Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta đã ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế. 47 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của Người vẫn vẹn nguyên trong trái tim của thế hệ hôm nay.
Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961
Bác Hồ kính yêu đã dành cả cuộc đời mình cho dân tộc. Trái tim Người luôn cháy bỏng quyết tâm cống hiến cho nước, cho dân : “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Có lẽ vì vậy mà nhạc sĩ Thuận Yến đã viết nên những câu ca đầy xúc động:
“Bác thương các cụ già Xuân về dâng biếu lụa
Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu về cho quà
Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng
Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương
Bác viết thư thăm hỏi,gửi muôn ngàn yêu thương”
(Bác Hồ, một tình yêu bao la)
Qua nhiều câu chuyện được kể lại, hình ảnh Bác Hồ luôn rất mực giản dị nhưng cao quý vô ngần. Tình cảm của Người được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hi sinh cao cả nhất. Bác sẵn sàng nhường miếng cơm ít ỏi của mình cho người khác, bớt lại từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn, cùng đồng bào chung tay ra sức diệt giặc đói. Sự quan tâm, chăm sóc của Bác được thể hiện qua từng lời nói, từng hành động, từng câu chữ trong các bức thư Người gửi đi. Ở Bác có cả một biển tình yêu bao la không bao giờ vơi cạn.
Có thể nói, yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của Hồ Chí Minh. Bác yêu thương con người không phân biệt miền Nam, miền Nam, người già hay trẻ nhỏ… Bác dành tình yêu cho tất thảy những con người bị áp bức, bóc lột. Nhưng hết hơn, Bác dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, cho phụ nữ bởi theo Người đó là lớp người khổ nhất trong những người khổ cực.
Với trẻ em, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm và dành sự ưu ái vô cùng. Bởi sinh ra khi đất nước còn chiến tranh, đất nước còn trong cảnh nô lệ, các em nhỏ đã phải chịu nhiều thiếu thốn, mất mát. Càng yêu, càng thương, Bác càng thôi thúc thực hiện được ước mong giải phóng đất nước, giành cho được nền độc lập, tự do. Có như thế, các em nhỏ mới có thể thực sự được học tập, được lớn lên trong hạnh phúc. Đến đây, tôi lại nhớ đến những lời của Bác: "Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...".
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Bác Hồ đã viết: "Ông Các Mác nói rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”. Đối với Bác, tầng lớp phụ nữ luôn có vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng chung của dân tộc. Tuy nhiên, người phụ nữ vốn bị coi thường theo tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên họ phải chịu áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi. Bác không có gia đình riêng nhưng Bác hiểu lắm! Chính vì vậy nên trong bản Di chúc, Bác đã dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ bằng những lời chân thành nhất: Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".
Trong một lần tham quan, học tập cùng Công đoàn Văn phòng – Chính trị, tôi được nghe kể câu chuyện rất xúc động về Bác. Theo lời của người hướng dẫn, câu chuyện này được đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ kể lại. Bác khi còn sống và làm việc tại Nhà 67, Bác có thói quen là thường bật đài rất to vào mỗi buổi chiều, khi tất cả công việc đã xong, mọi người đã về hết. Có một lần, đồng chí Vũ Kỳ thấy Bác đang xem tài liệu mà tiếng đài to quá nên đến gần vặn nhỏ tiếng đài đi. Bác thấy vậy liền hỏi: Sao chú lại làm thế?
Đồng chí Vũ Kỳ trả lời: Dạ, cháu thấy Bác xem tài liệu mà tiếng đài to quá nên vặn nhỏ tiếng đi ạ!
Bác nhẹ nhàng bảo: Các chú ở, làm việc với Bác nhưng chưa hiểu hết Bác đâu. Chú biết không, các chú sau khi xong công việc, các chú về với gia đình của mình. Về nhà dù con cái có nghịch ngợm, vợ chồng có to tiếng với nhau thì cũng là âm thanh của một gia đình. Còn Bác, Bác ở đây chỉ có một mình. Bác để tiếng đài to như vậy để ở đây luôn có tiếng người.
Câu chuyện nhỏ nhưng lại khiến cho tất cả phải xúc động. Bác của chúng ta hi sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Bởi Bác chỉ một lòng nghĩ đến sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước, cho nhân dân ta sớm được hưởng nền tự do, độc lập, được tự chủ trên mảnh đất quê hương mình. Khi còn sống, Bác luôn mong mỏi được vào Nam, được gặp nhân dân miền Nam, được thăm, thắp nén hương lên mộ mẹ, mộ cha… Nhưng Bác đã ra đi mãi mãi khi mà mong ước ấy chưa được thực hiện. Đồng chí Vũ Kỳ từng kể, vì chưa thực hiện được điều đó nên Bác luôn bảo: Bác đi tới nơi nhưng chưa về tới chốn!
Với những đóng góp, hy sinh, Người đã trở thành biểu tượng lớn trong tâm hồn nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Người đã tìm ra con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đưa Việt Nam từng bước sánh vai với các cường quốc năm châu. Với tư tưởng, đường lối đối ngoại tiến bộ, Người đã tạo ra những mối quan hệ anh em sâu sắc với các nước bè bạn trên thế giới. Và đến tận ngày nay, tình cảm gắn bó giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước anh em mãi bền chặt. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt Đài tưởng niệm Hồ Chí Minh như: Cu Ba, Nga, Trung Quốc… Nhân dân tiến bộ thế giới nhắc đến Người với tất cả lòng kính trọng và thành kính.
Bức phù điêu Bác Hồ của tác giả V.Tsigal ở Quảng trường Hồ Chí Minh - Matxcơva.
Nhớ lần tôi có cơ hội cùng lớp đón tiếp tuyên truyền của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được về thăm lại nơi Bác Hồ đã từng ở tại Thừa Thiên Huế. Nơi ấy là một phần tuổi thơ của Người. Ngắm những di vật lịch sử còn lại, lòng mỗi chúng tôi đều cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Chính tại nơi này, Bác đã sống và chứng kiến từng ngày nỗi khổ của nhân dân mình, đã vun đắp nên tình yêu thương bao la ở Người, để rồi Người quyết định ra đi tìm con đường đúng đắn để giải phóng đất nước. Giờ đây, nơi Bác ở đã trở thành địa điểm du lịch ý nghĩa cho nhân dân và du khách quốc tế. Và những người dân nơi đây vẫn luôn tự hào vì mảnh đất họ đang sống được may mắn gắn liền với cuộc đời của Bác.
Nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác
Tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày vẫn có hàng dài nhân dân và khách quốc tế thành kính xếp hàng vào Lăng viếng Bác. Trong dòng người ấy, có người già, trẻ nhỏ, có phụ nữ, có đàn ông, có những thanh niên trẻ tuổi, có những người khuyết tật mang trong mình ý chí mạnh mẽ... Mỗi hình ảnh đó đều khiến những người làm việc, công tác tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như tôi đều cảm thấy xúc động. Bởi hơn ai hết, tôi và các đồng nghiệp hiểu tình yêu của họ dành cho Bác. Tình yêu ấy không chỉ là tình cảm cá nhân mà hơn hết nó là tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết quốc tế.
Công nhân viên Đoàn 595 thực hiện công tác tu bổ hai bên lễ đài
Những ngày này, Lăng Bác đang tạm đóng cửa nghỉ tu bổ trong 3 tháng (từ 05/9/2016 – 05/12/2016). Công tác tu bổ đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Vì vậy, rất nhiều nhân dân và khách quốc tế đến Lăng Bác nhưng không thể vào Lăng viếng Bác. Nhưng họ vẫn thành kính đứng trước Lăng Bác, thể hiện niềm tôn kính với Người.
Quảng trường Ba Đình hàng ngày vẫn đón nhiều nhân dân và du khách quốc tế
Học tập theo tấm gương của Người, hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đang tích cực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Người là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước noi theo, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Với riêng cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ và biết ơn Bác, mỗi người đã, đang và sẽ tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; trước mắt là hoàn thành tốt nhiệm vụ tu bổ năm 2016 để hệ thống thiết bị, chất lượng kiến trúc công trình, cảnh quan khu vực Lăng Bác luôn khang trang, đáp ứng tốt hơn việc đón tiếp nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan tại khu vực; xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân… để Lăng Bác mãi là nơi linh thiêng của dân tộc, của mỗi trái tim Việt/.
Thanh Huyền