Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam bao gồm những luận điểm sáng tạo liên quan tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Tư tưởng về giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện không phải một cách tách rời độc lập mà gắn kết, lồng quyện với các tư tưởng lớn về giải phóng dân tộc, phát triển con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội… Đây là một đặc điểm có ý nghĩa nền tảng của bài viết khi phân tích về tư tưởng giáo dục của Người.

1. Con đường hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết (từ 8/1910 - 2/1911) được xem như là mốc đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Tại đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không những dạy học trò kiến thức văn hóa mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Thầy dạy học trò đạo làm người, dạy cách sống, cách cư xử với mọi người.

giao duc a
Ðại biểu học sinh Trường TH Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch
(Tháng 5 năm 1956). Ảnh: http://www.nhandan.com.vn

Thầy Thành không chỉ là thầy giáo mà còn là người bạn tin cậy, quan tâm đến cuộc sống của các học trò, giúp đỡ, động viên cả về vật chất và tinh thần, khi trò phạm lỗi, Thầy nhẹ nhàng khuyên bảo. Bằng trái tim chân thành, cởi mở, thầy Thành đã gắn kết được các trò trong tình thương yêu, tương trợ lẫn nhau. Thầy luôn căn dặn những học trò thân yêu: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù vậy” (1). Thầy tâm sự với các em: “Thầy nghĩ chúng ta học cái chữ để biết được điều hay lẽ phải trên đời và theo Thầy, trước hết là học để biết và làm được những việc ích nước lợi dân” (2).

Thầy Thành là người có những phương pháp dạy học mới, tiến bộ. Thầy quan tâm đến việc giáo dục, phát triển toàn diện các trò. Không chỉ gò bó học trò trong khuôn viên lớp học, vào những ngày nghỉ, thầy Thành đã chọn phương pháp học mới là đưa học trò tham quan, học tập ở ngoài trời, giúp học trò có những trải nghiệm thực tế, hiểu rõ hơn những gì đã được học, cũng là cách để gần gũi với cuộc sống của người dân nơi đây.

Những năm tháng dạy học ở trường Dục Thanh tuy không dài, nhưng thầy Thành đã có thêm nhiều trải nghiệm mới, rèn luyện bản thân, tích lũy thêm nhiều kiến thức, vốn sống để làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên tàu rời quê hương, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm. Quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành đến người cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam bao gồm những luận điểm sáng tạo liên quan tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

2. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Thứ nhất, vai trò của giáo dục

Nói về vai trò của giáo dục, điều đã được đề cập quá nhiều mà người ta dễ sa vào những triết lý chung chung, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có cách đánh giá riêng với các lập luận của mình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của giáo dục thường gắn với sự phân tích khác liên quan tới hoạt động diễn ra trong cuộc sống. Nhờ vậy, vai trò của giáo dục luôn có ý nghĩa thực tiễn cụ thể. Đó chính là nét sáng tạo trong tư tưởng của Người.

Vai trò của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, một nền giáo dục vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới - con người XHCN. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” (3). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án rất sâu sắc nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp với chính sách ngu dân dễ trị, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ” (4).

Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vai trò này được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là  “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” (5). Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc (23/3/1956), Người động viên các thầy, cô giáo: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước.Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo” (6). Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va (19/7/1955), Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (7). Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ vai trò của giáo dục là phát triển toàn diện con người để giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Thứ hai, nội dung của giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có:

“- Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.     

- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.  

- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.   

- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” (8).

Cả bốn nội dung trên của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?” (9). Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” (10).    

Ở khía cạnh khác, nội dung của giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” (11).

Các quan điểm về nội dung của giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ở trên được xem là những yêu cầu bắt buộc của một nền giáo dục mới để đào tạo ra những con người mới. Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý, nội dung giáo dục được đưa vào giảng dạy phải theo nguyên tắc “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở chất lượng, không quý ở số lượng). 

giao duc b
Bác Hồ đang theo dõi một cháu nhỏ đánh vần khi đến thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than,
Hà Nội, năm 1958. Ảnh: http://dantri.com.vn

Thứ ba, phương pháp giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu.

Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý áp dụng phương pháp giáo dục “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” (12). Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” (13).

Người phân tích: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành” (14).

Sau này, trong các bài viết, bài nói chuyện, Người cũng thường xuyên nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục.

Thứ tư, giải pháp phát triển giáo dục

Cùng với vai trò, nội dung, phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự chú ý đáng kể đối với các giải pháp phát triển giáo dục. Bởi vậy, cần coi đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng về giáo dục của Người.

Trong các giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, vấn đề kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có vị trí khá nổi bật. Người nói: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” (15); “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt” (16). Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần có sự quan tâm và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều người. Người nhắc nhở: “Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình hơn nữa” (17). Người luôn luôn kêu gọi đồng bào đóng góp công sức của mình vào việc xây dựng giáo dục: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học” (18).

Những giải pháp phát triển giáo dục ở trên rất cụ thể nhưng cũng rất cơ bản. Đặc điểm của các giải pháp đó là gắn chặt, nhất quán với đánh giá vai trò của giáo dục và định hướng phục vụ của giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của giáo dục, coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH là: (1)  Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (2) Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu; (3) Giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; (4) Phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ KH&CN và củng cố quốc phòng, an ninh; (5) Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo; (6) Giữ vai trò nòng cốt của nhà trường công lập đi đôi với đa dạng hoá các loại hình giáo dục - đào tạo, trên cơ sở nhà nước thống nhất quản lý.

Trong bối cảnh mới với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết và kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới là: (1) Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; (2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; (3) Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; (4) Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KH&CN; phù hợp quy luật khách quan; (5) Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; (6) Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển giáo dục và đào tạo; (7) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy giáo dục phát triển. Điển hình là ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục năm 2005, Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014,  Luật Giáo dục đại học năm 2012; ban hành các cơ chế, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; về cơ hội tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; về đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo,…

Mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước ta hiện nay. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong tư tưởng của Người những gợi ý để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về vai trò, nội dung của giáo dục…, mà còn có thể học được từ đó phương pháp luận giải quyết vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các phương pháp này rất gần với những gì đang được nói tới hiện nay như mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội,…

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục từng góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong lịch sử, sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế./.

Thu Hiền

 (1, 2). Sơn Tùng (2009), Búp sen xanh, Nxb. Văn học, Hà Nội.

 (3). Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 4,  tr. 40.

 (4, 6, 7, 8, 11, 15) Sđd, tập 8, tr. 80, tr. 138, tr. 25, tr. 74, tr. 81, tr. 395.

 (5, 9, 13, 14) Sđd, tập 5, tr. 684, tr. 504, tr. 472.

 (10, 12, 17) Sđd, tập 11, tr. 331, tr. 333, tr. 620.

 (16) Sđd, tập 9, tr. 338.

 (18) Sđd, tập 10, tr. 191.

Bài viết khác: