gian trôi đi nhanh quá, cảnh vật cũng thay đổi nhiều nhưng tôi vẫn nhớ địa điểm mình được thi công. Ai cũng tự hào bởi sau khi khánh thành Công trình Lăng, các bác đã vinh dự được vào Lăng viếng Bác.

Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm để các bác mãi phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tiếp tục cùng thế hệ trẻ hôm nay đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp./.

Vân Phương

 

Bài viết khác: