Hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016) và chào mừng Đại hội phong trào thi đua lần thứ III giai đoạn 2016 - 2021 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Sáng ngày 13/7/2016, đoàn đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đến dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn do đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn.

hoi nan nhan 1

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã thân mật đón tiếp và trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các đại biểu

          Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn hết sức nặng nề, khi hàng triệu người Việt Nam, hàng ba, bốn thế hệ sau vẫn đang gánh chịu bằng chính nỗi đau trên da thịt... Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên mang “chất diệt cỏ” đã rải dọc quốc lộ 14, phía Bắc thị xã Kon Tum, mở màn cho cuộc chiến tranh bằng chất độc hóa học của Mỹ xuống miền Nam Việt Nam. Trong suốt 10 năm sau đó, khoảng 80 triệu lít hóa chất, bao gồm 20 loại chất độc khác nhau được Mỹ sử dụng khắp các chiến trường. Đây được xem là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người do đế quốc Mỹ tiến hành tại Việt nam. Trước những hậu quả nặng nề của di chứng chiến tranh để lại, trong những năm qua, các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế đã thường xuyên quan tâm, ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin, với mong muốn sẻ chia bớt khó khăn, gian khổ mà họ đang gánh chịu.

           Ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) chính thức được thành lập nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là Ngày “Vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”.

          Từ khi thành lập đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành ở Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương là nhân tố quyết định để tổ chức Hội ra đời, phát triển, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Hội đã tổ chức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp đón, hướng dẫn các đoàn khách quốc tế đi thăm nạn nhân và các điểm nóng tồn dư chất độc dioxin; tổ chức và tham gia nhiều hội nghị và diễn đàn ở trong và ngoài nước để cung cấp thông tin về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả của thảm họa đó ở Việt Nam; tổ chức các cuộc tuần hành, mít tinh, ký tên và quyên góp được trên 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng, sữa chữa nhà ở, học bổng, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất, tìm việc làm…cho nạn nhân và gia đình họ. Kiên trì mục tiêu và nỗ lực thúc đẩy cuộc đấu tranh đòi quyền công lý của các nạn nhân. Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ trong Hội Nạn nhân mà còn các tầng lớp nhân dân và thu hút được bạn bè quốc tế. Phong trào đã phát triển liên tục cả bề rộng và bề sâu, từ phong trào thi đua đã xuất hiện những tấm lòng vàng vì nạn nhân ở trong và ngoài nước, những tấm gương vượt khó, vươn lên rất đáng khâm phục của các nạn nhân. Đến nay Hội đã có tổ chức ở 61/63 tỉnh, thành phố của cả nước với trên 350.000 hội viên. Năm 2011, Hội đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 15 tập thể, 11 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng do các tỉnh đề nghị, 02 Cờ thi đua của Chính phủ, 09 Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho các tập thể… Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, toàn Hội quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, duy trì phong trào thi đua liên tục sôi nổi, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đại hội lần thứ III của Hội đề ra, thúc đẩy sự nghiệp chăm sóc giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt nam.

          Trước khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đã thân mật đón tiếp các đại biểu của Hội. Tại buổi tiếp đồng chí đã giới thiệu khái quát về nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới và đã trân trọng trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các đại biểu.

          Thay mặt cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam, đồng chí Phạm Trương, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội đã viết những dòng cảm tưởng tại cuốn sổ Lưu niệm: “Kính thưa Bác! Đoàn cán bộ và nạn nhân Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vô cùng xúc động và tự hào được vào Lăng viếng Bác, báo cáo với Bác thành tích mà Hội đã đạt được trong những năm vừa qua, chúng con luôn ghi nhớ công ơn của Bác đối với dân tộc. Chúng con xin hứa với Bác sẽ tiếp tục phấn đấu làm được nhiều điều tốt đẹp cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, khắc phục hậu quả nặng nề và khắc nghiệt mà cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ để lại..”.

hoi nan nhan 2

 

hoi nan nhan 3

Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau buổi tiếp, Đoàn đã kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.         

Bùi Hoa

Bài viết khác: