Nhà khoa học, mà cụ thể là những người thực hiện các nghiên cứu nhằm hiểu biết đầy đủ hơn về sự vận hành của tự nhiên và dựa vào tự nhiên để ứng dụng cho cuộc sống con người có vai trò rất quan trọng. Nhờ những phát minh, công trình nghiên cứu của họ mà thế giới phát triển được như ngày nay. Thành tựu khoa học đang được ứng dụng dễ dàng hiện nay là nhờ thừa kế sự tích lũy kết quả hoạt động từ nhiều thế hệ các nhà khoa học trước kia. Nghiên cứu khoa học đã có từ rất sớm và tri thức khoa học từng nở rộ từ thời kỳ cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây. Từ xa xưa, người ta đã sớm nhận thức được vai trò của nhà khoa học đối với việc mở rộng tầm nhìn của con người, hiểu biết hơn về thế giới khách quan, làm cho không gian thu hẹp khoảng cách, con người xích lại gần nhau và có cuộc sống tốt đẹp hơn,… Đúng như nhà nhà tiên tri Môhamét (570 - 632) từng nói: “Kẻ nào từ biệt gia đình để đi tìm hiểu thêm và mở mang trí thức là kẻ đó đang đi trên con đường của Chúa... Mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo”(1).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của các nhà khoa học. Người cho rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã giúp thể hiện được sức mạnh của con người trước thế giới tự nhiên. Trong phần mở đầu của Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 01/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Năm mươi năm vừa qua có những biến đổi mau chóng hơn và quan trọng hơn nhiều thế kỷ trước cộng lại. Trong 50 năm đó, đã có những phát minh như chiếu bóng, vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình (télévision) cho đến sức nguyên tử. Nghĩa là loài người đã tiến một bước dài trong việc điều khiển sức thiên nhiên”(2). Đáp từ trong buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ Luật danh dự do Trường Đại học Pátgiagiaran của Inđônêxia trao tặng (tháng 01/1959), Người lại một lần nữa khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong việc giúp con người “mở rộng ra những chân trời mới”, “làm chủ được thiên nhiên, cũng như làm chủ vận mệnh của xã hội và của bản thân mình”(3).
Xuất phát từ việc sớm nhận thức được vai trò quan trọng của các nhà khoa học nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho đội ngũ trí thức nói chung và các nhà khoa học nói riêng. Bàn về nhiệm vụ của những người làm khoa học, Người nhấn mạnh: “Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”(4). Cụ thể hơn, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của những người làm khoa học là ra sức nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật của nước ta; cải tiến lề lối sản xuất và cách thức làm việc; nâng cao năng suất lao động; đẩy lùi phong tục tập quán lạc hậu. Bác căn dặn những người làm khoa học: “Các đồng chí phải đi xuống tận các xí nghiệp, các hợp tác xã, hỏi han công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào và phổ biến những điều cần thiết giúp đỡ họ cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện GS.VS Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học đã tự nguyện về nước cùng Bác Hồ năm 1946 để cống hiến cho Tổ quốc. Ảnh: Internet
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng thuyết phục một số nhà khoa học Việt kiều có uy tín ở nước ngoài về nước tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với lòng yêu nước và chí căm thù xâm lược, nhiều nhà khoa học Việt kiều đã từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ tưởng ở nước ngoài để về nước tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng; Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Giáo sư, Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm;... Tên tuổi và những cống hiến hết mình của họ đã góp phần cổ vũ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi trọn vẹn.
Sử dụng nhà khoa học nói riêng và trí thức nói chung cần quan tâm, tin tưởng và tôn trọng họ. Chính sự quan tâm, tin tưởng và tôn trọng nhà khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực mạnh mẽ thôi thúc họ cống hiến hết mình để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Có thể kể ra đây sự quan tâm của Người dành cho bác sĩ Tôn Thất Tùng như một trường hợp điển hình. Mỗi khi đến chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi tiêm thuốc xong, bác sĩ Tôn Thất Tùng hay được Người hỏi chuyện về công việc và gia đình. Khi biết tin ông đã có con trai đầu lòng, Bác nói: “Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách”(6). Năm 1949, sau thành công của việc sản xuất thuốc kháng sinh Pênêxilin, một loại thuốc quý dùng để chữa bệnh cho thương binh, ông và bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Còn với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác cho phép chú lựa một Huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”(7). Ông đã tự chọn cho mình Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Mấy hôm sau, trong buổi lễ trao Huân chương cho ông, Người nói: “Chú Tùng là một xi-đờ-văn mà nay được Chính phủ ta tặng Huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”.
GS.Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh
thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954). Ảnh: Internet
Sau này, có lần bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận được một tấm thiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng, trên đó, Người viết: “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khoẻ chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”(8). Tình cảm, sự quan tâm ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên ông rất nhiều, giúp ông làm việc ngày càng tốt hơn trong công tác chuyên môn của mình, vì ông nghĩ rằng: “Với sự quan tâm của Bác, việc gì mà tôi lại không làm”. Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã viết những dòng vô cùng xúc động: “Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ phẩm chất cần có của nhà khoa học là niềm say mê nghiên cứu khoa học. Niềm say mê này quyết định thành công của nhà khoa học và cả một nền khoa học. Nói chuyện tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 2 (tháng 5/1958), Người căn dặn thanh niên trí thức trong thời đại khoa học phát triển phải có 6 “cái yêu”, là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, đặc biệt là yêu khoa học và yêu kỷ luật, bởi vì “tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật”(10).
Để hình thành đội ngũ các nhà khoa học kế cận phục vụ công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù còn nhiều khó khăn và gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chủ trương tuyển chọn nhiều cán bộ có văn hóa để đưa sang các nước phương Tây nhằm xúc tiến việc đào tạo trí thức bậc cao. Thậm chí, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ (01/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyện vọng muốn gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ để mở rộng quan hệ hữu nghị, nhưng chủ yếu là để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(11).
Cùng với việc đưa thanh niên sang phương Tây đào tạo thành những cán bộ khoa học, ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng. Điển hình là việc thành lập Trường Đại học Y Dược (Việt Bắc); lớp Toán đại cương (Khu IV); các trường khoa học cơ bản và sư phạm cao cấp (Khu học xá Trung ương, Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm tạo dựng một lớp nhà khoa học kế cận có đủ tài và đức phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Cho đến những năm cuối đời, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người vẫn không quên căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn những người ưu tú nhất trong quân đội, thanh niên xung phong, đào tạo họ trở thành những cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi, những người vừa hồng vừa chuyên, đó là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta…”(12).
Cuối cùng, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân cũng là những “nhà khoa học”, họ là những nhà khoa học đặc biệt. Người khẳng định quần chúng nhân dân vốn có những tiềm năng to lớn: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”(13). Do đó, Bác luôn động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Mặt khác, Người phê phán sự thiếu sâu sát của cán bộ quản lý sản xuất, không kịp thời xét duyệt, áp dụng, khen thưởng và phổ biến sáng kiến, không khuyến khích các tài năng trong công nhân.
Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đội ngũ các nhà khoa học trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ các nhà khoa học từng góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong lịch sử, sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong bối cảnh phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu, rộng của đất nước ta hiện nay.
ThS. Hà Công Hải - Bộ Khoa học và Công nghệ
(1) Vũ Dương Ninh (2007), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.66.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 6, tr.153.
(3) (10) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 9, tr.363-364, tr.179-180.
(4) (5) (13) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 11, tr.78-79.
(6) (7) (8) Tôn Thất Tùng (1981), Đường vào khoa học của tôi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr.37, 49, 44.
(9) Trần Đương (2005), Bác Hồ với nhân sĩ, trí thức, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr.40.
(11) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 4, tr.88.
(12) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, tập 12, tr.510.