Đêm Hè Hà Nội, giữa trung tâm Thủ đô ồn ã và náo nhiệt, bước chân vào khuôn viên Viện 69, tôi như lạc vào vùng quê với tiếng côn trùng kêu rả rích, những làn gió hôn nhẹ qua kẽ lá vờn cùng hương hoa lá. Tôi thả hồn theo tiếng sáo trúc vút cao từ trong phòng của đồng chí Tưởng Phi Vương mà tôi hay gọi với cái tên thân thuộc - “Vương - Viện sỹ” khi anh đang say sưa thổi một làn điệu dân ca, bên cạnh là Từ điển Y khoa tiếng Nga và màn hình máy tính với biểu đồ mô da cùng tầng tầng lớp lớp các cấu trúc xếp chồng.
Không cắt đứt cảm hứng của anh, tôi lách nhẹ qua cửa phòng, đứng bên “Viện sỹ” liếc nhìn màn hình máy tính, bộ quần áo blu trắng nơi góc phòng, những quyển từ điển chuyên ngành tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Việt, là những tài liệu quan trọng mà anh đã sưu tầm được. Khi điệu nhạc vừa dứt “Viện sỹ” như bừng tỉnh cơn say, giật mình quay lại cười hiền:
- Chào đồng đội, đồng đội định “hối lộ” gì mà vào khuya vậy?
- Ôi trời, tôi có món quà đặc biệt cho ông này. Đây là bài báo khoa học cần dịch sang tiếng Anh mà bế tắc quá, ông giúp tôi nhé!
- Viện sỹ cười nhẹ nhàng, khi nào đồng đội phải gửi đăng?
- Hai tháng nữa, ông ạ.
- Ok, nhưng để hôm khác đi, mai tôi phải báo cáo cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học rồi.
Câu chuyện giữa hai người lính chỉ đơn giản, nhẹ nhàng như vậy nhưng ẩn sâu trong đó là tình đồng đội, tình bạn với tinh thần sẻ chia và giúp đỡ thân tình nhất.
Tôi bước ra lấy xe, rời Viện về cơ quan. Qua đường Hoàng Hoa Thám, Vườn Bách thảo, dốc Ngọc Hà, nhìn từng cặp, từng cặp những bạn trẻ dạo bước bên nhau, trong tôi miên man những dòng suy nghĩ về “Viện sỹ”. Một thanh niên Hà Nội, rời ghế nhà trường phổ thông, bước chân vào quân ngũ, trải qua 10 năm học tập, nghiên cứu nơi “xứ sở Bạch Dương” tuyết trắng, rồi 6 năm trong phòng thí nghiệm ở Viện 69 để làm nhiệm vụ thiêng liêng “Giữ yên giấc ngủ của Người”.
Với cương vị Trợ lý Tuyên huấn của Bộ Tư lệnh, hơn Vương một tuổi, lại trai gốc Hà Nội, tôi tuổi Kỷ Mùi, Vương tuổi Canh Thân, chúng tôi gặp và đồng cảm ngay từ những ngày đầu khi tôi mới chuyển công tác về đơn vị. Thời còn ở Đoàn 285 - K9 (Ba Vì – Hà Nội), tôi đã rất ấn tượng khi nghe Thủ trưởng và đồng đội kể chuyện về anh. Trong dịp Bộ Tư lệnh tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng, viết bài cho kỷ yếu Đại hội, tôi đã được nghe cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Viện 69 gọi anh với cái tên thân mật “Vương - Viện sỹ”.
Mặc dù chưa gặp nhau lần nào, nhưng với dáng đi nhanh nhẹn như đang tiết kiệm từng giờ, từng phút với công việc, tôi tin rằng đây là “Viện sỹ” mà tôi cần gặp. Đi cạnh Vương về Khoa Hình thái, qua tâm sự của Vương về hoàn cảnh gia đình, tôi cảm nhận Vương như một người bạn thân thiết tự thủa nào. Vương có làn da trắng, trán cao, dáng dong dỏng thư sinh, đặc biệt là đôi mắt sáng rạng ngời, thông minh.
Sinh ra tại Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội. Bố là kỹ sư của Công ty ô tô Hòa Bình, mẹ là giáo viên Tiểu học, vợ là Giảng viên trường Cao đẳng tại Hà Nội với 2 con trai kháu khỉnh. 12 năm học phổ thông anh đã đạt được những thành tích khiến bạn bè khâm phục, bởi anh luôn là học sinh xuất sắc nhất của nhà trường. Đặc biệt, 3 năm phổ thông trung học anh đều đạt giải cấp Tỉnh và Quốc gia môn Hóa học. Anh luôn có một ước mơ cháy bỏng là được mang trí tuệ của mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ước mơ đó trở thành hiện thực, khi anh thi đỗ vào Học viện Quân y với số điểm cao. Sau hai năm miệt mài đèn sách anh được nhà trường gửi sang du học và nghiên cứu sinh tại Học viện Y khoa Mát-xcơ-va. Mười năm học tập, nghiên cứu miệt mài nơi xứ người, năm 2010, sau khi nhận học vị Tiến sỹ y khoa, anh được tuyển chọn về công tác tại Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay từ những ngày đầu về nhận công tác tại đơn vị, với kiến thức y khoa đã được tích lũy, cùng niềm đam mê cháy bỏng và tình yêu bao la với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Anh không ngừng học tập, nghiên cứu giải quyết những vấn đề khó của khoa học giữ gìn thi hài. Với rất nhiều những thành tích đạt được cùng sự tín nhiệm của đồng đội, lãnh đạo, chỉ huy Viện và Bộ Tư lệnh, sau ba năm công tác, Vương được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Khoa Hình thái.
Tiến sỹ Tưởng Phi Vương phân tích mẫu trên kính hiển vi đồng tiêu quyét Lade
Sáu năm gắn bó với nhiệm vụ đặc biệt nhưng Vương đã cùng tập thể Viện hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 5 đề tài cấp cơ sở; tham gia 3 đề tài hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mát-xcơ-va; biên soạn nhiều tài liệu, quy trình kỹ thuật chuyên môn, góp phần bảo đảm cho nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái tên “Viện sỹ” đến với Tiến sỹ Tưởng Phi Vương tự nhiên, bình dị và nhẹ nhàng như nụ cười ánh mắt, cùng các công trình khoa học anh đã tham gia nghiên cứu.
Đã nhiều năm nay, Khoa Hình thái luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, đặc biệt, từ ngày Vương về công tác và quản lý, phong trào nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển.
Xin mượn lời đồng chí Viện trưởng Viện 69, Đại tá Nguyễn Văn Vận phát biểu trong Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2014: Cùng với tập thể Viện 69, biểu dương Khoa Hình thái, đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng và nghiên cứu khoa học. Các đồng chí đã thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc quy trình kỹ thuật chế độ làm thuốc thường xuyên và làm thuốc lớn theo định kỳ hàng năm. Các đồng chí đã chuẩn hóa cơ số phục vụ làm thuốc. Chế độ theo dõi trạng thái thi hài được tiến hành nghiêm ngặt, triển khai kịp thời các biện pháp y tế để phục vụ chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác. Công tác thực nghiệm, nghiên cứu khoa học có những bước đột phá, nhiều sáng kiến, cải tiến được áp dụng có hiệu quả cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Bác. Đặc biệt biểu dương chủ nhiệm đề tài, Phó Chủ nhiệm Khoa, Tiến sỹ Tưởng Phi Vương cùng tập thể các nhà khoa học của Viện đã nghiệm thu thành công đề tài “Khả năng tự huỳnh quang của mô ướp bảo quản bằng kính hiển vi đồng tiêu quét la-de” và “Ứng dụng miễn dịch huỳnh quang vào nghiên cứu sự biểu lộ một số dấu ấn kháng nguyên của liên kết tế bào biểu bì mô da ướp bảo quản”. Đây là những đề tài có tính cấp thiết và khả thi cao. Các đồng chí là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng, nghiên cứu khoa học của Viện. Các đồng chí sẽ là thế hệ kế cận của “Tổ Y tế đặc biệt” 45 năm trước … góp phần giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho muôn đời sau.
Trao đổi về Tiến sỹ Vương, đồng chí Đại tá Nguyễn Cao Vũ, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện 69, anh đã cho biết: Tiến sỹ Tưởng Phi Vương là tấm gương sáng của Viện trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt đời thường. Tinh thần trách nhiêm, tình yêu bao la của Vương với Bác thể hiện ở các công trình, các đề tài nghiên cứu; những sáng kiến cải tiến thiết bị kỹ thuật trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác của anh hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Viện, mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm thời gian, kinh phí góp phần đưa chúng tôi tới làm chủ hoàn toàn công nghệ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác, công nghệ mà ta đã phụ thuộc vào nước ngoài suốt nhiều năm qua.
Những dòng nhật ký “Bên Bác lòng con trong sáng hơn” của Bác sỹ trẻ Lê Tài Thế, Khoa Nghiên cứu pha chế dung dịch, anh cũng đề cập rất chi tiết về đặc thù nhiệm vụ cùng với sự chân tình, động viên chỉ bảo cán bộ, nhân viên hết sức tỉ mỉ khi thực hiện nhiệm vụ:
Hà Nội, ngày ….tháng….năm….
Hôm nay, lần đầu tiên được tham gia làm thuốc thi hài Bác. Lần đầu tiên được biểu dương trước tập thể tổ công tác. Vậy là sau bao ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thực nghiệm, mình đã được tham gia và thành công trong nhiệm vụ thiêng liêng, khát vọng bao năm đã thành sự thực.
Khi nhận nhiệm vụ trực tiếp tham gia làm thuốc thi hài Bác, mình trằn trọc bao đêm và buổi sáng đó đã đến. Khi vào khu bảo quản, được nhìn Bác bằng xương, bằng thịt một cảm giác ấm áp lạ thường ùa về trong tôi. Người đang nằm đó, như vừa chợp mắt. Ước nguyện bao năm của tôi đã thành sự thực. Tôi giật mình choàng tỉnh cơn mê, khi nghe lệnh: Triển khai nhiệm vụ. Từng người chúng tôi, mỗi người một việc theo quy trình, nếu bình thường nhắm mắt tôi cũng làm được, nhưng hôm nay thì khác, người tôi nóng bừng, mồ hồi thấm ướt lưng áo. “Viện sỹ” lặng lẽ quan sát, nhắc nhở, điều chỉnh từng động tác của tôi, khiến tôi vững tin hơn trong từng thao tác của mình. Ngàn lần cảm ơn anh, “Viện sỹ” - người thầy của tôi. Tấm gương nghiên cứu, học tập, chỉ huy quản lý, cùng những lời chỉ dạy của anh sẽ đi cùng tôi suốt cuộc đời.
“Viện sỹ” là thế, 7 năm tưởng dài nhưng với những người làm khoa học thì đó là một quỹ thời gian quá ít ỏi, nhưng sức nghiên cứu của anh thật đáng trân trọng và khâm phục. Tập thể lãnh đạo, chỉ huy Viện, thủ trưởng Bộ Tư lệnh ghi nhận những đóng góp của anh. Cán bộ thuộc quyền quý mến phẩm chất bình dị, như mỗi người con bên Bác luôn tâm nguyện “Nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác”, mà chan hòa tình thương nơi “Viện sỹ”.
Là đồng nghiệp, là bạn, là người cùng đam mê nghiên cứu, cùng chung nhiệm vụ “Giữ yên giấc ngủ của Người”, tôi thấy ở “Viện sỹ” sáng bừng hình ảnh của “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, với một ý trí, nghị lực phi thường, mãnh liệt và một tâm hồn đầy chất thơ của người trai Hà Nội nói riêng và người chiến sỹ Cụ Hồ nói chung.
Sau khi đã biết nhau, trở thành đôi bạn thân, mỗi khi bế tắc trong nghiên cứu tôi lại tìm “Viện sỹ” trao đổi, cùng anh tháo gỡ khó khăn. Ở những buổi trao đổi đó, ẩn dưới không gian nhè nhẹ hương hoa, tĩnh tại đến lạ kỳ của Viện 69, tôi đã học được nhiều hơn nữa nơi anh không chỉ những kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu khoa học, mà còn là ý trí nghị lực và tình yêu bao la với Bác kính yêu.
Nhâm nhi tách trà cùng “Viện sỹ” dưới bầu trời đêm Hà Nội, sau những tranh luận không dừng, thả hồn theo giai điệu của bản nhạc “Chúng con canh giấc ngủ của Người” vang từ hệ thống radio hành lang, cùng khói hương trầm lan tỏa, tôi thả mình dõi theo nhịp bước của 34 chiến sỹ thực hiện nghi lễ quốc gia treo, hạ cờ trước Lăng…
Khẽ mỉm cười trước biệt hiệu thân thương “Viện sỹ” dành cho người bạn tâm giao - người chiến sỹ tri thức vẫn ngày đêm thầm lặng tìm tòi, nghiên cứu, khát khao làm chủ và phát triển khoa học chăm sóc giữ gìn thi hài Bác.
Trở lại cùng thực tại khi điệu nhạc lắng dừng, quay sang tôi, “Viện sỹ” khẽ mỉm cười: “Tạm biệt, chúc mừng thành công của đồng đội, hẹn ngày mai nhé, mình cũng phải về phòng nghiên cứu đây!...”. “Tạm biệt!...”./.
Vũ Thanh Tùng