Trong ánh nắng Thu Hà Nội dịu nhẹ, nhân dịp lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, 20 cựu chiến binh Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 61- Trung đoàn tên lửa 236 đã về dâng hoa và vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tieu-doan-phong-khong-61-1
Đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 61 về bên Bác Hồ kính yêu

Về bên Bác Hồ kính yêu cũng là dịp để các cựu chiến binh cùng gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm một thời chiến đấu oai hùng đã qua. Trong những câu chuyện, họ xúc động nhớ đến từng trận đánh đã đi vào sử sách, những lần được Bác Hồ đến thăm, khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là những món quà thể hiện tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Người.

Đơn vị Anh hùng

Ngày 07-01-1965, Trung đoàn Tên lửa 236 được thành lập (đây là Trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam). Trận đánh đầu tiên của Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam do Tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236) thực hiện ngày 24-7-1965, diễn ra tại địa bàn huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).

Khoảng 20h ngày 11-8-1965, Tiểu đoàn 61 vào cấp I do Tiểu đoàn trưởng Hồ Sỹ Hưu, chính trị viên Vũ Ngọc Thụy chỉ huy. Cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn phát hiện một tốp mục tiêu và quyết định phóng 3 quả tên lửa khi cự ly cho phép; một chiếc máy bay bốc cháy dữ dội và rơi tại chỗ, 2 chiếc còn lại bay ra biển thì rơi một chiếc, chiếc còn lại hạ cánh xuống tàu sân bay Midway với hàng chục lỗ thủng do mảnh đạn tên lửa găm vào. Hai tuần sau chiến công này, Tiểu đoàn 61 vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm đơn vị khi đang đóng quân tại trận địa Phùng (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Từ khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, giành được những chiến công. Một trong số đó là chiến thắng vào ngày 7-3-1966. Bằng 1 tên lửa tại trận địa xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Tiểu đoàn 61 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay RF101 (được công nhận là chiếc máy bay Mỹ thứ 900 và 901 bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam). Với những chiến công lập được, ngày 1-1-1967, Tiểu đoàn 61 được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sáng 26-10-1967, Hà Nội vào Thu rất đẹp, nắng vàng và nền trời rất trong xanh. Sau những trận đánh ác liệt, hôm đó Tiểu đoàn 61 chỉ còn 5 quả đạn tên lửa. Từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đều băn khoăn nếu địch mở nhiều đợt tập kích thì rất khó được cấp đạn kịp thời. Toàn đơn vị đặt quyết tâm mỗi quả đạn diệt một máy bay địch; ngay quả đạn đầu tiên chính xác có thể làm rối loạn đội hình tấn công của chúng đồng thời bảo vệ an toàn mục tiêu bảo vệ.

Đúng như dự đoán, hôm đó, Không quân Mỹ ồ ạt đánh phá Hà Nội trong “Chiến dịch Sấm Rền 57”. Lúc 11h30 phút, bầu trời Hà Nội xuất hiện hàng chục chiếc máy bay A4, F8, F4 điên cuồng lao vào đánh phá khu vực Nội Bài, Nhà máy Điện Yên Phụ, Tổng kho Văn Điển… Nhiều chiếc máy bay đã bị đền tội bởi những loạt đạn tên lửa chính xác của các đơn vị. Với Tiểu đoàn 61 nhận nhiệm vụ vừa phải bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ nhưng cũng phải đảm bảo sự an toàn của khu vực Ba Đình, do đây là nơi có những cơ quan đầu não của đất nước, nên có những quy định về “góc cấm” không được phóng tên lửa, đề phòng trường hợp tên lửa mất điều khiển rơi xuống… Khi mục tiêu xuất hiện, trong khoảng thời gian 20 giây, với sự mưu trí sáng tạo và tinh thần dám chịu trách nhiệm, kíp chiến đấu đã chọn đúng thời cơ nhấn nút phóng tên lửa ngay trước khi chiếc máy bay của John McCain bổ xuống cắt bom, vừa bắn cháy máy bay, vừa đảm bảo an toàn Nhà máy Điện Yên Phụ.

Những kỷ niệm về Bác

Hàn huyên, kể lại những câu chuyện đã qua. Tất cả dường như đã lùi vào dĩ vãng nhưng giờ đây qua từng câu, từng lời của các cựu binh, những hình ảnh năm xưa như lại hiện về một cách rõ nét. Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là ngày Bác Hồ kính yêu về thăm Tiểu đoàn 61 vào ngày 26/8/1965, khi Tiểu đoàn đã bắn hạ được máy bay của Không quân Hoa Kỳ. Đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đài (khi đó là trắc thủ cự ly, sỹ quan điều khiển) nhớ lại: Buổi chiều ngày 26-8-1965, chúng tôi đang thường trực chiến đấu thì Bác và các đồng chí lãnh đạo Quân chủng bất ngờ đến thăm, không báo trước. Bác vào thẳng các nhà bạt ẩn dưới những rặng cây xoan. Mỗi nhà bạt thường kê 4 - 5 chiếc phản để anh em ngủ nghỉ. Thấy một nhà bạt không được ngụy trang kín đáo, Bác nhắc chúng tôi: “Tàu bay Mỹ trên trời, nhưng nó tinh mắt lắm đấy!”. Lời nhắc nhở đó của Bác khắc sâu mãi trong tim của những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 khi đó.

          Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61, sau khi biểu dương chiến công trận đầu ra quân đánh thắng, Bác nhắc nhở không được thỏa mãn với thành tích, luôn luôn trau dồi học tập nâng cao trình độ chiến đấu, tiết kiệm khí tài… Người khích lệ: “Bắn rơi máy bay địch là chiến công lớn nhưng sẽ tốt hơn nếu tốn ít tên lửa mà vẫn bắn rơi nhiều máy bay địch”. Theo lời Bác dạy, Tiểu đoàn 61 đã phát động đợt thi đua nâng cao chất lượng, trình độ tác chiến và lập công xuất sắc.

          Sau khi ôn lại những chiến công của Tiểu đoàn 61, Đại tá Nguyễn Xuân Đài tự hào kể: “Tôi có vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ. Trong đó, có 2 lần để lại những kỉ niệm sâu sắc và chúng tôi đều được Bác thưởng, tặng quà. Lần đầu, năm 1960, tôi tham gia đội hình tập luyện phục vụ Lễ diễu binh kỉ niệm 15 năm Quốc khánh. Khi chúng tôi đang tập ở sân bay Bạch Mai thì Bác đến thăm. Thấy chúng tôi ai cũng vất vả, người đen nhẻm vì nắng gió, Bác rất thương. Bác đến bên một chiến sĩ, nhấc chiếc mũ của anh ấy ra khỏi đầu và thấy hai vạch trắng rõ hai bên má, do dây mũ ngăn nắng, còn khuôn mặt đen sạm. Bác hỏi đồng chí thủ trưởng đơn vị và chỉ đạo tăng tiền ăn cho chúng tôi từ 7 hào/bữa lên 1 đồng/bữa. Ăn 1 đồng/bữa khi đó là rất tươi. Hàng ngày, sau giờ luyện tập, chúng tôi ăn no, ngon; vẫn còn thừa nhiều cơm và thức ăn nên anh em tôi lấy về để tối cải thiện.

tieu-doan-phong-khong-61-6
Đại tá Nguyễn Xuân Đài, AHLLVTND, nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân (bên phía tay trái); Đại tá Nguyễn Thanh Tân, nguyên Trưởng phòng Quân huấn, Quân chủng phòng không - không quân (bên phía tay phải)

 

          Lần cuối cùng, Đại tá Nguyễn Xuân Đài gặp Bác là khi Người đến thăm đơn vị vào dịp đầu Xuân Kỷ Dậu 1969 – mùa Xuân cuối cùng trước khi Bác đi xa. Dịp đó, đơn vị nuôi được một “ông trư” nặng tới 3 tạ. Dù phải cơ động chiến đấu nhưng đi đâu cũng đem theo chú lợn bự này, phải dùng máy cẩu đưa lên ôtô, đến nơi đóng quân lại cẩu xuống và phân công nhau kiếm rau, nấu cám…Hôm Bác đến thăm, đồng chí Trung đoàn trưởng báo cáo thành tích huấn luyện, chiến đấu và tăng gia sản xuất rồi xúc động bày tỏ: “Chúng cháu biếu Bác con lợn này ạ!”. Đáp lại tình cảm của chúng tôi, Người vui vẻ nhận và nói: “Bác rất vui vì đơn vị lập được nhiều chiến công, thành tích trong huấn luyện, chiến đấu và tăng gia sản xuất. Quà các chú biếu, Bác xin nhận; nhưng Bác biếu lại các chú và nhờ đơn vị bán con lợn này, lấy tiền mua nhiều lợn giống tặng các đơn vị trong Quân chủng để tăng gia, cải thiện bữa ăn cho bộ đội”.

Cùng chung cảm xúc, đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Tân (Nguyên Trưởng phòng Quân huấn, Quân chủng Phòng không - Không quân) tâm sự: Trong trận đánh sáng ngày 7-3-1966, phát hiện 1 tốp máy bay ở hướng Tây Nam, sau khi được lệnh phóng của Tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển Đỗ Văn Tân và các trắc thủ Khải, Đài, Tân đã bình tĩnh hiệp đồng chuẩn xác, điều khiển đạn đi trúng mục tiêu, diệt gọn 1 tốp2 chiếc máy bay trinh sát RF-101. Đây là trận đánh giành hiệu suất rất cao, là chiến công độc đáo hiếm có đối với Bộ đội tên lửa phòng không. Đó là chiếc máy bay thứ 900 và 901 của Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Sau chiến thắng này, Đại tá Nguyễn Thanh Tân vinh dự được thay mặt Tiểu đoàn 61 ra Hà Nội tham gia Đoàn Chủ tịch trong Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam; được gặp Bác Hồ và báo cáo kết quả trận đánh với Bác. Bác Hồ đã thân mật giới thiệu tôi với những đồng chí đang làm việc và khen ngợi thành tích xuất sắc của đơn vị. Đây là vinh dự, tự hào không chỉ đối với Tiểu đoàn 61,Trung đoàn 236 mà là vinh dự chung đối với  Bộ đội Tên lửa phòng không.

          Gần nửa thế kỉ đã qua, kỉ niệm về những lần gặp Bác vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm Đại tá Nguyễn Xuân Đài, Đại tá Nguyễn Thanh Tân và những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tên lửa 61 anh hùng. Với họ, học tập và làm theo đạo đức của Bác, trước hết phải từ những việc cụ thể, thiết thực trong công việc hàng ngày để luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Vân Phương

Bài viết khác: