Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

van minh do thi 1

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ tình cảm, khí phách và tâm hồn Việt Nam

Không biết tự bao giờ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc đã khắc sâu vào muôn triệu trái tim con người Việt Nam. Hình tượng cao đẹp của Bác vượt lên không gian và thời gian trường tồn vĩnh hằng cùng dân tộc. Suốt 42 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu. Mỗi chúng ta luôn hướng về Bác với sự biết ơn, lòng tôn kính và Người luôn là niềm tự hào của dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Ngày nay, quần thể Lăng Bác là một trong những địa điểm thăm viếng của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng và bạn bè quốc tế; đặc biệt với các người dân ở các tỉnh, thành mỗi khi họ về thăm Thủ đô Hà Nội. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán, một sinh hoạt truyền thống nhớ ơn cội nguồn. Đó chính là sự thành kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, nguyện trung thành, mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Đây còn là một địa điểm du lịch, tham quan hấp dẫn của du khách quốc tế.  Nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam, đứng trước Lăng của Người đã có cảm nhận: “Hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới được nhân dân mến mộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Và thật cảm động, khi một khách du lịch người Thái Lan đã viết: “Tôi đã đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây rất đẹp và trang nghiêm, nó không chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà còn là của nhân loại”.

Xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt nên việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hoá, văn minh đô thị ở đây có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần bảo đảm sự tôn nghiêm, lòng thành kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Thời gian qua, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện những chuẩn mực văn hoá như tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc; xây dựng nếp sống văn minh giao tiếp, ứng xử trong công tác đón tiếp, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở tác phong của mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của các cơ quan, đơn vị khi làm nhiệm vụ; cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc; luyện tập, nâng cao chất lượng nghi lễ; tập trung huấn luyện điều lệnh đội ngũ, tiêu binh danh dự, nghi lễ; nâng cao nghiệp vụ bảo vệ an ninh, sẵn sàng chiến đấu; tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.

van minh do thi 5

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị truyên truyền không hút thuốc lá

Để bảo đảm điều kiện người dân thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh tại khu vực Lăng, Ban đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo bộ mặt cảnh quan Lăng Bác ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình được xây dựng như: Cải tạo nâng cấp lát đá tuyến phố đi bộ, cải tạo nâng cấp nhiều vườn hoa, hệ thống chiếu sáng trang trí; làm mới mái che đường viếng, nhà kiểm tra an ninh, hàng rào an ninh; bố trí thêm thùng rác, nhà vệ sinh lưu động phục vụ nhân dân tại điểm tập kết phương tiện, đón trả khách trong khu vực; ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong công tác duy trì chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ... góp phần hoàn thiện hạ tầng cảnh quan kiến trúc khu vực Lăng. Bên cạnh đó, lắp đặt các ki-ốt điện tử, màn hình Led và biển bảng hướng dẫn tại các khu vực; nâng cấp Trang tin điện tử để tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn ý thức văn hóa, văn minh đô thị khi tham gia các hoạt động tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình trong và ngoài giờ viếng.

Chủ trương xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh đô thị của Ban Quản lý Lăng thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định như: Ý thức chấp hành quy định, nội quy, quy chế và tính tự giác của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ được nâng lên trong phong cách ứng xử, giao tiếp nơi công sở, nơi công cộng; tuân thủ các quy định trong tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường thể hiện được nếp sống văn hoá - văn minh tại khu vực. Đặc biệt, đã nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Ý thức tự giác, tích cực tham gia xây dựng văn minh đô thị, tham gia bảo vệ trật tự, vệ sinh môi trường từng bước hình thành trong mỗi người dân và du khách khi đến viếng Bác, tham quan và tham gia các hoạt động tại khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình.

Tuy nhiên có một thực tế, cách ứng xử cộng đồng thời gian vừa qua cũng có nhiều vấn đề phải bàn, đơn cử như việc vứt rác không đúng nơi quy định; nhổ bã kẹo cao su trên các tuyến phố đi bộ làm mất vệ sinh và mỹ quan khu vực. Ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn (Ba Đình) cho biết: Nhiều nam thanh nữ tú đến tham quan di tích Lăng Bác cứ xả rác bừa bãi, dù đã có biển cấm xả rác và thùng rác gần đó. Trong khi nhiều du khách nước ngoài rất ý thức trong vấn đề này. Nhiều khi thấy du khách nước ngoài nhặt rác do người Việt mình xả ra bỏ vào thùng rác mà thấy xấu hổ. 

van minh do thi 6

Pano về phòng chống tác hại của thuốc lá tại khu vực Lăng

Ngoài ra, tình hình người dân ở các địa phương đi khiếu kiện tập trung đông người làm mất an ninh trật tự khu vực vẫn thường xuyên diễn ra; trang phục của một số du khách đến viếng Bác chưa nghiêm túc đúng quy định, đặc biệt một số người dân trên địa bàn là nam giới cởi trần đi bộ, dạo mát trong khu vực trước Lăng, Quảng trường Ba Đình ngoài giờ viếng… Những hành vi thiếu lịch sự này không chỉ gây phản cảm và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi đây mà còn ảnh hưởng tới việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở Thủ đô Hà Nội.

Trước thực tế đó, Ban Quản lý Lăng xác định: Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm Ban Quản lý Lăng đang ra sức tập trung triển khai Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Xã hội ngày càng văn minh, phát triển hiện đại thì những quy tắc những phong cách giao tiếp lịch sự, văn minh ở Lăng Bác càng cần được thể hiện. Những việc tưởng chừng như đơn giản, thực ra lại rất quan trọng và mang một giá trị to lớn. Đặc biệt là ở khu vực Lăng Bác, thì văn hóa ứng xử và văn minh giao tiếp càng phải thể hiện rõ nét. 

van minh do thi

van minh do thi 2

Thực hiện công tác trang trí tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là kỹ năng sống rất quan trọng, nhưng không phải ai cũng thấy được điều đó. Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận và làm theo. Nếp sống văn hoá - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực của giá trị văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Mỗi chúng ta để đi đến thành công thì văn hóa ứng xử và văn minh trong giao tiếp ở mọi lúc, mọi nơi luôn đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là ở Lăng Bác. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên rèn luyện nâng cao kỹ năng, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống. Đó là cơ sở vững chắc để con người đạt tới sự chuẩn mực “chân, thiện, mỹ”. 

Đồng bào và khách quốc tế đến khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình là đến với môi trường văn hóa, đến nơi tôn nghiêm của đất nước. Chúng ta có thể cảm nhận được không khí trang nghiêm ở đây và cả sự tôn kính của nhân dân khi vào Lăng viếng Bác. Bởi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Người, là biểu tượng lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ của mình, cần phải có sự chuẩn mực. Sự chuẩn mực đó được thể hiện rõ trong quy chế, quy định của Ban Quản lý Lăng; du khách trước khi vào Lăng viếng Bác nên đọc kỹ quy định, quy trình tổ chức lễ viếng Bác. Từ hành vi thái độ cần phải văn minh, lịch sự, không gây ồn ào, mất trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, và xếp hàng theo thứ tự, đến trang phục phải lịch sự và nghiêm túc, không mặc quần áo quá ngắn hay mang tính chất phản cảm khi vào Lăng viếng Bác, tham quan Quảng trường Ba Đình. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện quy định về vệ sinh môi trường. Các quy chế, quy định này đã được thực hiện từ lâu và cụ thể hóa theo Nghị quyết số 07-NQ/HĐNN7 ngày 28/8/1981 của Hội đồng Nhà nước (nay là Chính phủ), đã quy định: "Điều 1. Khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh những điều quy định của Ban Quản lý Lăng và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ và nhân viên bảo vệ Lăng". 

Mặt khác, trong thời gian tới để thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, còn cần phải kết hợp nhiều hình thức, giải pháp đồng bộ như: 

Cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần nâng cao nhận thức, hành động;  tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh đô thị đối với du khách khi đến viếng Bác, tham quan khu vực để tạo được sự chuyển biến thực sự từ tư tưởng, nhận thức tới hành động của mỗi cá nhân và toàn xã hội; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị  thuộc Ban Quản lý Lăng và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đồng thời, nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Quy định số 55 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về một số việc làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự đột phá trong việc chấp hành kỷ cương của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng, xây dựng phong cách mang dấu ấn là một lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ chính trị bên Lăng Bác Hồ từ đó lan tỏa tới cộng đồng xã hội, du khách khi đến viếng Bác, tham quan Quảng trường Ba Đình và tham gia các sinh hoạt văn hóa, chính trị tại khu vực.

Bên cạnh đó, cần phải quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, tiến hành thường xuyên; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng; đẩy mạnh các hoạt động hướng vào nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công tác phục vụ lễ viếng Bác, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác; xây dựng gương “Người tốt, việc tốt” và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ban Quản lý Lăng cần chú trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức gắn với đạo đức công vụ; thực hiện các cuộc vận động, phong trào và nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm huy động toàn xã hội tham gia thực hiện phong trào và đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Ban Quản lý Lăng.

Ngoài ra, còn cần sự chung tay tham gia tích cực của nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan Quảng trường Ba Đình, giữ gìn môi trường trong sạch, có ý thức trong ứng xử, giao tiếp nơi công cộng… Về Lăng Bác Hồ không chỉ cảm nhận sâu sắc rằng mình đang được đến một công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị văn hóa đặc biệt, được đến gần hơn với Bác mà quan trọng hơn lại tự mình phải luôn giữ gìn nêu cao lòng tự trọng xây dựng nếp sống văn hóa, cố gắng học tập một phần nhỏ bé trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để vươn lên tự hoàn thiện chính minh./.

Nguyễn Minh Đức

Bài viết khác: