Ngày 19/5/2012, nhân dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự nhất trí của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội khai trương tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng Bác, gồm phố Chùa Một Cột (đoạn giao từ Bà Huyện Thanh Quan đến Ông Ích Khiêm); phố Ông Ích Khiêm (đoạn giao từ Lê Hồng Phong đến Chùa Một Cột) và đoạn đường Nam Hùng Vương (giao Lê Hồng Phong đến khu vực Quảng trường hiện tại). Sau khi đi vào hoạt động, với nhiều hình thức hoạt động phong phú, tuyến phố đã mang đến cho đồng bào và khách quốc tế rất nhiều cảm nhận, suy nghĩ tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh người chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra tiến độ dự án
Tuy nhiên, nhiều hạng mục của tuyến phố (như hè đường, hệ thống thoát nước…) đã xuống cấp không còn phù hợp với cảnh quan xung quanh, cũng như việc tổ chức các hoạt động tại khu vực. Vì vậy, trong dịp tu bổ định kỳ Công trình Lăng năm 2016, sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Quản lý Lăng đã quyết định triển khai “Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến phố đi bộ”. Công trình do Viện Thiết kế Bộ quốc phòng tư vấn, thiết kế, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng là đơn vị tư vấn giám sát; Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại Nam Dương thi công, thời gian thi công từ 1/8/2016 đến 31/11/2016.
Thi công hệ thống thoát nước
Để tìm hiểu thêm về quá trình cải tạo, nâng cấp tuyến phố đi bộ, chúng tôi gặp Đại tá Phạm Văn Thiện, Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, đồng chí cho biết: Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng tuyến phố đi bộ là một trong những nội dung quan trọng trong việc cải tạo cảnh quan khu vực xung quanh Lăng Bác, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Sau khi hoàn thành, tuyến phố đi bộ sẽ là điểm nhấn quan trọng trong phục vụ nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan khu vực, vỉa hè của các tuyến phố sẽ được lát bằng đá tự nhiên khai thác tại Phú Yên có độ bền cao, có tính thẩm mỹ và chống trơn trượt cho người đi bộ. Toàn bộ tuyến phố sẽ lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí phù hợp với cảnh quan của từng khu vực; hệ thống cây xanh gồm Vàng Anh, Xoài, Phượng Vĩ, Ban được trồng xen kẽ cùng các bồn hoa, ghế đá bố trí dọc hai bên tuyến phố phục vụ du khách ngồi nghỉ. Đặc biệt, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã đầu tư hệ thống wifi miễn phí và các ki-ốt điện tử trên toàn tuyến phố đi bộ và khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình phục vụ nhân dân và khách quốc tế để có thể hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Thủ đô Hà Nội.
Thi công hệ thống cáp ngầm
Tại công trường trong những ngày này, người và phương tiện máy móc đang hối hả thi công các hạng mục của dự án. Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Nam Dương cho biết: Công ty được Ban Quản lý Lăng tin tưởng giao đảm nhận thi công tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng Bác, đây là niềm vinh dự to lớn đối với chúng tôi, ý thức được niềm vinh dự này, cán bộ, công nhân của Công ty đã và đang nỗ lực với năng suất và chất lượng cao nhất để sớm đưa công trình vào phục vụ nhân dân. Do phải thi công trong thời gian ngắn, yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thẩm mỹ của công trình đòi hỏi cao, cho nên Công ty đã huy động 100% nhân lực và phương tiện, tham gia thi công liên tục 3 ca trong ngày, chỉ trong một thời gian ngắn đã đào, san lấp, vận chuyển hàng nghìn m3 đất đá, tạo nền đường, xây dựng hệ thống thoát nước. Hiện nay, tất cả các hạng mục của tuyến phố đang được thi công đúng tiến độ của dự án đã đề ra, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành dự án trước 5 đến 10 ngày.
Tin tưởng rằng, sau khi cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng, tuyến phố đi bộ xung quanh Lăng Bác sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với đồng bào trong nước và khách quốc tế.
Nguyễn Văn Vượng, Ngọc Hà