Vấn đề biển, đảo luôn có ý nghĩa quan trọng đối với mọi quốc gia. Bởi biển có vai trò chiến lược cả về kinh tế lẫn quốc phòng… Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề biển, đảo. Người đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”1. Nhận thức được tầm quan trọng của biển nên Bác Hồ đã sớm định hình tư duy hướng biển và việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo.
Hình ảnh Bác Hồ hướng dẫn các vị khách nước ngoài
thăm vùng biển nước ta (ngày 22/1/1962)
Ngay từ nhỏ, Người đã nung nấu tư tưởng lớn, đó là đi đến nhiều nước ở phương Tây - nơi mà cách mạng khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ, đi qua các nước thuộc địa của Pháp, vào tận sào huyệt của kẻ thù để tìm hiểu thực chất của cái được gọi là “tự do, bình đẳng, bác ái” với mong muốn giúp đất nước thoát ra khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Vượt qua khuôn khổ của lễ giáo phong kiến, vượt qua hoàn cảnh chủ quan và khách quan của lịch sử… tư duy hướng biển để đi nhiều nơi trên thế giới đã sớm hình thành ở người thanh niên yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành, đi ra thế giới xem họ làm thế nào vừa để học tập, vừa để trao đổi kinh nghiệm với các nước bạn là một tư duy và tầm nhìn chiến lược hoàn toàn mới mẻ thời bấy giờ.
Bác Hồ không phải là người đầu tiên ở Việt Nam đi ra nước ngoài bằng đường biển. Trên thực tế, trước đó đã có nhiều người yêu nước đi ra nước ngoài bằng đường biển và không ít người đã nhìn thấy những cảnh ngộ khác nhau của người dân bị áp bức trên thế giới. Tuy nhiên, Bác Hồ lại là người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Ở Người hội tụ nhiều nhân tố: Đó là tâm trạng của người dân mất nước luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả, là tình cảm của một con người luôn đồng cảm với cảnh khổ đau của người dân nghèo khắp năm châu và hơn nữa đó là tầm nhìn của một con người trước khi đi ra nước ngoài đã được trang bị trình độ học vấn nhất định…
Mười năm đầu của hành trình cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến nhiều bến cảng của các xứ thuộc địa, lạc hậu ở Á - Phi trước khi dừng lại ở các nước phát triển ở Âu - Mỹ. Những biến động của tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến nhận thức của Người. Trong những chuyến đi ấy, Người đã gặp không ít khó khăn.
Hành trình cứu nước của Người bắt đầu từ năm 1911. Lúc đó, Người lấy tên là Văn Ba theo đường biển rời Sài Gòn sang Pháp. Từ đây, cuộc hành trình cứu nước của Người luôn song hành cùng biển cả. Tiếp đó, Người có một quyết định táo bạo đó là đi tàu vòng quanh châu Phi trong điều kiện hết sức khó khăn: Khí hậu châu Phi rất nóng, thuyền chở hàng lại tròng trành, rất dễ say sóng, nhất là lại một thân một mình, bầu bạn không có, đối với một thanh niên trẻ tuổi như Người lúc đó thì đấy là một suy nghĩ vượt ra khỏi mọi khuôn khổ bình thường. Mỗi chuyến đi biển để đến được một đất nước là một trải nghiệm với Người. Được mắt thấy, tai nghe cuộc sống của nhiều tầng lớp xã hội trên thế giới, đặc biệt lại được tiếp thu nhiều luồng văn hóa để rồi định hình trong Người cách ứng xử văn hóa khác nhau. Người qua Ả Rập, rồi đến xứ Tê-nê-ri-pho, xứ Lit-bon. Người được qua nhiều nước, đỗ lại ở nhiều bến ở các nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An-Giê-ri, Tuy-ni-di và những cửa bể Đông Châu Phi cho đến Công Gô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu Người cũng để ý, xem xét. Mỗi lần tàu cập bến là Người đều tìm cách để đi thăm thành phố xem người dân nước đó sinh sống như thế nào.
Khi Người đến Đa-ca, biển nổi sóng rất dữ. Tàu không vào bờ được, cũng không thể thả ca-nô vì sóng to. “Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”2. Với một tấm lòng luôn cảm thông với nỗi đau khổ của con người, Người đã cảm động và khóc. Theo Người: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo”. Và Người liên tưởng đến một chuyện xảy ra như thế ở Phan Rang - quê hương Việt Nam của Người “chúng nó cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối”. Trước đây, Người nghĩ rằng chỉ ở Việt Nam mới xảy ra cảnh tượng như thế nhưng qua các chuyến đi tới các nước thuộc địa ở châu Phi, tận mắt chứng kiến sự hung ác, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Người mới hiểu rằng: Đối với bọn thực dân tính mạng người dân thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.
Đầu tháng 12-1912, Người tiếp tục theo tàu đi qua Máctiních (Trung Mỹ) để đến nước Mỹ. Người tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Bắc Mỹ chống lại thực dân Anh thông qua Bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ (1776), Người đi làm thuê để kiếm sống do đó, Người hiểu hơn bao giờ hết cuộc sống của những người lao động Mỹ. Người đi thăm tất cả mọi nơi từ những khu phố hoa lệ giàu có ở Niu Oóc đến những ngôi nhà ổ chuột ở khu phố Háclem (Harlem) để tìm hiểu cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người nô lệ da đen… Với những chuyến đi như thế, Người hiểu ra rằng: Đằng sau những khẩu hiệu của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động hết sức tàn bạo, nhất là đối với những người da đen họ bị phân biệt đối xử một cách man rợ. Ở thân phận người lao động, Người dễ cảm thông và chia sẻ với những người dân cùng khổ từ Châu Á đến Châu Phi và từ Châu Phi đến Châu Mỹ. Qua đó, Người đã vượt khỏi ranh giới về màu da, chủng tộc mà nhìn nhận xã hội từ góc độ có hai loại người: Một thiểu số người đi áp bức và phần đông người bị bóc lột áp bức.
Không dừng lại ở đó, Người theo đường biển đến tiếp một số nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc… được chứng kiến tận mắt sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc đối với nhân dân các nước thuộc địa, Người cảm thông và viết hàng loạt bài báo để tố cáo tội ác đó. Nhất là trên cương vị Cục trưởng Cục Phương Nam quốc tế cộng sản, theo dõi sát sao động thái trên biển của các nước đế quốc Anh, Mỹ, Nhật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Người đã vạch trần thủ đoạn của các nước đế quốc và dự báo những điều mà sau này trở thành hiện thực: Thái Bình Dương và các nước xung quanh bờ Thái Bình Dương đã trở thành trung tâm dòm ngó của các nước đế quốc và sớm muộn một lò lửa chiến tranh sẽ nổ ra và “giai cấp vô sản phải nai lưng ra gánh”. Đồng thời, Người cũng đặc biệt nhấn mạnh: Vấn đề Thái Bình Dương là vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến. Lời chỉ dẫn này đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị đối với các thế hệ người việt Nam.
Không biết Người đã đi bao nhiêu nước khác nhau trên thế giới nhưng có thể nói rằng, những năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước của Người luôn đồng hành cùng biển khơi. Dường như là một hiện tượng ngẫu nhiên mà lại hữu ý. Ban đầu Người chỉ xác định ra nước ngoài để đi tìm một giải pháp cho cách mạng Việt Nam song vô hình hầu hết tất cả những chuyến đi của Người đều gắn bó mật thiết với những chuyến đi biển. Biển lại là sợi dây trực tiếp để Người có thể kết nối được với nhiều vùng đất xa lạ khác nhau trên thế giới. Nhờ những chuyến đi đó Người đã tiếp thu, tích lũy được nhiều kiến thức quý báu, tất cả với mục tiêu “vì độc lập, vì tự do” cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ cũng đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của biển, đảo. Nhiều lần Người nói: Biển ta là “biển bạc”, biển nước ta dài và rộng chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm-là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, Người khuyên mỗi người dân Việt Nam phải biết giữ gìn và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Người nhiều lần đến thăm công nhân và thủy thủ hàng hải, thăm đồng bào ngư dân đánh cá trên biển. Cùng với đó, Người cũng thường xuyên quan tâm đến lực lượng hải quân-những người canh giữ chủ quyền biển, đảo; rất nhiều lần Người đã đến thăm các cán bộ, chiến sỹ hải quân và đưa ra những lời khuyên thiết thực. Ngày 30-3-1959, tức là sau hơn hai tháng Cục Hải quân được thành lập, Người đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên Trường Huấn luyện bờ biển và Xưởng X46. Người căn dặn Nhà trường, đơn vị phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, phục vụ tốt, chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần; giáo viên, học viên của trường thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng tiếp thu kỹ thuật tàu biển... Ngày 15-3-1961, Bác Hồ đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai tại Quân cảng Bãi Cháy (thành phố Hạ Long). Người xuống tận các tàu đỗ tại quân cảng thăm nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ. Người căn dặn: “Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang…”3. Người đi tàu Hải quân HQ 254 - Hải Lâm ra thăm các chiến sỹ Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc tại đảo Hòn Rồng. Đến đảo, Người đến tận trận địa, vào nhà ăn, nhà bếp, thăm nơi ở, sinh hoạt của các chiến sỹ bảo vệ đảo. Bác căn dặn phải biết tìm ra cách đánh sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình vùng biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Trên đường ra vùng biển Đông Bắc, khi đi tàu trên sông Bạch Đằng, Bác xúc động nói: Cán bộ, chiến sỹ Hải quân phải ra sức phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ phải xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải ải quân của thế giới”4. Đây không những là kinh nghiệm chiến đấu quý báu dành cho chiến sỹ Hải quân nói riêng mà còn có ý nghĩa với quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, chiến sỹ
Trường Huấn luyện bờ biển ngày 30-3-1959
Ngày 13-11-1962, Bác Hồ lại đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ ba. Sau khi thăm nơi ăn, ở của bộ đội trên đảo, tại căn cứ Vạn Hoa, Người căn dặn: “Là chiến sỹ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”5. Người còn khuyên bộ đội trên đảo nên tích cực tăng gia sản xuất trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, học tập nhân dân đánh bắt cá để cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 1961, Bác đã đến thăm nhân dân các dân tộc trên đảo Cô Tô. Cũng nhân dịp này, đáp lại tình cảm của đồng bào trên Đảo, Người đã đồng ý cho phép xây dựng tượng đài của Người với hình ảnh tay phải giơ cao như Người vẫy chào nhân dân đến thăm đảo Cô Tô, mặt hướng ra Biển Đông bao la như che chở cho đất và người nơi đây. Đây là nơi đầu tiên và duy nhất được Người cho phép dựng tượng chân dung khi còn sống. Công trình tiền tiêu trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc này được khánh thành ngày 22/5/1968 nhân kỷ niệm lần sinh nhật thứ 78 của Bác.
Những năm 1963-1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ở miền Nam bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, việc chi viện vũ khí vào tiền tuyến miền Nam trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều tập thể cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường. Đặc biệt Đoàn 125 Hải quân đã hoàn thành tốt việc cứu hộ thương binh trên biển nhất là việc tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi trên biển trong cuộc phong tỏa của Mỹ. Trước những thành tích đó, Bác Hồ đã kịp thời gửi thư động viên: “Bác rất vui lòng ngợi khen thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú… Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch… bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc… Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…”6. Những lời tâm huyết của Người có ý nghĩa hết sức quý báu đối với cán bộ, chiến sỹ Hải quân. Đó là động lực, là kim chỉ nam cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là hoàn thành xuất sắc việc chi viện vũ khí vào chiến trường miền Nam bằng đường “Hồ Chí Minh trên biển” góp phần vào việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Như vậy là với một tầm nhìn sâu rộng, Bác Hồ đã sớm có tư duy hướng ra biển và đặc biệt quan tâm đến biển, đảo. Cùng với tinh thần luôn luôn học hỏi, Người đã tiếp thu được nhiều tư tưởng mới của nhân loại giúp cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng về đường lối cách mạng. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm sâu sát của Người mà các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã luôn nỗ lực hết sức, tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ giữ vững chủ quyển biển, đảo. Suy ngẫm về tư tưởng Hồ Chí Minh với biển, đảo để chúng ta có kinh nghiệm xây dựng kinh tế biển và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Ngày nay, vấn đề chủ quyền biển Đông đang thu hút sự quân tâm của toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang trở thành vấn đề cấp bách đối với nước ta. Vì vậy, những kinh nghiệm của Người về biển, đảo càng có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới. Bảo vệ biển, đảo là công việc của toàn dân, toàn quân, đặc biệt là các chiến sỹ hải quân. Hơn lúc nào hết chúng ta cần thấm nhuần lời dạy lịch sử của Bác Hồ: "Bờ biển nước ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó"./.
Lê Thị Thanh Huyền
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chú thích
(1) Quân ủy Trung ương, Kế hoạch tổ chức trang bị và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật 5 năm 1961-1965, Cục Quân lực lưu trữ, Hồ sơ 1104. TC1-61.
(2) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên giải phóng, H, 1975, tr. 30.
(3) Quân ủy Trung ương, Kế hoạch tổ chức trang bị và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật 5 năm 1961-1965, Cục Quân lực lưu trữ, Hồ sơ 1104. TC1-61.
(4) Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-1995), Biên niên sự kiện, Nxb QĐND, H, 1996, tr.32
(5) Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-1995), Biên niên sự kiện, Nxb QĐND, H, 1996,tr.40.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H, 2009, tr.486.