Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chiều ngày 07/9/2016 đã có cuộc nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những câu chuyện đầy xúc động, mang giá trị lịch sử, giáo dục tư tưởng cho lớp cán bộ đi sau. Từng từ, từng câu đều là những lời chân thành của một người lính Bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nhiệm vụ.

noi-chuyen-thieu-tuong-tran-kinh-chi-4
Thiếu tướng Trần Kinh Chi (ngoài cùng bên phải, khi ấy là Đại tá Trần Kinh Chi) giới thiệu ảnh với Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật năm 1960

Chuyện của những ngày đầu

Thiếu tướng Trần Kinh Chi bắt đầu buổi nói chuyện bằng những lời chia sẻ chân thành về cảm xúc khi quay lại cơ quan cũ, nơi đã gắn bó với ông mấy chục năm trước. Thiếu tướng nói: Lăng Bác là nơi thực hiện nhiệm vụ rất thiêng liêng với đất nước, với nhân dân. Tôi may mắn được tham gia giữ gìn thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người từ những ngày đầu đến khi vận hành, đón tiếp đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Ở đây có rất nhiều kỷ niệm của tôi, hôm nay có cơ hội được về cơ quan, nói chuyện cùng các đồng chí, tôi rất xúc động.

Trước đây, Thiếu tướng Trần Kinh Chi từng nhiều lần được bảo vệ, tiếp cận Bác Hồ trong các chuyến công tác. Mỗi lần ấy, đồng chí Thiếu tướng đều cảm thấy rất tự hào và luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

noi-chuyen-thieu-tuong-tran-kinh-chi-1
Thiếu tướng Trần Kinh Chi tại buổi nói chuyện ngày 7/9/2016

Trở về quá khứ, câu chuyện của Thiếu tướng từng bước đưa mọi người về với những năm đã qua. Chúng tôi đặc biệt xúc động khi Thiếu tướng kể lại câu chuyện về với ngày Bác Hồ kính yêu của chúng ta ra đi mãi mãi. Ông bảo, khi ấy nghe câu nói: “Bác đã trút hơi thở cuối cùng” rồi lại phải báo tin: “Bác mất rồi”, ông vô cùng đau đớn.

Ông bảo ngày ấy là ngày vô cùng đau buồn, nhân dân cả nước đều rơi nước mắt. Ở thời điểm đó, tận mắt chứng kiến nhân dân ta, đồng bào ta nghiêm túc xếp hàng vào viếng Bác, có người như khóc ngất đi, có không biết bao nhiêu giọt nước mắt của người Việt Nam đã rơi xuống. Những tiếng khóc, giọt nước mắt khi ấy như chạm đến nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn mỗi người. Chính những chuyên gia y tế của Liên Xô (giờ là Liên Bang Nga) cũng rất xúc động khi tận mắt chứng kiến tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Bác Hồ.

Khi ấy, Quân ủy Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh  trực thuộc Quân ủy Trung ương (Ban Chỉ đạo) gồm 5 đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng ban; các ủy viên là Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y và Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội. Ban Chỉ đạo phân công các đồng chí Lê Quang Đạo (Trưởng ban), Phùng Thế Tài (Phó ban) và đồng chí Trần Kinh Chi (Ủy viên) đảm nhiệm thường trực Ban Chỉ đạo trực tiếp điều hành mọi công việc cụ thể. “Trước đây, mỗi lần được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ khi Người đi công tác,  tôi rất vinh dự, tự hào. Nhưng lần phải bảo vệ Bác khi Người đi xa mãi mãi làm tôi thật sự bồn chồn, lo lắng, bởi nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt quá” - Thiếu tướng chia sẻ.

Sau Lễ quốc tang, ông cùng các đồng chí lãnh đạo đã tiến hành phối hợp cùng các chuyên gia của Liên Xô tiến hành công tác bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài của Bác. Trong những năm 1969 – 1975, Đại tá Trần Kinh Chi (sau được phong quân hàm Thiếu tướng) đã giúp Ban Chỉ đạo tổ chức di chuyển thi hài Bác 6 lần, vượt đường xa, kể cả vượt sông, vượt suối, đến những nơi bí mật, hiểm trở đều bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Ông bảo: Mỗi lần di chuyển thi hài Bác đều phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe. Chính trong mỗi lần di chuyển lại có những sáng kiến rất hay của các đồng chí tham gia. Có thể nói, nhiệm vụ khó khăn, gian khổ nhưng khi quyết tâm thì đơn vị ta đều hoàn thành rất xuất sắc. Đây là truyền thống vô cùng tốt đẹp.

Viết tiếp trang mới cho nhiệm vụ vẻ vang

Trong buổi nói chuyện đặc biệt ngày hôm nay, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đặc biệt nhấn mạnh đến những nét đẹp, phẩm chất truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng. Những phẩm chất đó được hình thành từ những ngày đầu đơn vị mới thành lập. Đến nay, các phẩm chất ấy đã được khái quát lại thành: “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”. Phẩm chất nào cũng rất quan trọng. Nó được thể hiện rõ nhất ở việc chấp hành và thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc.

Trong câu chuyện của đồng chí Thiếu tướng kể lại có chuyện những ngày đầu tiên tổ chức đón nhân dân về Lăng viếng Bác. Khi ấy, điều kiện còn nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân ta còn nghèo nàn nhưng ai cũng mong muốn được vào Lăng viếng Bác. Hiểu được tấm lòng đó của nhân dân nên Thiếu tướng đã dày công nghiên cứu mô hình tổ chức, cách thức hoạt động của Lăng Lê-nin để vận dụng phù hợp, sáng tạo vào các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã cùng với tập thể Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và lãnh đạo Ban Quản lý Lăng lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật, tổ chức gác danh dự, bảo đảm an ninh và đón tiếp khách về Lăng viếng Bác tận tình, chu đáo.

noi-chuyen-thieu-tuong-tran-kinh-chi-3
Thiếu tướng Trần Kinh Chi cùng Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tại buổi nói chuyện

 Đồng chí căn dặn: Đồng bào, khách quốc tế vào Lăng viếng Bác cũng như khách của Bác vậy, vì thế cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của ta phải tiếp đón ân cần, chu đáo, tận tâm, thể hiện tấm lòng mến khách để nhân dân về Lăng viếng Bác cảm thấy thoải mái nhất, tạo được những ấn tượng tốt đẹp về người cận vệ bên Lăng Bác Hồ.

Ông nhấn mạnh: Nhiệm vụ của chúng ta thiêng liêng lắm, vì ở đây có Bác Hồ, triệu triệu trái tim nhân dân Việt Nam luôn hướng về Bác. Đến nay, dù đã 92 tuổi, đôi chân đã chậm đi rất nhiều, đôi mắt đã mờ đi nhưng trái tim, trí óc của ông vẫn luôn hướng về Bác, luôn mong mỏi các thế hệ sau của cơ quan, đơn vị sẽ mãi giữ được tấm lòng tôn kính Bác, phát huy vẻ đẹp phẩm chất của Bộ đội Bảo vệ Lăng, tiếp tục chủ động, sáng tạo trong công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

noi-chuyen-thieu-tuong-tran-kinh-chi-2

Đại tá Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nói lời
cảm ơn đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi trong buổi nói chuyện

Chia tay đồng chí Thiếu tướng sau 3 giờ nói chuyện, các đồng chí trong cơ quan, đơn vị đều vô cùng cảm động và mong muốn rằng Thiếu tướng luôn khoẻ mạnh để tiếp tục chứng kiến sự phát triển của đơn vị trong thời gian tới./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: