Tổng thống Myanmar Thein Sein ghi cảm tưởng khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kể từ ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 29-8-1975 đến nay, đã có gần 45 triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó có hơn 7 triệu khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới. Chừng ấy lượt người đến đây để tỏ lòng tôn kính và tri ân với Bác. Lật mỗi trang trong cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Ban Quản lý Lăng, cảm xúc lại dâng trào, hạnh phúc vì được làm công dân của nước Việt Nam, được là con cháu Bác Hồ. Bác đã về với cõi vĩnh hằng, nhưng cuộc đời của Người lại tỏa sáng bao la. Như một cách đến với ký ức về Người, những cuốn sổ cảm tưởng tại đây giúp ta hiểu thêm về Bác, hiểu những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình của Bác đối với dân, với nước... Và cũng để thấy, tình yêu thương, lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam và bạn bè thế giới dành cho Bác là vô hạn.
Sáng 24-6-2012, các em nhỏ trong trang phục áo trắng quần xanh, trên vai đeo khăn quàng đỏ ùa xuống xe. Những khuôn mặt tròn trịa, những vầng trán thông minh, những bím tóc gọn gàng... và những đôi mắt ánh lên rực rỡ. Đó là những học sinh tiêu biểu xuất sắc đến từ Quảng Nam xa xôi, các em được đến thăm Lăng Bác và được báo công với Bác. Đã từng nghe ông bà, bố mẹ kể, nghe thầy cô giáo giảng bài hay đọc trong các trang sách, song đây là lần đầu tiên các em được đứng giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, hít căng lồng ngực gió Thủ đô Hà Nội và được tận mắt thấy Bác trong giấc ngủ bình yên, xem những thước phim tư liệu quý giá về cuộc đời của Bác. Những giọt nước mắt xúc động lăn trên khuôn mặt trẻ thơ khi các em xem bộ phim tài liệu “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”. Ngay cả khi bộ phim đã kết thúc từ lâu, ngồi viết những dòng chữ bày tỏ cảm xúc vào cuốn sổ lưu niệm, Liên vẫn còn bồi hồi xúc động: “Xem phim, cháu thấy thương Bác vô cùng. Chúng cháu hứa quyết tâm học tập tốt, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy để luôn xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Đó có lẽ không chỉ là tâm trạng riêng của cô bé Liên, đó là cảm xúc chung của tất cả những ai từng đến thăm Lăng Bác. Lần giở từng trang cuốn sổ lưu niệm của những ngày qua hay những cuốn sổ của nhiều năm về trước, chúng tôi càng thấy rõ điều này.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta được nghe kể chuyện Bác Hồ. Ký ức về Bác là những điều vô cùng quý báu mà bất cứ ai nếu có cũng gìn giữ trang trọng nơi sâu thẳm trái tim. Đến thăm Lăng Bác, phút giây đứng trước anh linh của Người, ký ức đó bất chợt ùa về khiến nhiều người xúc động. Ông Nguyễn Bá Chinh, chiến sĩ Tàu không số từ Bình Thuận ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác vào ngày 7-3-2005 trải lòng mình qua những dòng lưu niệm: “Con vẫn nhớ ngày 5-10-1964, Bác đến gian phòng nhỏ tại Trạm 66. Bác giao nhiệm vụ và dặn dò: Bác nghe các chú sắp đi công tác xa, dù bận rất nhiều việc Bác vẫn thu xếp lại đến thăm các chú. Trước hết, Bác thay mặt cho Trung ương Đảng và Chính phủ biểu dương các chú. Trong những năm qua, các chú đã hoàn thành nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến mỗi ngày một thắng lợi. Bây giờ, nhiệm vụ sắp đến, việc chi tiêu là cần thiết. Bác dặn các chú, xét thấy cần thì bạc triệu cũng chi; không cần thì một xu cũng không chi; đói thì xin, đừng ăn cắp; xin không xấu mà ăn cắp thì có tội với Đảng, với dân. Lời dặn ấy đến hôm nay con vẫn còn ghi trong máu thịt. 40 năm 4 tháng rồi con mới được trở về thăm Bác. Nhìn hình ảnh của Bác, tự trong tim con trào lên dòng nước mắt”. Những dòng chữ được viết ra từ cảm xúc mà chủ nhân của nó dường như đang thổn thức ngược trở về quá khứ, chắp nối những khoảnh khắc của ký ức mà bấy lâu vẫn là một phần trong cuộc sống của đời ông.
Xúc động trước tình cảm của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng, đồng chí Nguyễn Văn Đức, thay mặt các đồng chí trong Đoàn các chiến sĩ đoàn Tàu không số đến viếng Bác ngày 25/3/2012, đã ghi vào sổ cảm tưởng của Ban Quản lý Lăng những dòng cảm xúc đặc biệt: “Vô cùng xúc động khi được trở lại thăm Thủ đô Hà Nội, được đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xem lại những hình ảnh của Bác trong những lúc cuối đời. Chúng tôi, những cựu chiến binh của 5 con thuyền gỗ của các tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa - Vũng Tàu rất cảm ơn Ban Quản lý Lăng đã tạo mọi điều kiện cho Đoàn được vào viếng Bác. Đây là nguồn động viên lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi nguyện một lòng trung thành và phấn đấu để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - Con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn”.
Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, không ít người là Việt kiều trở về với Bác, với Tổ quốc. Bà Trần Thị Sâm, vợ ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Ủy viên Hội người Việt Nam tại Pháp vào Lăng viếng Bác ngày 12-4-2008, viết: “Chúng cháu từ Mác-xây về, nhớ thương Bác vô cùng. Thay mặt anh Tiến, xin thành kính dâng lên Bác niềm thương nhớ của một người cháu sống xa Tổ quốc nhưng lại có vinh dự được phục vụ Bác và đoàn khi sang thăm Pháp tại Bi-a-rit và Mác-xây mùa hè năm 1946”. Sự cống hiến, hy sinh tận tụy của Bác đối với đất nước cũng thức dậy trong lòng những người con xa quê khát vọng trở về đóng góp xây dựng Tổ quốc, thể hiện qua những dòng chữ của Đoàn Việt kiều Thái Lan tỉnh Sakon Nakhon đến viếng Bác ngày 28-11-2006: “Sau 60 năm, chúng tôi về thăm Tổ quốc thân yêu. Được thấy hình ảnh Bác Hồ, vị cha già vĩ đại của dân tộc, lòng chúng tôi vô cùng cảm kích. Những người con Việt kiều Thái Lan nguyện làm theo Di chúc của Người. Chúng tôi luôn mong được trở về Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu, sánh ngang cùng bạn bè bốn bể năm châu”.
Đối với Bộ trưởng Tài chính và Vật giá Cuba Ma-nu-en Mi-la-ret Rô-tri-get và các thành viên trong Đoàn đến viếng Bác năm 2001, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “một nhà anh hùng cách mạng thế giới. Người luôn hiện diện và là một tấm gương về đấu tranh, hy sinh vì nền độc lập toàn vẹn của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người cách mạng trên thế giới luôn mang nợ với Người. Xin cảm ơn nhân dân Việt Nam anh hùng và vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam”. Sự vĩ đại của Bác cũng là nhịp cầu nối cho đất nước Việt Nam đến với thế giới hôm nay. Đến viếng Bác ngày 21-3-2012, Ngài Tổng thống nước Cộng hoà Mi-an-ma đã ghi vào sổ cảm tưởng của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi rất vinh hạnh được đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vào Lăng viếng Người, đến đặt hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam. Thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Mi-an-ma và nhân danh cá nhân xin bày tỏ sự kính trọng sâu sắc các Anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh cuộc sống của mình đấu tranh vì nền độc lập của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Im Hong - Jae chia sẻ trong sổ cảm tưởng Ban Quản lý Lăng năm 2007: “Tình yêu và lòng kính trọng của người dân Việt Nam đối với người lãnh đạo vĩ đại của dân tộc là vô hạn và không gì sánh nổi. Xin được bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo của dân tộc Việt Nam. Và tôi thực sự mong muốn, trong suốt nhiệm kỳ công tác của mình, với tư cách là Đại sứ tại Việt Nam, mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa 2 quốc gia sẽ được phát triển hơn nữa, trở thành mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 dân tộc. Xin được bày tỏ lòng kính trọng đối với những giá trị văn hóa, lịch sử lâu dài đáng tự hào của dân tộc Việt Nam”. Vui mừng được đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp, khâm phục những thành công về chính trị, xã hội, văn hoá và kinh tế của nhân dân Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đoàn ngày 14/5/2012, Ngài Ja-nit Ka-lin, Phó Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách về truyền thông và thông tin, đã ghi vào sổ cảm tưởng của Ban Quản Lý Lăng những dòng tâm sự: “Tôi rất cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình và lòng mến khách của các bạn và xin bày tỏ sự kính trọng sâu sắc đối với sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những công lao to lớn của Người đối với dân tộc Việt Nam”.
Đây chỉ là một trong hàng ngàn dòng cảm tưởng trong những cuốn sổ cảm tưởng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng qua đây chúng ta thấy được phần nào tình cảm và sự kính trọng của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế đối với Người.
Lan Hương