Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

            Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2005), nhân tài là người có tài năng xuất sắc (tài năng là năng lực xuất sắc, khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong một công việc gì). Nhân tài luôn được coi là “nguyên khí của quốc gia”, là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển và ổn định của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhân tài.

trong dung nhan tai
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Giáo sư Trần Đại Nghĩa, một trí thức từ Pháp về nước tham gia kháng chiến.
Ảnh: Internet

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài

Tư tưởng về nhân tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện không phải một cách tách rời độc lập, mà gắn kết chặt chẽ với các tư tưởng lớn về giải phóng dân tộc, phát triển con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài ở những luận điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, nhân tài là người có cả tài và đức:

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân tài là “người tài đức, có thể làm những việc ích nước lợi dân” (1). Theo cách quan niệm này thì một người được coi là nhân tài phải có cả tài và đức, và quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc ích nước lợi dân. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 07/5/1958, Người khẳng định: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người” (2).

“Tài” ở đây chính là tài năng, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để mỗi người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; người có tài là người đem hết tài năng của mình ra phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Nếu người có tài mà chỉ biết chăm lo lợi ích cho riêng mình thì không những là kẻ vô dụng mà còn có hại cho xã hội. “Đức” là đạo đức, là lòng nhiệt tình, là những khát vọng hướng tới “chân, thiện, mĩ”; người có đức là người luôn cố gắng học tập nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có tinh thần sẵn sàng nhường bước, ủng hộ những người tài năng hơn mình để họ ra gánh vác việc nước, việc dân. Nếu người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, chẳng khác gì ông Bụt ngồi trong chùa. Nhấn mạnh về “đức”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (3). Với các quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm những “người tài đức” và động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Thứ hai, nhân tài là lực lượng quan trọng trong công cuộc kiến thiết đất nước:

Ngày 14/11/1945, hơn hai tháng sau ngày đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc, Người đã nhấn mạnh “kiến quốc cần có nhân tài” (4). Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ vai trò của nhân tài trong công cuộc kiến thiết đất nước. Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, số 411 ra ngày 20/11/1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (5). Các bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là “chiếu cầu hiền tài” đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam. Khi sang Pháp đàm phán, Người đã cố gắng thuyết phục một số trí thức nổi tiếng có tài và đức trở về tham gia bảo vệ và kiến thiết đất nước, tiêu biểu là Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Phan Huy Thông, Trần Hữu Tước, Võ Đình Huỳnh,…Đồng thời, Người còn cảm hóa và lôi kéo nhiều tri thức cũ đi theo cách mạng, điển hình như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn,….

Thứ ba, phải thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài:

Sinh thời, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), bắt liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm Tâm xã, hướng dẫn cho họ về phương pháp tổ chức và hoạt động; lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đích thân tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ; lựa chọn những cán bộ trẻ xuất sắc gửi đi đào tạo tiếp ở những trường huấn luyện của Quốc tế Cộng sản. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Ðảng. Đây là những lớp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhân tài đầu tiên của thời kỳ lập Ðảng, cứu quốc trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.

Sau này, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mặc dù còn nhiều khó khăn và gian khổ, Người vẫn chỉ thị việc tuyển chọn và gửi nhiều thanh niên, học sinh ưu tú là những tài năng trẻ của Việt Nam sang Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc nhằm xúc tiến việc đào tạo trí thức bậc cao phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước. Trong những năm từ 1950-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng, điển hình là Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp Toán đại cương và các trường dự bị đại học, sư phạm cao cấp (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp người có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân n.

Thứ tư, sử dụng nhân tài là một khoa học và là nghệ thuật:

Cùng với việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, một vấn đề quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là việc sử dụng nhân tài. Theo Người, nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo léo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều, sử dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người. Trong bài viết “Thiếu óc tổ chức – một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 58 ra ngày 04/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ” (6). Việc sử dụng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc sử dụng nhân tài. Người căn dặn: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng có thể hóa ra tài nhỏ…Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chỉ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”. Thực hành tốt điều này sẽ phát huy được tối đa “tài” và “đức” của nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi để họ phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

2. Thu hút, sử dụng nhân tài trong giai đoạn hiện nay

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài, Đảng và Nhà nước ta luôn coi đội ngũ nhân tài là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh trong chiến lược phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước” (7); “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng” (8).

Nhằm thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả, trong giai đoạn hiện nay, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần xây dựng các tiêu chí xác định nhân tài:

Việc trọng dụng nhân tài đã trở thành nét truyền thống trong đời sống chính trị, xã hội của nước ta. Vậy thế nào là nhân tài? Đây là một khái niệm tưởng chừng đơn giản, song trên thực tế để tìm ra các tiêu chí xác định một cá nhân có phải là nhân tài hay không lại rất khó. Trong khi đó, với tư cách là chủ thể của chính sách nhà nước thì việc xác định được các tiêu chí của nhân tài là việc làm rất cần thiết.

Khi nói tới nhân tài là nói tới cả hai mặt tài và đức, trong đó đức là gốc. Ngoài ra, phải kể tới sự sáng tạo, cống hiến mà nhân tài mang lại cho xã hội. Ông cha ta quan niệm: Hiền tài là người có tài, có đức, có cống hiến lớn với nước, với dân. Trong bối cảnh hiện nay, khi nói tới nhân tài, không chỉ quan tâm tới hai thành tố là đức và tài mà còn cần đặc biệt quan tâm đến tính sáng tạo - thành tố biểu thị năng lực rất đặc trưng của con người (9).

Như vậy, khi lựa chọn nhân tài cần có cái nhìn toàn diện, đánh giá đầy đủ dựa trên các tiêu chí cơ bản sau đây:

- Về tài năng: Được đào tạo bài bản, khoa học; giàu tính sáng tạo; có năng lực chuyên biệt; biết phát hiện ra vấn đề mới, đam mê, tìm cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

- Về phẩm chất: Có động cơ vì lợi ích của xã hội, của cộng đồng.

- Có cống hiến xuất sắc cho xã hội, được cộng đồng, xã hội thừa nhận và suy tôn.

Các tiêu chí này cần có cả chỉ tiêu định lượng và định tính để đánh giá và lựa chọn.

Hai là, thực hiện đồng thời việc thu hút với sử dụng nhân tài đúng đắn, hợp lý:

Cái gốc của chính sách nhân tài nằm ở việc nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài. Nhân tài cần phải được trọng dụng, được giao nhiệm vụ xứng đáng và phù hợp với tài năng của họ; được tôn trọng, đánh giá đúng mức thành quả lao động và được ghi nhận, tôn vinh những gì mà họ cống hiến. Ngoài ra, Nhà nước cần chú trọng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường làm việc và có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với nhân tài.

Nhà nước cần mạnh dạn không áp dụng những quy định mang tính chất ép buộc nhân tài phải tuân thủ tiêu chuẩn xác định về thời gian, địa điểm làm việc. Lương được trả theo hiệu quả công việc và thường xuyên được điều chỉnh, đảm bảo cạnh tranh được với khối tư nhân. Đồng thời, coi trọng việc tạo lập môi trường cạnh tranh để các nhân tài, đặc biệt là nhân tài trẻ phát huy năng lực cá nhân của mình. Việc bổ nhiệm lên chức danh, chức vụ cao hơn, tạo điều kiện thăng tiến trong công việc cho nhân tài dựa trên tài năng chứ không dựa trên thâm niên hay tuổi tác. Đây thực sự là việc vận dụng sáng tạo mô hình việc làm, dần thay thế mô hình chức nghiệp vốn tồn tại rất lâu đời ở nhiều nước châu Á.

Trong điều kiện hiện nay, với ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, để giải quyết vấn đề trên, Nhà nước có thể lựa chọn những lĩnh vực, ngành nghề đang có thế mạnh, có nhiều nhân tài để thực hiện thí điểm. Cần xây dựng hệ thống thang, bảng lương riêng cho đội ngũ nhân tài. Lao động chất lượng cao phải được trả lương tương xứng để thúc đẩy khả năng sáng tạo của họ. Cần áp dụng thước đo của thị trường để trả công xứng đáng cho những nhân tài. Thu nhập của đối tượng này cần được điều chỉnh một cách mềm dẻo, linh hoạt để thích ứng với những biến động của thị trường lao động. Như vậy mới giữ được những người tài năng làm việc lâu dài trong khu vực nhà nước.

Ba là, thu hút và sử dụng hợp lý nhân tài cả trong và ngoài nước:

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam học tập, lao động tại các nước phát triển. Do đó, cần đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm.v.v... Việc thu hút này có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm của các lưu học sinh sau một thời gian dài học tập, làm việc ở nước ngoài, vừa thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam.

Chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả cả hai nguồn nhân tài trong và ngoài nước có ý nghĩa lớn trong việc phát huy sức mạnh tri thức của toàn dân tộc, bổ sung thêm tri thức mới, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển khoa học và công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước về nhân tài:

Với chủ trương: “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc” (10), công tác quản lý nhà nước về nhân tài cần được ưu tiên và chú trọng trong bối cảnh hiện nay.

Công tác quản lý nhà nước về nhân tài bao gồm các nội dung: Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển nhân tài; tăng cường các nguồn lực để phát triển nhân tài; hợp tác quốc tế về đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện chính sách và pháp luật về nhân tài.v.v… Nhằm đạt hiệu lực, hiệu quả, các nội dung quản lý nhà nước về nhân tài cần được thực hiện đồng bộ, có hệ thống, đảm bảo tính thống nhất với các chính sách khác của Nhà nước (11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đi xa nhưng tư tưởng của Người về nhân tài vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, cốt lõi của mọi thành công chính là dựa vào nhân tài, hay nói cách khác là dựa vào “nguyên khí của quốc gia”. Vì vậy, cần có chế độ, chính sách đặc biệt, những cách thức phù hợp để tìm kiếm, giữ chân, thu hút và phát triển nguồn trí tuệ của người Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Thực hiện những điều này là hành động thiết thực trong cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./

                   ThS. Hoàng Thị Thu Hiền, ThS. Hà Công Hải

1) (4) (5) (6) Hồ Chí Minh toàn tập (2002), tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia.

(2) Sđd, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia.

(3) Sđd, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia.

(7) (10) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008), Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

 (8) Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2008), Luật cán bộ, công chức, Luật số 22/2008/QH12.

(9) Dương Trọng Châu (2008), Chính sách thu hút và sử dụng tài năng trẻ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luận văn thạc sĩ khoa học, Hà Nội - 2008

(11) Hà Công Hải (2014), Thực trạng và kiến nghị về chính sách thu hút, sử dụng nhân tài ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 7/2014.

Bài viết khác: