Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cho 34 cán bộ, công đoàn viên tiêu biểu, thân nhân liệt sỹ vào viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị.
Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn
Quảng Trị, là mảnh đất miền Trung với cát trắng trải dài, mùa nắng có cơn gió Lào hanh cao cháy da, rát thịt; da chưa hết đỏ đã tới mùa mưa; chưa kịp làm gì thì phải gồng mình đón lũ. Đây còn là điểm tì vai của chiếc đòn gánh non sông, gánh 2 đầu đất nước, có cây cầu dài chưa tới 200m mà cả dân tộc phải đi ròng rã suốt 20 năm dài bằng máu, bằng nước mắt và bằng cả tuổi thanh xuân. Có người cho rằng: Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Bởi, chỉ tính riêng số liệt sỹ đã anh dũng hy sinh và đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh đã lên tới con số gần 60 nghìn người. Trong 72 nghĩa trang liệt sỹ thì có hai nghĩa trang Quốc gia: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Mỗi "địa chỉ đỏ" này có hơn 10 nghìn liệt sỹ. Tại các nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương trong tỉnh cũng có hàng ngàn mộ liệt sỹ là con em của mọi miền đất nước. Có thể nói, không có tỉnh, thành nào lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị có hơn 18.729 liệt sỹ, 10 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hàng chục ngàn người có công với cách mạng. “Tính bình quân cứ 8 người dân Quảng Trị lo một phần mộ liệt sỹ. Nói cách khác cứ 8 người dân Quảng Trị được sống trong hòa bình hôm nay phải đổi bằng sinh mạng của một liệt sỹ”. Một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước. Một vùng đất mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ một người dân yêu nước nào cũng thấy thương cảm, hãnh diện, tự hào và thấy phải có trách nhiệm góp phần xây dựng ngày càng giàu đẹp hơn.
Đoàn đại biểu của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự, tự hào trở về đây để thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao to lớn của Bác Hồ cũng như các Anh hùng liệt sỹ. Trong không khí thiêng liêng, Đoàn đã làm Lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và cùng thắp nén hương tưởng nhớ đến các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ngược dòng thời gian về những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh, có những con người tuổi đời mới đôi mươi, trẻ trung phơi phới, gửi lại chiến trường bao ước mơ dở dang. Có những người gác lại sự nghiệp học hành, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Có những người ra đi mãi mãi chưa kịp biết mặt đứa con mới sinh. Tất cả đã dệt nên một khúc ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử. Đó là những tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để tuổi trẻ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh noi theo.
Sau cơn mưa buổi sáng, khu Thành Cổ Quảng Trị xanh mướt mát một màu, một màu xanh trải rộng đến nao lòng khiến tất cả mọi người trong Đoàn như nghẹn lời trước một mảnh đất đau thương nhưng rất đỗi kiêu hùng này. Ngắm phong cảnh trời đất bao la, giữa cái gió và nắng tỏa thật khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm hứng chịu hơn 300 nghìn tấn bom do giặc Mỹ rải xuống. Cảm xúc đến nghẹn ngào khi nghe anh hướng dẫn viên đọc nhẹ bài thơ với đôi mắt ngấn lệ về một ký ức của người lính khi về thăm lại Thành Cổ:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.
Bảo tàng Thành cổ với nhiều hình ảnh và hiện vật của những ngày ác liệt, tất cả đều được thể hiện xúc động như mới vừa diễn ra ngày hôm qua. Những bức ảnh của một thời hoa lửa; những bức thư ố mầu thời gian; những di vật được lấy từ lòng đất là những chiến tích của một thời chiến tranh ác liệt và những người lính trẻ hào hoa kiên trung bám đất giữ thành. Hàng vạn người lính đã anh dũng hy sinh nằm lại mãi mãi nơi này không kịp để lại một cái tên, thêm một dòng địa chỉ; người này ngã xuống thì người khác lại đứng lên anh dũng chiến đấu, họ không biết rằng chính họ đã làm nên huyền thoại bất tử.
Đồng chí Thiếu tá QNCN Vũ Ngọc Sơn, là con liệt sỹ phát biểu: Hôm nay tôi rất xúc động khi trở lại chiến trường xưa, nơi bố tôi và các đồng đội chiến đấu và chiến thắng. Tôi chỉ có một mong muốn và nguyện vọng cầu mong cho đất nước không còn chiến tranh. Vì chiến tranh là mất mát, chiến tranh là ly tán. Tôi xin hứa trước ah linh các Anh hùng liệt sỹ trong đó có bố của tôi, luôn cố gắng tu dưỡng rèn luyện, công tác tốt để góp phần giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người để các thế hệ hôm nay và mai sau được đến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Trên dòng sông Thạch Hãn - nơi máu xương của hàng nghìn chiến sỹ cách mạng đã đổ xuống, thấm đẫm lên từng nhành cây, ngọn cỏ, hòa vào từng nắm đất nơi đây, chợt nhớ đến bài thơ Đò lên Thạch Hãn vỏn vẹn 4 câu của nhà thơ, cựu binh nổi tiếng Lê Bá Dương được ông viết trong dịp ra bờ sông Thạch Hãn thả hoa nhớ về các đồng đội còn nằm dưới đáy sông. Bài thơ sau đó được khắc lên tường Thành Cổ Quảng Trị như một nén tâm hương của người ở lại dành cho đồng đội, chiến sỹ đã ra đi trong độ tuổi thanh xuân. Rất nhiều người đã không cầm nổi nước mắt khi đọc 4 câu thơ này.
"Đò lên Thạnh Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
Chuyến về nguồn Quảng Trị kết thúc trong sự bâng khuâng, nghẹn ngào của trời đất và lòng người. Tất cả cán bộ, công đoàn viên và thân nhân liệt sỹ trong Đoàn đều nguyện hứa sẽ luôn giữ vững ngọn lửa quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tiếp nối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Và những lời vang vọng của mảnh đất linh thiêng này mãi mãi là một bản hùng ca bất tử, là cội nguồn, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc anh hùng.
“Hễ có Việt Nam có Cổ thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất, từng giây, mỗi lá cành”.
Thanh Huống