Không gian cảnh quan khu vực Lăng Bác ngày càng được tôn tạo,
đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và khách quốc tế
Có thể nói rằng, không gian cảnh quan khu vực Lăng Bác là nơi hội tụ những tinh hoa về kiến trúc và không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội - mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, đó cũng là nơi mà mỗi người dân Việt Nam và khách quốc tế đều mong được một lần đến thăm. Trong đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kiến trúc trung tâm. Ngoài Công trình Lăng và Quảng trường Ba Đình, các công trình kiến trúc, cảnh quan ở đây vừa tạo nên một chỉnh thể thống nhất, chặt chẽ, hài hoà vừa bảo đảm tuân thủ tư tưởng chung được chỉ đạo từ khi xây dựng Công trình Lăng và cải tạo Quảng trường Ba Đình, đó là bảo đảm tính “hiện đại, dân tộc, trang nghiêm và giản dị” để phục vụ tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức các hoạt động đón tiếp tại Lăng.
Những năm gần đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế trong nước tăng trưởng, hệ thống giao thông được mở mang, đời sống nhân dân được cải thiện... số lượng nhân dân các địa phương trong cả nước về Lăng viếng Bác ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước. Những ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Bác, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn người vào Lăng viếng Bác. Vì vậy, cùng với việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm, Ban Quản lý Lăng đã thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, sửa chữa, tôn tạo kiến trúc Công trình Lăng, Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và các công trình có liên quan; bảo đảm các công trình luôn khang trang, sạch đẹp, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tương xứng với ý nghĩa chính trị, văn hóa của mỗi công trình. Bất kỳ ai đến thăm Lăng Bác những năm gần đây sẽ nhận thấy không gian nơi đây có nhiều thay đổi. Các công trình được tôn tạo khiến khu vực Lăng Bác đẹp hơn, trang nghiêm hơn, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực.
Đặc biệt năm 2016, Ban Quản lý Lăng đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây mới đường viếng mái che và Nhà kiểm tra an ninh tại số 8 Hùng Vương nhằm hoàn thiện kiến trúc cảnh quan khu vực Lăng và đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa của đất nước diễn ra tại đây, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong phục vụ nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tham quan khu vực. Đồng bào và bè bạn quốc tế sau khi về Lăng viếng Bác kính yêu có thể đi bộ tham quan, ngắm nhìn những vẻ đẹp hấp dẫn của cảnh quan nơi đây. Còn nhớ, những ngày đầu tiên triển khai tuyến phố đi bộ theo Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ, người dân không khỏi bỡ ngỡ, bởi con đường đã xuống cấp quen với xe cộ, không gian chật hẹp giờ không còn mà thay vào đó là tuyến phố đã được cải tạo, nâng cấp lát bằng đá xanh; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí phù hợp với cảnh quan của từng khu vực; hệ thống cây xanh được trồng xen kẽ cùng các bồn hoa, ghế đá hoa cương bố trí dọc hai bên tuyến phố phục vụ du khách ngồi nghỉ…, làm cho cảnh quan khu vực ngày càng xanh, sạch, đẹp, mở ra không gian kiến trúc đồng bộ, văn minh, phù hợp với việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Thủ đô trong lòng nhân dân, du khách quốc tế và nơi đây dần trở thành một điểm đến quen thuộc, hấp dẫn với nhân dân cũng như du khách quốc tế. Cùng với đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đầu tư hệ thống wifi và các ki-ốt điện tử trên toàn tuyến phố đi bộ và khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình phục vụ nhân dân và khách quốc tế để có thể hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Thủ đô Hà Nội.
Khung cảnh yên bình, thoáng mát và hình ảnh thong dong, thư thái thưởng ngoạn cái đẹp của người dân và du khách quốc tế tại tuyến phố đi bộ đã trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô Hà Nội. Cảnh quan tuyến phố nơi đây còn mang đến cho du khách rất nhiều cảm nhận, suy nghĩ tốt đẹp. Bà Kamihara, một du khách Nhật Bản lần đầu tiên đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ rất thú vị: “Chủ tịch Hồ Chí Minh của đất nước các bạn rất vĩ đại. Nhìn cảnh quan ở đây tôi có thể cảm nhận rõ được tình cảm của nhân dân đối với Hồ Chủ tịch. Riêng với tuyến phố đi bộ, tôi thấy rất sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, khoa học. Đây là lần đầu tiên tôi đến nhưng tôi cảm nhận được sự dễ chịu, thư thái ở đây. Mọi thứ đều khiến những du khách như tôi cảm thấy thoải mái”.
Hiện nay, trước xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển không ngừng của xã hội và sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, việc tôn tạo đổi mới kiến trúc, không gian cảnh quan ở khu vực Lăng cũng là phù hợp với những xu thế tất yếu và nhiệm vụ chính trị đặt ra trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, theo đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian tới, Ban Quản lý Lăng chủ trương cải tạo, nâng cấp các công trình kiến trúc, trong đó phải kể đến việc cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội để thể hiện tình cảm tri ân và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của Công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ nên giải pháp cải tạo, nâng cấp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo khoa học và báo cáo lãnh các cấp, bảo đảm tính thẩm mỹ, trang nghiêm, dân tộc, hiện đại. Năm 2017, Ban Quản lý Lăng tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến phố đi bộ khu vực Lăng (giai đoạn 2); đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội trồng thay thế một số cây cảnh, cây bóng mát trên các tuyến phố khu vực Lăng. Ngoài ra, Ban cũng đang đề nghị các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tích cực triển khai di dời 4 biệt thự phía Nam Quảng trường Ba Đình nhằm mở rộng không gian sân cỏ Quảng trường Ba Đình bảo đảm hài hòa, cân xứng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trưởng ban Ban Quản lý Lăng nhấn mạnh: “Mục đích của những công việc trên xuất phát từ đặc điểm khu vực Lăng Bác nằm ở vị trí trung tâm chính trị của đất nước và là bộ mặt của Thủ đô, hàng ngày tổ chức đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn hóa và tham quan khu vực nên việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho nhân dân, khách quốc tế và thực hiện văn minh đô thị, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới; đồng thời, từng bước tạo dựng lên một quần thể không gian kiến trúc đồng bộ, trang trọng tại khu vực Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình phù hợp với quy hoạch Trung tâm chính trị Ba Đình. Khu vực này sẽ là điểm nhấn, giúp người dân và du khách có thể tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn”.
Trên thực tế, tại khu vực quảng trường và các công trình lịch sử, văn hóa của Thủ đô các thành phố lớn ở một số nước trên thế giới đều bố trí không gian đi bộ cho du khách đến tham quan. Cho nên, phải làm sao để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Quảng trường Ba Đình mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, cảnh quan khu vực ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn, không gian rộng mở hơn, thu hút ngày càng nhiều du khách đến nơi đây viếng Bác, tham quan khu vực, góp phần tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là ý chí, nguyện vọng, trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định, cảnh quan khu vực Lăng Bác đã phát triển bền vững hài hòa, không gian rộng mở như tình cảm sâu sắc của nhân dân đối với Bác Hồ từ thế hệ này qua thế hệ khác. 42 năm qua, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình lịch sử tiếp tục chứng kiến sự phát triển, đi lên của đất nước. Nhân dân cả nước vẫn luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Người còn sống mãi với non sông đất nước./.
Nguyễn Minh Đức