Sáng 30/8/2012, 200 đại biểu tham dự Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II – 2012” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham dự của các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và UBND thành phố Hà Nội đã đến đặt hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự Những ngày Văn hóa Tây nguyên tại Hà Nội
lần thứ II năm 2012 vào Lăng viếng Bác
Đây là hoạt động văn hoá lớn chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và ngày Truyền thống của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (28/8), nhằm tiếp tục giới thiệu với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Tây Nguyên trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tôn vinh các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên, khai thác và phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hoá truyền thống. Đồng thời động viên, khích lệ nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế, xã hội; xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên trong lịch sử cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên thể hiện tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Thủ đô với các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Với chủ đề: Tây Nguyên - Truyền thống và phát triển, lễ hội giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật của các tộc người như: Trang phục truyền thống, trống da voi, cồng, chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người…giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa điển hình của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Đặc biệt, triển lãm “Tranh, tượng về Tây Nguyên” có trưng bày các tác phẩm về Tây Nguyên của các nhà điêu khắc, họa sỹ nổi tiếng như: “Bác Hồ với Tây Nguyên” của họa sỹ Xu Man, “Lớp học văn hóa dân tộc” của họa sỹ Hà Xuân Phong, “Cha và hai con” của họa sỹ Hồ Uông…Lễ hội còn giới thiệu vấn đề phát triển không gian văn hóa cồng chiêng - Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại; Bảo tồn sử thi Tây Nguyên – giá trị văn hóa tinh thần vô giá; Bảo tồn nền văn hóa bản địa phong phú và đa dạng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như: các loại nhạc cụ dân tộc, các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú và kho tàng văn học dân gian đặc sắc, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, lễ hội, trường ca, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc được lưu truyền qua nhiều thế hệ…Và vai trò quan trọng của các già làng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012” diễn ra tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên”. Đây là một diễn đàn, tiếng nói từ thực tiễn nhằm thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên, để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp, các mô hình tích cực trong các hoạt động vì sự phát triển của vùng Tây Nguyên trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn, tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự hiểu biết của xã hội về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số…Qua đó, tìm ra những biện pháp, mô hình hoạt động hữu hiệu nhất để vừa bảo tồn được vốn văn hoá truyền thống, vừa phát huy và khai thác có hiệu quả nền tảng truyền thống đó trong hội nhập và phát triển, giao lưu quốc tế, quảng bá du lịch…
Với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người con của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ kính cẩn nghiêng minh tưởng niệm Người - người thầy, người cha vĩ đại của đất nước đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu xin hứa với Bác sẽ tiếp tục gìn giữ những giá trị cách mạng cao đẹp, gìn giữ và phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xây dựng cuộc sống “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Lan Hương