Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

            Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Trần Kinh Chi (91 tuổi) - nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên, người gắn bó với Công trình Lăng và nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng đầu tiên sau khi Người qua đời để giúp độc giả hiểu hơn về  quá trình hình thành, nhiệm vụ đơn vị.

Bac kinh chi 1

Thiếu tướng Trần Kinh Chi

            TTĐT: Thưa Thiếu tướng! Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình được thành lập ngày 14/8/1976 theo Quyết định số 145/CP của Hội đồng Chính phủ với nhiệm vụ tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch, quản lý Lăng Hồ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình. Là Trưởng ban đầu tiên, Thiếu tướng có thể cho bạn đọc hiểu thêm về hoàn cảnh, ý nghĩa, nhiệm vụ của Ban Quản lý Lăng khi mới thành lập?

            Thiếu tướng Trần Kinh Chi: Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được dự kiến xây dựng từ năm 1971 và hoàn thành trong năm 1973. Tuy nhiên, tình hình chiến tranh diễn ra ác liệt, vì vậy, sau khi Hiệp định Pari được ký kết năm 1973 Công trình Lăng mới chính thức được triển khai xây dựng và hoàn thành vào năm 1975. Đây là Công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, được xây dựng với kiến trúc phù hợp nhất, trong thời gian ngắn nhất với chất lượng tốt nhất thể hiện quyết tâm của cả dân tộc, bằng tình cảm, lòng tôn kính của triệu triệu người con Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bac kinh chi 2

Gắn bó với Công trình Lăng và nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
 từ những năm tháng đầu tiên sau khi Người qua đời, Thiếu tướng tâm huyết kể lại những sự kiện quan trọng gắn với nhiệm vụ

            Sau khi Bác qua đời, xác định nhiệm vụ giữ gìn thi hài là nhiệm vụ trọng đại của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Trưởng ban A chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề về nghi lễ, tang lễ. Thực tế nhiệm vụ giữ gìn thi hài thì chúng ta chưa có kinh nghiệm, vì vậy, năm 1974 tôi và đồng chí Phùng Thế Tài được cử đi Liên Xô tham quan, học tập kinh nghiệm giữ gìn thi hài, tổ chức các hoạt động thăm viếng, bảo đảm an ninh. Được trực tiếp đồng chí Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh bị của Liên Xô hướng dẫn tham quan, khảo sát các hoạt động và cách thức tổ chức việc giữ gìn thi hài Lê-nin và tổ chức lễ viếng Lê-nin. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, nghiên cứu thì Đảng, Nhà nước ta xác định không theo mô hình tổ chức của Lăng Lê-nin được, vì Lăng Lê-nin được vận hành như một công trình văn hóa, vận hành đơn giản, đã tồn tại từ lâu và thực tế điều kiện kinh tế, chính trị của Việt Nam lúc đó không phù hợp. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình chính trị, văn hóa, là nơi hội tụ ý chí, tình cảm, khí phách dân tộc Việt Nam, vì vậy việc tổ chức các hoạt động tại Lăng phải rất riêng, mang bản sắc Việt Nam, phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.

            Với việc xây dựng Công trình Lăng được giao cho acsc đơn vị cụ thể thực hiện từng nhóm công việc. Trong đó, khối chính của Công trình Lăng được giao cho bộ đội Công binh của Bộ Quốc phòng, vấn đề bảo đảm an ninh được giao cho Bộ Công an (Cục Cảnh vệ), vấn đề xây dựng Quảng trường Ba Đình giao cho Bộ Xây dựng, vấn đề bảo đảm cây hoa cây cảnh, vệ sinh môi trường được giao cho thành phố Hà Nội. Sau khi khánh thành Công trình Lăng, xuất phát từ thực tế nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác, phục vụ thăm viếng cần có nhiều lực lượng tham gia. Công trình Lăng và nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình của Đảng, Nhà nước và nhân dân, không chỉ riêng Quân đội phụ trách mà mặc nhiên cần được sự tham gia của các cơ quan khác như công an, tổ chức nhà nước, các tỉnh thành trong cả nước. Vấn đề giữ gìn thi hài, an ninh, tiếp đón khách, cây hoa cây cảnh đặt ra yêu cầu cần có các cơ quan chuyên trách phụ trách từng nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, sau khi Công trình Lăng đi vào hoạt động, các lực lượng đảm nhiệm nhiệm vụ khi tham gia xây dựng Lăng vẫn tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ. Xuất phát từ thực tế cần có một tổ chức để thống nhất hoạt động của các lực lượng đó, cần có một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thích hợp để quản lý, điều hành mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức cùng thực hiện nhiệm vụ lúc bấy giờ trở thành yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, có nhiệm thống nhất quản lý các lực lượng tại Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời có chức năng ra văn bản để huy động các tổ chức, địa phương cùng thực hiện nhiệm vụ tại Lăng. Đến ngày 07 tháng 12 năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 374-CT về việc đổi tên Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình thành Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

            TTĐT: Như Thiếu tướng đã nói, việc phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Là người đứng đầu, đồng hành cùng nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng có thể chia sẻ suy nghĩ về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay?

            Thiếu tướng Trần Kinh Chi: Trong giai đoạn hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước với đường lối đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, thì việc tổ chức sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đẩy lùi mọi luận điệu xuyên tạc về Bác, về con đường cách mạng chúng ta đang đi và góp phần bảo vệ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống tích cực và tinh thần trách nhiệm trong mỗi công việc. Đồng thời, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm đầu tiên của mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ ngay từ khi bắt đầu tham gia công tác tại Lăng. Khi có Chỉ thị 05/CT-TƯ của Bộ Chính trị thì vấn đề học tập và làm theo càng phải được đẩy mạnh thường xuyên, hiệu quả và thực chất hơn.

            Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác còn nặng về hình thức, chưa đi sâu vào thực tế. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần lấy nội dung giáo dục lý tưởng là nội dung tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tích cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị và tổ chức nghiêm túc, thực chất. Đối với cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng cần phải sống có lý tưởng ngay từ khi vào cơ quan công tác, lấy tấm gương của Bác làm đích đến hoàn thiện mình. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác từ những việc làm cụ thể, tác phong công tác, lối sống hàng ngày, tinh thần tiết kiệm, đạo đức trong sáng và trách nhiệm cao trong từng công việc bởi chúng ta phục vụ bên Lăng Bác cũng như những người cháu đích tôn của Người, phải tiên phong, gương mẫu trong từng hành động.

            Đặc biệt coi trọng giáo dục về tinh thần trách nhiệm, tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc quyết định giữ thi hài của Người tại Việt Nam thay vì đưa sang Liên Xô giữ gìn. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, quyết định đó thể hiện tình cảm lớn lao, trách nhiệm cao cả, tính chiến đấu của các thế hệ cha anh đi trước đã dám làm, dám quyết tâm và khắc phục mọi khó khăn. Mặt khác, tích cực học tập lối sống, phong cách và đạo đức của Bác. Vì thế, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ phải biết ơn và học tập thế hệ đi trước để ngày càng hoàn thiện bản thân, trung thành và nhiệt huyết với nhiệm vụ, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tinh thần tiết kiệm, tận trụy và tác phong công tác, đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong xây dựng cơ quan, đơn vị, cùng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

            TTĐT: Xin cảm ơn Thiếu tướng! Chúc Thiếu tướng và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.

Bài viết khác: