Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Đoàn công tác tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại những địa chỉ đỏ trên dải đất miền Trung do Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng dẫn đầu. Thành viên của Đoàn gồm 34 đồng chí là cán bộ, công đoàn viên xuất sắc trong đơn vị. Hành trình của Đoàn trải dài từ Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi thành kính dâng hương cho Đại tướng với tất cả tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ và tự hào.
Đoàn dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Qua Sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương, cột cờ giới tuyến…một thời chia cắt hai miền đất nước đã đưa chúng tôi về với Quảng Trị, đến với hai nghĩa trang liệt sỹ quốc gia cùng nhiều di tích quốc gia đặc biệt. Giữa không gian mênh mông tĩnh lặng của đất trời Quảng Trị, trước hàng ngàn bia mộ chạy dài tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đoàn chúng tôi đã có những giây phút lắng đọng, nghẹn ngào khi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ, cảm nhận tột cùng sự mất mát hy sinh của các anh, các chị cho những ngày tháng hòa bình mà chúng tôi cùng mọi người đang được hưởng.
Thành kính tri ân các Anh hùng liệt sỹ
Đến với Thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa năm 1972, từng tấc đất nơi đây đã thấm xương máu của bao người nằm xuống với bao ước mơ còn dang dở. Những bức thư với những dòng chữ đã nhạt nhòa, những câu chuyện của các anh vẫn còn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Thành cổ làm chúng tôi rơi nước mắt. Các anh mãi bất tử với muôn đời các thế hệ mai sau
“Cho tôi hôm nay
vào Thành cổ
Thắp một nén nhang
cho người nằm dưới mộ
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ
Xin chớ vô tình,
với người hi sinh
Cho mảnh đất quê mình…”.
(Cỏ non Thành cổ - Nhạc sĩ Tân Huyền)
Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là Địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, chúng tôi như có thể cảm nhận được hơi thở còn nóng của cuộc chiến năm xưa. Có đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước.
Trong hành trình lần này, chúng tôi đi qua nơi mà 200 năm trước khi Vua Gia Long lên ngôi, ông cho xây dựng Kinh thành Huế. Nằm bên bờ sông Hương, với non xanh nước biếc thơ mộng, quần thể kiến trúc cổ kính gồm các thành quách, lăng tẩm, chùa chiền, Cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới khiến cho chúng tôi cảm nhận được không khí tôn nghiêm nhưng cũng không mất đi cảm giác êm đềm thư thái giữa thiên nhiên gần gũi.
Chia tay với Huế, chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, giặc Mỹ đã ném xuống 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần với trên 800 quả bom các loại. Ngã ba Đồng Lộc thực sự trở thành Ngã ba anh hùng, là địa chỉ đỏ, một mốc son chói ngời không thể phai nhạt.... Đoàn lần lượt vào Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngành Giao thông vận tải, Nhà tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và khu mộ 10 nữ Anh hùng thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, họ hy sinh khi mới mười tám, đôi mươi. Với tinh thần xả thân quên mình hiên ngang trước mưa bom, bão đạn, các chị chính là biểu tượng của truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Đoàn dâng hương, tham quan tại Khu Di tích lịch sử Kim Liên
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong hành trình tri ân lần này là Khu Di tích lịch sử Kim Liên, địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; Mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Người. Những mẩu chuyện về tuổi thơ của Bác qua lời kể của hướng dẫn viên tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trìu mến như khúc hát ru bên nôi. Có cái gì như là rưng rưng... Phải chăng, miền quê khổ nghèo, nhưng nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước cộng với những ưu việt trong lối giáo dục gia đình đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại? Và phải chăng, tất cả những điều vĩ đại, đều chứa đựng trong mình những gì gần gũi, bình dị nhưng thấm đậm hồn quê hương? Từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại...
Chuyến hành quân về nguồn của chúng tôi đã đến được với nhiều địa chỉ để tri ân những người đã khuất, trên mỗi tấc đất của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, có anh linh của bao thế hệ cha anh người Việt đã ngã xuống cho màu xanh đất này càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là con đường thống nhất, độc lập cho Tổ quốc. Các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu và nằm xuống, nhưng tên tuổi các anh, chị mãi trường tồn cùng đất Việt. Các anh, các chị đã trở thành bất tử trong tim mỗi người đang sống.
Truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” luôn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Dẫu cuộc sống đời thường còn nhiều lo toan, nếu được đến, hãy đến miền đất tri ân để trải nghiệm và cảm nhận, trân trọng và trưởng thành hơn.
Trần Thanh Huyền - Phương Đông