Trong một lần về thăm quê Thái Bình, tôi tình cờ được gặp Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình. Khi biết tôi đã từng làm việc tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông xúc động nhớ lại.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh
trao quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam
Ngày ấy, ngày 2-9-1975, trong dòng người nối nhau vào với Bác, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình, cùng các đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ cao cấp trong Quân đội đã từng hứa trước Người: “Có được danh hiệu Anh hùng đã khó, giữ được danh hiệu Anh hùng lại càng khó hơn, nhưng bằng mọi giá con sẽ giữ được”. Ông mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nhưng với ông, may mắn là những năm tháng tuổi thơ ông đã được gặp Bác Hồ. Năm 1951, Người về thăm quê lúa Thái Bình, ông nằm trong danh sách những thiếu nhi xuất sắc được đón Bác. Từ sáng sớm ông đã đi bộ 12km để được gặp Bác. Khi gặp được Bác, ông lắng nghe từng lời dặn dò của Người và trong thâm tâm,ông mong muốn lớn lên sẽ trở thành quân nhân. Năm 1959, Luật Nghĩa vụ quân sự ra đời, chàng trai 20 tuổi này rất háo hức nhưng chính quyền địa phương không đồng ý bởi ông nằm trong hoàn cảnh gia đình neo người. Nhưng, trước sự cương quyết của ông, xã đội phải lên huyện đăng kí bổ sung tên ông vào danh sách.
Vào quân ngũ, ông hăng hái, xung phong trong công tác nên được cử đi học hạ sĩ quan, sau đó sang Lào giúp bạn chiến đấu suốt 15 năm 8 tháng mà nhiệm vụ cơ bản là xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu. Sống và chiến đấu trong cảnh thiếu thốn lương thực, ông cùng 60 đồng chí vượt qua mọi gian khổ, bám cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ. Ba lần địch càn quét bằng những vũ khí hiện đại, ông và đồng đội cùng nhân dân đánh trả bằng những vũ khí thô sơ nhưng với sự đoàn kết quân dân, cả ba lần chúng đều thất bại thảm hại. Nhân dân Lào rất yêu quý bộ đội Cụ Hồ, các mẹ đã nuôi nấng chúng tôi như con, che chở, giúp đỡ, động viên. Chúng tôi chiến đấu hết mình, mong một ngày chiến tranh kết thúc để được về gặp Bác, được hội ngộ trên quê hương toàn thắng.
Nhưng rồi vào một ngày mưa lũ năm 1969, nước ngập hết cơ sở, ông và các đồng đội mình cùng nhân dân khi ngồi trên ngọn cây chờ nước rút, thì nghe trên đài tin đau buồn nhất: Bác Hồ qua đời. Tổ công tác xé chiếc áo may ô màu đen để tang Bác. Sau khi mưa lũ rút hẳn, anh em họp mặt nhau lập bàn thờ làm lễ mặc niệm Người trên đất bạn Lào. Cả đơn vị và nhân dân Lào, ai cũng nức nở trong nỗi niềm tiếc thương Bác vô hạn. Nén đau thương, trong hoàn cảnh địch vẫn ráo riết càn quét, truy lùng, mọi người vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng.
Năm 1975 tôi về nước.Vào Lăng viếng Bác trong Ngày Quốc khánh, là một vinh dự, nhưng trong tôi có một nỗi đau lớn đè nặng. Những người lính chúng tôi khi trở lại, ai cũng mong rằng được nhìn thấy Bác với bàn tay vẫy chào, động viên như ngày nào. Bác nằm trong Lăng, yên lặng, nhưng tôi có cảm giác như trái tim Người vẫn đập cùng nhịp thở của non sông. Hết giặc rồi, đất nước này cần phải được dựng xây khang trang, giàu đẹp và phải được bảo vệ nền hòa bình độc lập mãi mãi, nên chúng tôi vẫn ý thức rằng, giã từ khói lửa chiến tranh, không có nghĩa là mình đã hết trách nhiệm.
Trở về quê hương, ông làm Huyện đội trưởng Huyện đội Kiến Xương và sau đó lên làm Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thái Bình. Với sự năng nổ, nhiệt tình, ông được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội khóa 8, làm Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình kiêm Phó Bí thư Đảng ủy quân sự tỉnh Thái Bình. Một thời, ông mạnh dạn phát động anh em làm kinh tế, và cũng là người sáng lập công ty Nicoteck, chuyên về thuốc bảo vệ thực vật, vừa phấn đấu hết mình trong nhiệm vụ lại vừa năng động trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân và anh chị em quân nhân. Một đời hết mình cho công việc, ông về hưu sống một cuộc sống giản dị: Căn nhà nhỏ ở thành phố Thái Bình, tham gia một số công tác xã hội và sống thanh đạm với thú vui của một người đã bước sang tuổi cổ lai hy. Ông tâm sự: Tôi sống như vậy, thấy mình dễ chịu. Mỗi lần nhớ đến lời hứa trước anh linh của Bác, tôi lại thấy mình thanh thản, và tôi lại vẫn tiếp tục thực hiện lời hứa năm xưa cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hạnh
Hết lòng vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin
Hiện nay, với cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin Thái Bình, ông Nguyễn Đức Hạnh tâm sự: Sau bao năm chiến đấu và phục vụ quân ngũ, tôi muốn nghỉ ngơi nhưng nhìn đồng đội và con cháu đồng đội giữa hòa bình vẫn đang phải đối mặt với bệnh tật, nghèo khổ, bất hạnh, hậu quả của chất độc dam cam/dioxin gây ra, là một người lính từng vào sinh ra tử, mình không thể yên lòng nghỉ ngơi được. Hơn nữa, Thái Bình là một tỉnh có tới 3,4 vạn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Với tâm niệm ấy, suốt 13 năm qua, người cựu chiến binh này đã lao vào công tác xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân da cam. Ông đã cùng lãnh đạo Hội xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống Hội từ Tỉnh tới cơ sở và là một Hội luôn trong tốp dẫn đầu cả nước về hoạt động Hội.
Ông đã cùng các cấp Hội ở Thái Bình đã vận động các doanh nghiệp được trên 40 tỷ đồng và ký kết phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể đồng hành chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. Nguồn lực trên đã giúp trên 400 gia đình nạn nhân da cam xây, sửa nhà; trợ cấp, tặng quà cho trên 20 ngàn lượt nạn nhân; cấp 500 xe lăn, xe lắc, ghế bại não, hàng trăm máy trợ thính và hàng trăm máy bơm nước; khám, cấp trên 60 ngàn thang thuốc Bắc; cấp thuốc Tây cho trên 4000 gia đình miễn phí; tặng trên 200 quạt điện, 120 giường nằm, hàng ngàn chăn, quần áo ấm... khám phẫu thuật chỉnh hình cho hàng trăm các cháu, đưa hàng trăm cựu chiến binh đi phục hồi chức năng; tổ chức dạy và giới thiệu việc làm cho gần 500 con cháu nạn nhân da cam.
Từ hai bàn tay trắng, sau 5 lần chuyển dời, nay Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin Thái Bình đã có cơ ngơi làm việc khang trang với 3 trung tâm, trong đó có Trung tâm tẩy độc đầu tiên của cả nước đã tẩy độc cho trên 1.000 cựu chiến binh - nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp họ cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn chuyển giao chuyên môn tẩy độc cho cán bộ y bác sĩ của cơ quan Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam và các tỉnh bạn, góp phần dần tạo ra hệ thống trung tâm tẩy độc cho nạn nhân da cam cả nước.
Chia tay ông, trong tôi dấy lên niềm xúc động về hình ảnh người cựu binh già 77 tuổi Nguyễn Đức Hạnh nhưng vẫn đang “nhịp bước quân hành” để chia sẻ bao mảnh đời da cam bất hạnh, như lời ông đã hứa với Bác.
Lan Hương