Sáng ngày 06/8/2016, đoàn Già làng tiêu biểu huyện Đăk Pơ, Gia Laiđã ra thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Đoàn gồm 20 đại biểu, do đồng chí Cao Nhật Lam - Chánh Văn phòng huyện uỷ Đăk Pơ làm Trưởng đoàn.

doan-gia-lai-2016-1
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

          Nằm trên địa bàn chiến lược ở khu vực bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đa dạng về thành phần cư dân và nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù trải qua biết bao biến đổi của lịch sử, trên mảnh đất Gia Lai vẫn duy trì một nền văn hóa đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên bản địa. Huyện Đăk Pơ (Gia Lai) mới được thành lập đầu năm 2004, trên cơ sở chia tách huyện An Khê cũ thành thị xã An Khê và huyện Đăk Pơ. Hiện nay, toàn huyện có 8 xã bao gồm 62 thôn, làng; 6.817 hộ (đồng bào dân tộc thiểu số có 1.377 hộ).

                Làng Kuk Kôn (119 hộ/582 khẩu) và làng Kuk Đăk (88 hộ/459 khẩu) xã An Thành, huyện Đăk Pơ với gần 100% là đồng bào dân tộc Bahnar vốn hiền hòa, bình yên. Nhiều năm qua, huyện Đăk Pơ đã triển khai các chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làng Kuk Kôn và Kuk Đăk phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vì vậy đồng bào nơi đây luôn đoàn kết, nỗ lực làm ăn, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

          Đầu năm 2008, làng Kuk Kôn và làng Kuk Đăk có 21 hộ/102 khẩu vì nhận thức còn hạn chế, mê tín dị đoan nên theo"tà đạo Hà Mòn”.Trước tình hình trên, huyện Đăk Pơ đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm xóa bỏ các hoạt động của "tà đạo Hà Mòn" và trả lại sự yên bình cho dân làng Kuk Kôn và Kuk Đăk. Công tác tuyên truyền, vận động đối với các hộ theo "tà đạo Hà Mòn" đã được đẩy mạnh thường xuyên và liên tục, trên cơ sở tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản và các chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Huyện đã tổ chức tiếp xúc hơn 200 lượt người và đã phân tích cho họ thấy trách nhiệm của bản thân trong việc không để con em mình tham gia hoạt động "tà đạo Hà Mòn" quay về hoạt động các tôn giáo thuần túy. Đồng thời, thông qua lực lượng cốt cán, người có uy tín trong làng tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ về hoạt động và bản chất của tổ chức phản động đã lợi dụng tà đạo này nhằm đạt được những mục đích đen tối.

          Gặp gỡ chúng tôi, đồng chí Cao Nhật Lam, Chánh Văn phòng huyện uỷ Đăk Pơ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện cơ bản đã xóa bỏ hoạt động của "tà đạo Hà Mòn", người dân ở hai làng Kuk Kôn và Kuk Đăk đã trở lại sự yên bình vốn có. Những người theo "tà đạo Hà Mòn" trước đây đã thể hiện sự tích cực trong mọi sinh hoạt và việc làm, chú tâm trong lao động sản xuất, hòa nhập với cộng đồng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, huyện cũng có những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn kịp thời, không để cho "tà đạo Hà Mòn" phục hồi và hoạt động trên địa bàn huyện nói chung và ở hai làng Kuk Kôn và Kuk Đăk nói riêng.

          Tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về quá trình giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Công trình Lăng của Người, công tác tổ chức đón tiếp nhân dân, khách quốc tế tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và xem phim tư liệu “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”./.

                                                                                            Hương Quế

Bài viết khác: