Mỗi ngày, những người công nhân thuộc Tổ 2, Đội Vệ sinh môi trường, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình lại thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp, giữ sạch cho khu vực Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, đường Bắc Sơn và đường Độc Lập (phía trước Tòa nhà Quốc hội). Không quản ngại nắng mưa, họ luôn miệt mài, chỉn chu trong từng công việc được giao.

Đến gặp các chị vào buổi chiều nắng nóng, tôi có thể cảm nhận rõ được sự vất vả của các chị. Cả Tổ có 8 chị em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có sự chăm chỉ, gắn bó với công việc. Chia sẻ về công việc các chị đều cười tươi rồi khiêm tốn bảo công việc này nhỏ lắm.

ve sinh moi truong 1
Công nhân Tổ 2 quét dọn vệ sinh tại đường Bắc Sơn

            Trò chuyện với các chị tôi được biết: Hàng ngày, vào lúc 2h30 sáng, các chị đã phải có mặt tại đường Bắc Sơn để chuẩn bị cho ca làm việc. Chị Đỗ Ngọc Chi, Tổ trưởng Tổ 2 chia sẻ: Những ngày thời tiết tốt thì chị em đi làm đỡ vất vả hơn. Nhưng có những ngày trời mưa tầm tã hay lạnh thấu xương nhưng các chị em trong Tổ vẫn phải đến đúng giờ để bắt đầu công việc theo đúng quy định để kịp phục vụ khách quốc tế và nhân dân đến tham quan khu vực. Công việc đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỉ nên các chị em phải thật cẩn thận. Công việc ngoài trời phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên vất vả lắm nhưng ai ai cũng đều tự nhủ phải cố gắng hoàn thành công việc được tốt nhất.

ve sinh moi truong 2
Chị Đỗ Ngọc Chi đang thu gom rác

Vừa trò chuyện vừa được nhìn những nụ cười tươi của các chị, tôi cảm nhận được tình yêu, sự gắn bó của các chị dành cho công việc này. Với tôi, các chị chính là “những người chiến sĩ” thầm lặng. Có thể công việc của các chị rất thầm lặng nhưng các chị vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm, bảo đảm cảnh quan khu vực luôn sạch đẹp.

Chị Nguyễn Thị Quyên đã gắn bó với công việc này 15 năm, có rất nhiều kỷ niệm khi chị làm việc tại Đội. Nói về công việc của mình chị bảo: Công việc này cần lắm sự chăm chỉ, tỉ mỉ. Như đợt vừa rồi, trời mưa nhiều nên chị em trong Tổ rất vất vả. Lượng nước quá lớn nên việc thoát nước gặp khó khăn, nước úng lại nhiều nên các chị em phải tăng cường làm việc, phải quét liên tục để nước chảy được vào cống. Có những viên gạch bị ngập nước lâu có nhiều vết bám thì chị em phải tự tay làm sạch từng viên gạch cho sạch bong như thế này này - chị vừa nói vừa chỉ tay vào viên đá bên cạnh chúng tôi.

Vào thời gian cao điểm, nhiều chị em phải ở lại trực tại Tổ đến qua đêm. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ này, để phục vụ tốt nhất cho Cầu truyền hình tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và hoạt động dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chị em trong Tổ đã chủ động phân chia nhiệm vụ, chia ca để ở lại địa điểm thực hiện nhiệm vụ kịp thời, bảo đảm khu vực luôn sạch sẽ, tạo ấn tượng đẹp với nhân dân.

ve sinh moi truong 3
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng,
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng kiểm tra các nội dung phối hợp chuẩn bị cho chương trình “Dáng đứng Việt Nam”.

“Số lượng các tổ chức, đồng bào đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đợt này tăng lên nên khối lượng công việc của Tổ cũng tăng hơn nhiều. Chị em trong Tổ hiểu được tính chất công việc nên luôn tích cực, trách nhiệm, chủ động sắp xếp với nhau để tăng ca, thay đổi chế độ trực bảo đảm khu vực luôn được vệ sinh sạch sẽ nhất có thể” – Chị Đỗ Ngọc Chi chia sẻ.

Trong buổi kiểm tra chuẩn bị cho các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Khánh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã gặp gỡ và chia sẻ với các chị về những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chị Chi tâm sự: Được các Thủ trưởng quan tâm, ghi nhận những đóng góp của cả Đội trong thời gian qua đặc biệt vào những dịp cao điểm là chị em vui mừng lắm. Bởi ai cũng tự nhủ rằng công việc của mình thầm lặng, không có gì đặc biệt nên sự động viên kịp thời của các Thủ trưởng thật sự là động lực để mỗi chị em khắc phục khó khăn, tích cực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong bài thơ “Tiếng chổi tre” nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Nhớ em nghe

Tiếng chổi tre

Chị quét

Những đêm hè

Đêm đông gió rét

Chiếc chổi tre là vật dụng quen thuộc, gắn bó với công việc của các chị. Nhìn những chiếc chổi được các chị đưa nhẹ nhàng trên từng con phố chúng ta thầm cảm ơn các chị - những người công nhân vệ sinh môi trường. Họ đã và đang cần mẫn làm một công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa, đóng góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Thanh Huyền

Bài viết khác: