Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người chiến sỹ lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, người bạn thân thiết của nhân dân các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Ngày 02/9/1969, trái tim của Người ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Công trình của “ý Đảng - lòng Dân”
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành nỗi niềm mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Lúc sinh thời, Bác Hồ rất mong muốn được vào miền Nam để gặp đồng bào, chiến sỹ miền Nam, và đồng bào miền Nam cũng ngày đêm mong mỏi được đón Bác vào thăm. Tuy nhiên, do quy luật ngặt nghèo của thời gian, Bác đã phải đi xa khi chưa thực hiện được niềm mong ước đó. Trước lúc Bác đi xa, trong Di chúc của mình, Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý. Điều đó đặt ra một câu hỏi rất lớn cho Đảng, Nhà nước về một công trình có tầm vóc mang ý nghĩa chính trị, văn hóa gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đồng bào, chiến sỹ cả nước đều mong muốn Bác có một nơi an nghỉ cuối cùng, thể hiện được phần nào công lao và sự nghiệp vĩ đại của Người, để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Bác và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn. Như vậy, “ý Đảng” và “lòng Dân” đều thống nhất chung ở một điểm, đó là phải có một công trình mang tầm vóc lịch sử để lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con cháu muôn đời sau.
Ngay sau ngày tổ chức chu đáo và hết sức trọng thể Lễ truy điệu Bác, Đảng và Nhà nước ta đã nghiên cứu đến việc xây dựng Lăng của Người. Trong phiên họp sáng ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã bàn và quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Quyết định đúng đắn và sáng suốt của Bộ Chính trị đối với việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Công trình Lăng của Người không những là quyết định hợp lòng dân mà còn thể hiện một tư tưởng chính trị: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người. Xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc – “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất, xuyên suốt nhất, làm nổi bật ý nghĩa chính trị tư tưởng của một công trình đặc biệt và là tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống
Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt tại khu vực Ba Đình gồm: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh là một thiết chế văn hóa rất quan trọng, có tác dụng to lớn trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội của nhân dân ta, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thông qua các sinh hoạt chính trị và tổ chức các hoạt động tại Lăng Bác có tác dụng to lớn trong việc nâng cao ý thức chính trị, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi người dân Việt Nam. Thống kê cho thấy, những năm qua tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình đã diễn ra các sinh hoạt chính trị, truyền thống đa dạng và phong phú:Lễ báo công dâng Bác, Lễ tuyên thệ, Lễ xuất quân, Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên, đội viên của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các cuộc biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và các hoạt động văn hóa quần chúng...
Đặc biệt từ ngày 19 tháng 5 năm 2001, được phép của Thủ tướng Chính phủ, nghi lễ chào cờ hàng ngày đã được tiến hành trọng thể, trang nghiêm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghi thức này được tổ chức thành nề nếp và trở thành một nội dung sinh hoạt chính trị ăn sâu vào tiềm thức của người dân Thủ đô nói riêng và du khách đến tham quan khu vực, đã phát huy tốt tác dụng giáo dục truyền thống cho người dân Việt Nam. Biểu tượng của Tổ quốc với hình ảnh của Lãnh tụ được hoà quyện vào nhau càng tôn thêm giá trị văn hoá, tinh thần và ý nghĩa chính trị của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Là một công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa to lớn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – công trình của “ý Đảng - lòng Dân” sẽ trường tồn mãi cùng đất nước Việt Nam, là trái tim của trái tim Việt Nam, là nơi hội tụ những tinh hoa về kiến trúc và không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội – mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Là công trình trung tâm trong Cụm Di tích lịch sử – văn hoá Ba Đình, Lăng Bác đã trở thành địa chỉ hướng đến đầu tiên của du khách mỗi khi tới Thủ đô Hà Nội, là nơi hội tụ tình cảm và niềm tin của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế đến Việt Nam.
Về Lăng viếng Bác, tham quan Công trình Lăng của Người là một phần thưởng vô cùng quý giá của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động đó được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước đứng ra tổ chức. Về đây, mọi Người luôn thầm hứa với Bác là phải giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc, của cách mạng là: Tận trung với nước, tận hiếu với dân, anh hùng, dũng cảm, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, công tác, có lòng nhân hậu, vị tha và nghĩa tình trong cuộc sống cộng đồng với đồng bào, đồng chí và ngay cả trong gia đình của mình.
Hành trình vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc tham quan Khu Di tích Đá Chông đã được tổ chức trang trọng, thành kính, song lại hết sức giản dị, tiết kiệm mà vẫn tạo được dấu ấn đậm nét và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế khi trực tiếp được tham dự các nghi thức, nghi lễ đó.
Về với Bác Hồ là về với tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh. Về với Bác Hồ chính là khơi nguồn, để làm cho giá trị truyền thống luôn được trong sáng, để mỗi người chúng ta được tắm trong suối nguồn đó mà sáng mắt, sáng lòng hơn, xứng đáng với Bác Hồ kính yêu, xứng đáng với quá khứ vẻ vang và hào hùng của dân tộc và của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc./.
Trần Duy Hưng, Ngọc Hà