Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời nhưng Người vẫn sống mãi với non sông, đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân nước Việt. Ngay sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

trung-doan-375-phoi-hop-1
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động và cao đẹp của “Lòng dân - ý Đảng”; của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc như lời đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Lễ Khánh thành Lăng ngày 29/8/1975: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là công trình văn hóa đặc biệt, một kỳ đài lịch sử của thế kỷ XX giữa Thủ đô Hà Nội, là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá, nghệ thuật nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”; nơi hun đúc chí khí cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước giao cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó có Trung đoàn 375.

Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt đó, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 375 luôn trau dồi phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, tu dưỡng đạo đức cách mạng; không ngừng phát huy truyền thống và lòng tự hào của người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực luyện tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế, quy định về công tác, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người.Đặc biệt trong công tác vũ trang canh gác, bảo vệ mục tiêu và bảo đảm ANTT khu vực; đơn vị thường xuyên chủ động, làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, nhất là những vấn đề về ANTT có liên quan đến khu vực, địa bàn bảo vệ để phổ biến tới cán bộ, chiến sỹ. Chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án bảo vệ thuần thục, linh hoạt chính xác, đáp ứng tốt tình hình thực tế. Đơn vị luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, để cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mục tiêu bảo vệ, không một phút chủ quan, mất cảnh giác, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ, việc liên quan đến ANTT an toàn mục tiêu. Trong từng phiên gác, ca tuần tra, ngày cũng như đêm, CBCS trực tiếp làm nhiệm vụ không hề quản ngại khó khăn, gian khổ, đề cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, góp phần giữ vững an ninh trật tự Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình và Cụm Di tích lịch sử  - văn hoá Ba Đình.

Thực hiện quyết định 28/2000/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 02 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình; theo Nghị định 37/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 40 năm qua Trung đoàn 375 đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đơn vị trong Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, các đơn vị thuộc Công an Thành phố Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, bảo vệ công trình kiến trúc Lăng, đồng thời tổ chức tốt nhiệm vụ tổ chức lễ viếng Bác. Đã đón tiếp, hướng dẫn phục vụ hơn 52 triệu lượt người vào Lăng viếng Bác (trong đó có hơn 07 triệu lượt khách quốc tế) đảm bảo chu đáo, an toàn; nhận và trả đầy đủ gần 08 triệu hành lý của khách gửi khi vào Lăng viếng Bác; cùng với công tác lễ tân, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã vận dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ của Ngành, trong đó có biện pháp kỹ thuật, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện hàng ngàn trường hợp người đến viếng mang theo vũ khí và những vật dụng trái với quy định, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực Lăng. Bên cạnh đó đơn vị còn chuẩn bị tốt các phương án, dụng cụ sơ cứu và cấp cứu y tế trên bảy nghìn lượt người; hàng nghìn trường hợp cụ già, thương binh, người tàn tật, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được CBCS phục vụ xe đẩy để đưa vào viếng Bác. Không quản ngại khó khăn, làm việc với thái độ nghiêm túc, lịch sự, hoà nhã, ân cần, tận tụy và mến khách là phẩm chất của những người làm công tác đón tiếp, đồng bào và khách quốc tế  vào Lăng viếng Bác. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của người chiến sỹ Cảnh vệ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình trạng  khủng bố ngày càng lan nhanh đến các nước Đông Nam Á, đặt ra cho chúng ta những bài toán bảo đảm an ninh cần phải giải quyết. Trước tình hình đó, kẻ địch có thể lợi dụng những hoạt động này để chống phá cách mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu vực Trung ương, Chính phủ là mục tiêu trọng điểm, kẻ địch luôn tìm mọi cách để xâm nhập, phá hoại. Qua thực tiễn triển khai công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh, an toàn Công trình Lăng, khu vực Quảng trường Ba Đình, đơn vị đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là:Phải thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị, lòng tự hào trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; nâng cao ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn nêu cao tinh thần phục vụ đồng bào, chiến sĩ cả nướcvà bè bạn quốc tế về Lăng viếng Bác.

Hai là: Phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tốt hệ thống trực chỉ huy, trực ban tác chiến, đơn vị trực chiến theo quy định; xây dựng kế hoạch và tổ chức luyện tập các phương án bảo đảm an ninh, phòng chống cháy nổ; thường xuyên tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối khu vực Lăng Bác; tích cực huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, võ thuật chiến đấu; thường xuyên bổ sung hoàn thiện kế hoạch tác chiến theo quy định; chủ động tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập các tình huống giả định không để bị động, bất ngờ  xảy ra. Bên cạnh đó, duy trì thực hiện nghiêm túc Quy định quản lý bảo đảm an ninh Công trình Lăng, khu vực Quảng trường Ba Đình; kiểm tra chặt chẽ người, vật tư ra vào Công trình, doanh trại và các khu vực liên quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối Công trình Lăng.

Ba là: Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình tổ chức tiếp đón, phục vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối đồng bào, chiến sĩ trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và khách quốc tế đến viếng Bác và đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tham quam khu vực.

Bốn là: Phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tăng cường xây dựng địa bàn vững mạnh, trong sạch về chính trị, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa đơn vị và địa phương nơi đóng quân. Xây dựng mạng lưới thông tin nhân dân để thu thập tin tức, phát hiện những đối tượng nghi vấn có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của đơn vị tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, môi trường khu vực.

Năm là: Thực hiện tốt công tác quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Phát huy hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin trong việc bảo vệ khu vực Lăng ngay từ xa cũng như phục vụ tốt các hoạt động sinh hoạt văn hóa, chính trị, biểu diễn nghệ thuật tại Lăng và Quảng trường Ba Đình.

Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn phải tích cực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, luôn đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là với nhiệm vụ. Từ cán bộ chỉ huy đến người chiến sỹ dù ở vị trí công tác nào cũng đều phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về vinh dự và trách nhiệm, tự hào là người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác Hồ./.

Thượng tá Lê Ngọc Dao

Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375

Bài viết khác: