Trong tiết trời dịu mát của những ngày đầu mùa thu, ngay từ 5 giờ 30 sáng đã có rất nhiều người xếp hàng tại Quảng trường Ba Đình theo dõi Lễ chào cờ và chuẩn bị vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày Quốc khánh 02/9 cũng là ngày Bác đi xa, do vậy cứ đến dịp này, hàng triệu trái tin của những người con nước Việt lại hướng về Hà Nội, về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình lịch sử để hồi tưởng lại thời khắc lịch sử của 72 năm về trước, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và để tỏ lòng ghi nhớ công lao trời biển Người.

TT Cuong kiem tra

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng ân cần thăm hỏi và tặng quà nhân dân đến viếng Bác

Để chuẩn bị cho công việc đón nhân dân và khách quốc tế đếng viếng Bác ngày 02/9, ngay từ sáng sớm, chúng tôi được chứng kiến công tác chuẩn bị khẩn trương của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng. Từ đồng chí Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đến các phòng, ban, cán bộ chiến sĩ, ai cũng hối hả chuẩn bị nước uống, bánh mỳ phục vụ nhân dân bởi ai cũng mong được góp phần vào công việc thiêng liêng, đón tiếp chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến với Người trong ngày trọng đại này.

  Kết thúc Lễ chào cờ, trên các đường phố quanh Lăng, từng dòng người đã nối nhau xếp hàng vào Lăng viếng Bác. Trong dòng người ấy có đủ các thành phần, lứa tuổi khác nhau, từ những cụ già tóc bạc phơ đến nam thanh, nữ tú và các cháu thiếu niên nhi từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về. Tất cả đều háo hức, xúc động và tự hào khi được đứng tại địa danh mà 72 năm trước Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành những người làm chủ đất nước.

TT kiem cung tham gia cap phat nuoc

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
 kiểm tra và công tác phục vụ nước và bánh mỳ cho nhân  dân

Hòa cùng dòng người vào Lăng viếng Bác, chúng tôi được gặp cụ Nguyễn Văn Tính, 86 tuổi, trú tại Khu 3, Thị trấn Thác Bà, Yên Bái cùng với ba cháu nội. Ông bùi ngùi xúc động cho biết: 10 năm nay, tôi đều đưa các cháu đi viếng Bác Hồ vào dịp Quốc khánh 02/9. Mỗi lần đưa các cháu về thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác, tôi đều nhắc nhở, kể cho con về tấm gương và công lao to lớn của Bác Hồ, bởi vì Bác đã làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay”. Còn với em Hoàng Phương Thảo, lớp 9B, trường THCS Lê Quý Đôn bùi ngùi xúc động: Lần đầu em được đến Lăng Bác, được gặp Bác. Em thấy Bác như đang lắng nghe, mỉm cười hạnh phúc, dành cho chúng em cái nhìn trìu mến, chứa chan niềm yêu thương. Đoàn chúng em chầm chậm, lặng lẽ, nhẹ nhàng đi qua nơi Bác yên nghỉ. Đến bên Bác ai cũng thấy xúc động, cũng muốn dừng chân lâu hơn để ngắm thật kỹ dáng ngủ yên bình, chòm râu dài và mái tóc bạc phơ, nhìn Bác như một ông tiên. Em thầm hứa với Bác, năm sau cháu sẽ cố gắng học tập nhiều hơn nữa để dâng lên Bác nhiều thành tích hơn, nhiều bông hoa điểm tốt hơn để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

phuc vu nguoi khuyet tat

Phục vụ người  khuyết tật vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

nhan nuoc uong

Cấp bánh mỳ và nước uống phục vụ nhân dân và khách quốc tế 
về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ miền đất phương Nam, bà Lê Ngọc Anh, năm nay 82 tuổi, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, mang theo tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của người dân  Nam Bộ đối với Bác Hồ. Bà xúc động tâm sự: Ngày Bác mất, tôi chỉ biết tin qua làn sóng radio. Tôi luôn mong mỏi được một lần ra Hà Nội và vào Lăng để được gặp Bác Hồ. Hôm nay, được thỏa nỗi chờ mong bấy lâu, tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ, một cảm giác xốn sang như được tìm về với người cha thân yêu, với những gì thân thuộc của lòng mình, với hồn thiêng sông núi. Lần đầu tiên tôi được tới Lăng Bác nhưng sao ở đây tôi thấy cái gì cũng rất đỗi thân thuộc, với hàng tre xanh, với ao cá, vườn cây, với màu cờ đỏ thắm… Tất cả mọi thứ ở đây như ngưng đọng lại để tạo không khí yên tĩnh cho giấc ngủ ngàn thu của người anh hùng vĩ đại của dân tộc.

dong nguoi vao lang vieng bac

Từ rất sớm, đông đảo nhân dân và khách quốc tế
 đã xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Tuy số lượng đồng bào và khách quốc tế đến rất đông, nhưng không có cảnh chen lấn xô đẩy, không có hiện tượng mất trật tự. Nhịp chân khi xếp hàng chờ được vào viếng Bác càng nóng lòng và hối hả bao nhiêu, thì khi đứng bên Người càng chậm rãi bấy nhiêu. Con tim như ngừng đập, những đôi mắt dừng lại và bước chân cố níu chậm hơn. Thật khó diễn tả hết cảm xúc khi đứng bên và ngắm nhìn Người đang an lành trong giấc ngủ. Khuôn mặt Người vẫn rạng ngời niềm vui như ngày toàn thắng, niềm vui của một tấm lòng yêu cháu con và đất nước da diết.

Nguyen viet binh

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Bình chia sẻ cảm xúc khi về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cựu chiến binh Nguyễn Viết Bình, đơn vị trước đây thuộc Sư đoàn 320, chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc, hiện đang sống tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội hôm nay đến viếng Bác trong bộ quân phục chỉnh tề. Ông cho biết, đã thành truyền thống, cứ đến dịp 02/9 là ông lại đưa cả gia đình về viếng Bác, bởi ông luôn khắc ghi công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và răn dạy con cháu cần học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Bác Hồ. Chính vì vậy, con cháu ông ai cũng ngoan ngoãn và học hành thành đạt. Đây là dịp để báo cáo thành tích của con cháu với Bác Hồ kính yêu. Cùng chia sẻ tình cảm đó, cụ Trần Thị Quý, năm nay 75 tuổi, người dân tộc Cao Lan, đến từ xã Hùng Đức, Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết: Đây là lần thứ hai tôi đưa cháu nội về viếng Bác Hồ. Tôi mong cháu hiểu rõ hơn về công lao trời biển của Bác để phấn đấu học hành tiến bộ, sau này là người có ích cho xã hội. Tôi rất xúc động khi đến viếng Bác lại được đơn vị chăm lo bảo đảm cho nước uống và bánh mì dành cho nhân dân như thế này.

tran thi quy

Cụ Trần Thị Quý đưa cháu nội về viếng Bác Hồ

Với mỗi người dân Việt Nam, tình cảm dành cho Bác Hồ là vô bờ bến. Trong ngày Tết Độc lập của dân tộc, giữa thời khắc lịch sử của 72 năm về trước, mỗi người lại càng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã đưa đất nước ta đi đến bến bờ hạnh phúc như ngày hôm nay. Và lòng dân Việt Nam càng không bao giờ quên công lao to lớn, trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Người Việt Nam ta dù sống và làm việc trên mọi miền Tổ quốc hoặc ở nơi xa xôi nghìn dặm trên trái đất này đều khắc sâu trong tâm khảm về một “Mùa thu Cách mạng”.

Cảm xúc về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cảm xúc đặc biệt, là tiếng lòng của những trái tim yêu Tổ quốc, yêu hoà bình độc lập, tự do, là tiếng của yêu thương và những ước mơ về ngày mai tươi đẹp. Bài ca cách mạng cất lên hơn bảy mươi năm về trước vẫn âm vang và đồng hành cùng đất nước trong cuộc trường chinh thực hiện trọn vẹn mong ước “tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “…nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác: