Hiện nay, bảo vệ môi trường đang là chủ đề được cả thế giới và Việt Nam hết sức quan tâm. Khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình được lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn mong muốn của nhân dân và khách quốc tế mỗi khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Môi trường tự nhiên là tổng thể các yếu tố tự nhiên vốn có quanh ta gồm khí quyển, nước, động vật, thực vật, thổ nhưỡng…Trong quá trình canh tác, việc quay vòng sản xuất nhanh khiến đất đai trở nên khô cằn dẫn đến khó khăn trong quá trình sản xuất, cây trồng khó phát triển. Điều này xảy ra do thói quen sử dụng phân bón vô cơ trong thời gian dài của người lao động đã làm cho đất bị “chai và bạc màu” rất nhanh. Để khắc phục những hiện tượng này, bên cạnh sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống từ xác bã thực vật…, thì nhiều loại phân hữu cơ công nghiệp ra đời, giúp người nông dân khôi phục lại màu mỡ của đất một cách tiện lợi nhất. Đây cũng là xu hướng sản xuất bền vững hiện nay của nền nông nghiệp, không những ở nước ta mà còn là biện pháp canh tác áp dụng trên toàn thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị báo cáo tiến độ thử nghiệm phân bón hữu cơ vi sinh Eco-Grow và Eco-Flora
Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình có hệ thực vật rất phong phú và đa dạng (có 250 loài thuộc 30 bộ, 70 họ thực vật) bao gồm các loại cây quý hiếm như cây cổ thụ, cây bóng mát, cây ăn quả, cây xanh, thảm cỏ.. và nhiều loại cây khác được tuyển chọn kỹ từ khắp mọi miền đất nước. Hàng ngày, khu vực Lăng đón tiếp đông đảo nhân dân và khách nước ngoài đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, vì vậy, môi trường và hệ thực vật nơi đây đã và đang được bảo vệ chăm sóc một cách chu đáo theo phương pháp khoa học nhất.
Tuy nhiên, hiện nay trong khu vực một số sản phẩm phân bón có nguồn gốc hóa học vẫn đang được sử dụng có thể gây thoái hóa đất và sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học có thể gây độc cho mọi người, môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, làm nguồn nước, đất đai bị nhiễm độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cây trồng. Đồng thời, phát sinh ra những loại sâu, bệnh, cỏ dại có hại mang tính kháng thuốc cao, thuốc hóa học trở thành vô hiệu đối với chúng. Chẳng hạn, nhện gây hại ở cây hoa Đào tại một số vườn đã kháng thuốc, rất khó phòng trừ, làm phát sinh ra những đối tượng gây hại mới và có thể gây hiện tượng tái phát của sâu, bệnh hại. Nếu dùng thuốc trừ sâu hóa học phun trừ tạm thời có thể giảm nhưng rồi lại sinh sôi nảy nở rất nhanh, phát triển thành dịch làm cây bị hại nặng.
Một số kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2014 cho thấy khi phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học nồng độ các chất khí gây ô nhiễm ảnh hưởng đến không khí môi trường cao hơn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Do vậy, sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học bảo vệ môi trường an toàn và bền vững hơn vì đặc điểm ưu việt của thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học so với các thuốc bảo vệ thực vật thông thường là: Ít độc hơn đối với người, gia súc và không ảnh hưởng tới các loài có ích như chim, cá và các thiên địch; tính chọn lọc và hiệu lực sinh học cao (liều lượng sử dụng thấp); phân hủy sinh học nhanh, ít để lại dư lượng trong môi trường và nông phẩm nên thuốc rất thân thiện với môi trường. Do vậy, các thuốc sinh học là đối tượng quan tâm của hóa học xanh và thường được khuyến cáo sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch nói riêng và nền nông nghiệp bền vững nói chung.
Biểu đồ: Chỉ tiêu môi trường không khí khi thử nghiệm phun thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học được kiểm tra tại Khu vực sau Lăng báo cáo ứng dụng chế phẩm năm 2014
Đo chỉ tiêu môi trường không khí khi thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc
hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học tại khu vực sau Lăng năm 2014
Nhằm bảo vệ môi trường bền vững cho khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và môi trường cùng các đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã tiến hành thử nghiệm một số loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và một số sản phẩm phân bón hữu cơ (các sản phẩm đó là: Phân bón Biogro, phân Sông Gianh..., thuốc Odicide 9SL TP Thần điền 78SL... có hiệu quả phòng trừ tốt) để dần thay thế cho các loại thuốc và phân bón có nguồn gốc hóa học trong phục vụ duy trì chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ và sản xuất các loại cây hoa, thảm cỏ.
Đặc biệt năm 2017, đơn vị đang thử nghiệm sản phẩm ECO - GROW và ECO - FLOR trên các loại hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây rau, kết quả bước đầu cho thấy khi sử dụng sản phẩm này có tác dụng lên các cây thử nghiệm, rõ rệt nhất nhóm cây hoa và cây cảnh có hoa sinh trưởng phát triển nhanh, thảm cỏ lạc có màu xanh đậm hơn vì các tính năng sản phẩm này là một hợp chất vi sinh vật gồm 122 loại vi sinh khác nhau. Những vi sinh vật và vi khuẩn được chọn lọc, tồn tại và tương thích dưới dạng chất lỏng làm tăng trưởng và phát triển cây trồng, cố định đạm, hô hấp kỵ khí và hiếu khí, phát triển tế bào rễ, phân hủy chất hữu cơ trong đất, chất xúc tác để tạo ra dinh dưỡng.
Thử nghiệm sản phẩm ECO - GROW tại vườn sau Lăng năm 2017
Do vậy, sử dụng chế phẩm hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng chung của toàn cầu. Vì những lợi ích của việc sử dụng các loại chế phẩm hữu cơ đã được lựa chọn trong duy trì chăm sóc cây cảnh, bảo vệ môi trường cảnh quan ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình là điều cần thiết phổ biến, nhân rộng. Vì vậy, người sử dụng cần lựa chọn đúng đắn các loại thuốc trừ sâu, bệnh phù hợp với từng loại đối tượng gây hại nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong duy trì, chăm sóc vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình góp phần giữ gìn môi trường trong khu vực luôn xanh, sạch, đẹp và bền vững./.
Thu Lai